Đi tìm nguồn gốc vũ khí Mỹ trong tay Hamas
Một số đoạn video ghi lại cảnh Hamas tấn công vào miền nam Israel cho thấy nhiều tay súng Palestine sử dụng vũ khí được cho là do Mỹ chế tạo.
Theo RT, một số hình ảnh và video ghi lại các cuộc tấn công của phong trào Hamas ở miền nam Israel sáng 7/10 cho thấy nhiều tay súng Palestine sử dụng vũ khí của Mỹ. Thậm chí trong số này có cả súng chống tăng M136 (AT-4).
Các tay súng Hamas còn cảm ơn Mỹ về số vũ khí họ được trang bị khi tấn công vào một căn cứ ở biên giới giáp với Israel ở Dải Gaza.
Sự xuất hiện của những hình ảnh trên liền khiến dư luận đặt ra câu hỏi về nguồn gốc số vũ khí Mỹ đang được Hamas sử dụng.
Trong một tuyên bố vào ngày 9/10, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết vũ khí được Hamas sử dụng ở Israel có thể đến từ viện trợ của Mỹ dành cho Ukraine.
"Những vũ khí chuyển giao cho Ukraine đang được sử dụng tích cực ở Israel. Chúng không khác gì kho vũ khí Mỹ bỏ lại khi rút khỏi Afghanistan và sẽ sớm tràn lan một cách không kiểm soát ở tất cả các điểm nóng”, ông Medvedev cho biết.
Cũng theo ông Medvedev tình hình sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn từ đây, đồng thời dự đoán rằng thế giới sẽ chứng kiến xe tăng, tên lửa thậm chí là máy bay được tuồn từ Ukraine ra thị trường chợ đen.
Còn theo nữ nghị sĩ đảng Cộng hòa Marjorie Taylor Greene tại Hạ Viện Mỹ, Washington phải hợp tác với Tel Aviv để điều tra nguồn gốc vũ khí do Mỹ sản xuất được Hamas sử dụng trong cuộc tấn công vào Israel.
Nữ nghị sĩ này hoài nghi một số vũ khí được Hamas sử dụng có thể có nguồn gốc từ Ukraine hoặc Afghanistan, và chúng phải được theo dõi để xác định nguồn gốc.
“Chúng tôi cần hợp tác với Israel để theo dõi số series trên bất kỳ vũ khí nào của Mỹ được Hamas sử dụng để chống lại Israel. Chúng đến từ Afghanistan? Hay đến từ Ukraine? Rất có thể câu trả lời là cả hai”, bà Greene viết trên mạng xã hội.
Còn theo chuyên gia quân sự, cựu thủy quân lục chiến Mỹ Scott Ritter, vũ khí được các tay súng Palestine ở Dải Gaza sử dụng trong quá khứ hầu hết đều là AK-47, điều này dần thay đổi cùng với việc Mỹ mở rộng cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan và cả Iraq.
Ông Ritter cho rằng với số vũ khí Mỹ được sử dụng trong hai cuộc chiến trên việc một phần nào đó bị tuồn ra ngoài thị trường chợ đen không phải là điều gây ngạc nhiên.
Chuyên gia Ritter nói thêm, xung đột ở Ukraine đang càng làm việc mua vũ khí Mỹ ở thị trường chợ đen trở nên dễ dàng hơn.
Trước đó vào tháng 6, Thủ tưởng Israel Benjamin Netanyahu từng cảnh báo rằng vũ khí chống tăng do Mỹ sản xuất dành cho Ukraine đang xuất hiện ở biên giới Israel nhưng không cung cấp thông tin chi tiết.
Việc số lượng lớn vũ khí do Mỹ sản xuất được rao bán trên thị trường chợ đen phản ánh cách quản lý lỏng lẻo của Washington khi cung cấp hỗ trợ quân sự cho đồng minh của họ. Mỹ dường như chỉ muốn có được ảnh hưởng chính trị từ các chương trình viện trợ hơn là việc xem số vũ khí đó có đến đúng địa chỉ hay không.
Vấn đề vũ khí của Mỹ rơi vào tay các phần tử khủng bố hoặc Hồi giáo cực đoan không phải là mới. Năm 2007, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ khi bắt đầu thu hồi vũ khí từ các chiến binh Đảng Công nhân người Kurd (PKK) bị tiêu diệt thì phát hiện ra những khẩu súng với số series thuộc về các chuyến hàng vũ khí được Mỹ cung cấp cho lực lượng vũ trang Iraq.
Vũ khí Mỹ cung cấp cho Ả Rập Xê-út, UAE với mục đích chống lại phiến quân Houthi ở Yemen đang bị chính lực lượng dân quân này chiếm giữ và tái sử dụng trong suốt nhiều năm qua. Một phần số vũ khí này đã lọt vào tay các chiến binh Hezbollah ở Lebanon.
Vũ khí do Mỹ cung cấp cho quân đội quốc gia Afghanistan trước đây đã xuất hiện ở vùng Kashmir, khi cảnh sát Ấn Độ thu giữ vũ khí được các tay súng Hồi giáo cực đoan sử dụng.
Các loại vũ khí khác của Mỹ viện trợ cho Ukraine thậm chí còn xuất hiện ở châu Phi, tại khu vực Hồ Chad, trong tay quân nổi dậy Boko Haram chiến đấu chống lại quân đội chính phủ Chad, Niger và Nigeria.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/di-tim-nguon-goc-vu-khi-my-trong-tay-hamas-ar825882.html