Đi tìm nguyên nhân khiến năm 2024 sẽ nóng hơn năm 2023
Việc hạn chế xả khí gây hại với sức khỏe con người lại làm Trái đất bị nóng lên. Kết hợp với El Nino có thể khiến năm 2024 nóng kỷ lục.
Trái đất vừa kết thúc năm 2023 được cho là nóng nhất trong 125.000 năm qua. Câu hỏi là năm 2024, chúng ta có phải trải qua một năm nóng kỷ lục nữa hay không.
Năm 2023, sóng nhiệt dai dẳng thiêu đốt khắp nơi trên thế giới. Cháy rừng hoành hành khắp Canada. Lũ lụt ở Libya đã giết chết hàng nghìn người. Lớp băng mùa đông ở vùng biển tối xung quanh Nam Cực ở mức thấp chưa từng thấy.
Nhiệt độ toàn cầu năm 2023 không chỉ xô đổ các kỷ lục trước đó mà còn bỏ xa. Từ tháng 6 đến tháng 11, nhiệt kế tăng vọt từ tháng này sang tháng khác. Nhiệt độ nước Mỹ phần lớn trong tháng 12 vẫn ở trên mức bình thường: Phần lớn vùng Đông Bắc nước Mỹ trước Giáng sinh có thời tiết giống như mùa xuân.
Đó là lý do tại sao các nhà khoa học đang sàng lọc bằng chứng được thu thập từ đại dương, núi lửa phun trào, thậm chí ô nhiễm từ tàu chở hàng... để xem liệu năm qua có tiết lộ điều gì mới về khí hậu và những gì chúng ta đang gây ảnh hưởng với nó hay không.
Một giả thuyết, có lẽ đáng lo ngại nhất, là sự nóng lên của hành tinh đang gia tăng, đồng thời biến đổi khí hậu đang tác động đến chúng ta nhanh hơn trước. Chris Smith, một nhà khoa học khí hậu tại Đại học Leeds cho biết: “Thực sự, những gì chúng tôi đang có là một loạt bằng chứng xác thực cho thấy tất cả đều đi về một hướng. Có lẽ chúng ta đang dần thấy mối quan hệ nhân quả”.
Nhiệt độ năm qua rất khắc nghiệt nhưng chúng không khiến giới nghiên cứu mất cảnh giác. Mô thức tính toán của các nhà khoa học đã đưa ra một loạt mức nhiệt độ dự kiến, đồng thời xác định nhiệt độ của năm 2023 mặc dù cao nhưng vẫn nằm trong phạm vi này.
Andrew Dessler, một nhà khoa học khí quyển tại Đại học Texas A&M cho biết, một năm đặc biệt sẽ không đủ để cho thấy có điều gì đó bị lỗi so với tính toán trên máy tính. Nhiệt độ toàn cầu từ lâu đã dao động lên xuống xung quanh xu hướng ấm lên đều đặn do các yếu tố mang tính chu kỳ như El Nino. Đáng lo là kiểu khí hậu này sẽ xuất hiện vào mùa xuân và rồi mạnh dần, có thể báo hiệu mức nhiệt kỷ lục sẽ xảy ra vào năm 2024.
Bầu khí quyển quá trong xanh làm Trái đất nóng lên
Một điều mà các nhà nghiên cứu sẽ theo dõi là liệu có thể xảy ra điều gì đó bất ngờ trong sự tương tác giữa hai ảnh hưởng chính của khí hậu: hiệu ứng nóng lên của các loại khí nhà kính như carbon dioxide và hiệu ứng làm mát của các loại ô nhiễm công nghiệp khác (như khí sunfua).
Trong suốt 174 năm qua, con người đã lấp đầy bầu trời bằng cả khí nhà kính và sol khí (những vi hạt từ ống khói nhà máy, ống xả xe cộ...). Những vi hạt này có hại cho phổi chúng ta nhưng trong khí quyển, chúng phản xạ bức xạ mặt trời, bù đắp một phần hiệu ứng giữ nhiệt của carbon dioxide.
Tuy nhiên, trong những thập niên gần đây, các nước đã bắt đầu cắt giảm khi gây ô nhiễm (nguồn tạo sol khí) vì sức khỏe cộng đồng. Các nhà khoa học ước tính chính điều này đã khiến nhiệt độ tăng nhanh hơn kể từ năm 2000.
Và trong một báo cáo được thảo luận nhiều vào tháng trước, nhà nghiên cứu khí hậu James E. Hansen lập luận rằng các nhà khoa học đã đánh giá quá thấp mức độ Trái đất sẽ ấm lên trong những thập niên tới nếu thế giới làm sạch các nguồn sol khí mà không cắt giảm lượng khí thải carbon.
Nhưng không phải tất cả các nhà khoa học đều bị thuyết phục điều này. Reto Knutti, nhà vật lý khí hậu tại trường đại học ETH Zurich của Thụy Sĩ, cho biết những lập luận như của Tiến sĩ Hansen khó có thể phù hợp với các tính toán trong những thập niên gần đây.
Tiến sĩ Knutti cho biết điều này càng khiến việc kết luận một cách chắc chắn rằng hiện tượng nóng lên sắp tăng tốc càng khó khăn hơn. Ông nói: “Cho đến khi El Nino hiện tại kết thúc, chúng tôi không chắc có thể đưa ra những tuyên bố dứt khoát”.
Hiện nay, việc xác định chính xác quy mô tác động của sol khí cũng rất khó khăn. Một phần nguyên nhân khiến các sol khí làm mát hành tinh thông qua việc làm cho các đám mây sáng hơn và làm chệch hướng nhiều bức xạ mặt trời hơn. Tianle Yuan, nhà địa vật lý của NASA và Đại học Maryland cho biết, các đám mây rất phức tạp, tụ rồi tan và để lại rất ít dấu vết cho giới khoa học kiểm chứng.
Năm nay, khí gây ô nhiễm (tạo sol khí) được đặc biệt quan tâm vì quy định quốc tế năm 2020 hạn chế ô nhiễm từ tàu thuyền. Tiến sĩ Yuan và những người khác đang cố gắng xác định xem quy định này (vốn hạn chế các sol khí phản chiếu ánh sáng mặt trời), có thể đã làm tăng nhiệt độ toàn cầu đến mức nào trong những năm gần đây.
Lập luận của Tiến sĩ Hansen về sự nóng lên nhanh hơn một phần dựa vào việc tái hiện sự thay đổi khí hậu giữa các kỷ băng hà trong 160.000 năm qua.
Việc sử dụng thời kỳ xa xôi của Trái đất để đưa ra những suy luận về khí hậu trong những năm và thập niên tới là điều khó đảm bảo sự chính xác. Tuy nhiên, Barbel Honisch, một nhà khoa học tại Đài quan sát Trái đất Lamont-Doherty của Columbia, cho biết, lịch sử sâu sắc của hành tinh này cho thấy thời kỳ hiện tại bất thường như thế nào.
Ví dụ, 56 triệu năm trước, tình trạng hỗn loạn địa chất đã bổ sung carbon dioxide vào khí quyển với số lượng tương đương với lượng mà con người đang thêm vào ngày nay. Hậu quả là nhiệt độ tăng vọt, đại dương bị axit hóa và các loài chết hàng loạt.
Tiến sĩ Honisch cho biết: “Nhưng sự khác biệt là thời xưa phải mất khoảng 3.000 đến 5.000 năm để đạt được điều đó” còn ngày nay chỉ mất vài thế kỷ (bắt đầu từ thời đại công nghiệp).
Sau đó, Trái đất còn mất nhiều thời gian hơn để trung hòa lượng carbon dioxide dư thừa đó: khoảng 150.000 năm.