Đi tìm những địa phương ca đi cùng năm tháng

Trong lĩnh vực âm nhạc, những ca khúc viết về một địa phương nào đó, đặc biệt là tên bài hát có cụ thể tên địa phương đó, thường được nhiều người gọi là địa phương ca. Địa phương ca có thể là phường xã ca, huyện ca, quận ca, cao hơn nữa là Tỉnh, thành phố ca-những ca khúc chủ yếu lưu hành nội bộ tại địa phương cụ thể nào đó.

Vẻ đẹp của những vùng đất và con người Việt Nam luôn là đề tài bất tận trong sự nghiệp sáng tác của giới văn nghệ sĩ nói chung, nhạc sĩ nói riêng. (ảnh minh họa)

Vẻ đẹp của những vùng đất và con người Việt Nam luôn là đề tài bất tận trong sự nghiệp sáng tác của giới văn nghệ sĩ nói chung, nhạc sĩ nói riêng. (ảnh minh họa)

Trong bài viết này, người viết muốn đề cập đến về những ca khúc "tỉnh ca" đi cùng năm tháng, bởi sức lan tỏa của nó với thời gian và cả không gian, không chỉ người địa phương đó biết, yêu thích mà cả nước cũng yêu thích vì giá trị về nội dung lẫn nghệ thuật của các tác phẩm đó...

Trước hết nói về ca khúc viết về Hà Nội, "Trái tim của Tổ quốc", nơi có biết bao ca khúc hay không thể kể hết. Nhưng để nói về "địa phương ca" có thể lấy hai "đại diện" để nói về thủ đô đó là bài "Người Hà Nội", sáng tác của Nguyễn Đình Thi trong kháng chiến chống Pháp và bài "Hà Nội niềm tin và hy vọng", sáng tác của Phan Nhân trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước. Những ca khúc này tuy được sáng tác từ những năm 40, 70 của thế kỷ trước đến nay vẫn ngân vang trong lòng người Hà Nội nói riêng, toàn dân tộc Việt Nam nói chung, về một Hà Nội kiêu hãnh, mãi tỏa sáng hào khí Thăng Long.

Sau thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh qua các giai đoạn lịch sử cũng có rất nhiều ca khúc khắc ghi đậm nét về mảnh đất, con người nơi này. Cũng như Hà Nội, có 2 ca khúc có thể coi là "địa phương ca" để đời về Sài Gòn -TP Hồ Chí Minh là bài "Sài Gòn đẹp lắm", sáng tác của Y Vân năm 1965 và "Mùa xuân trên TP Hồ Chí Minh", sáng tác năm 1975 của Xuân Hồng. Hai giai đoạn lịch sử khác nhau nhưng cả hai đều khắc họa được một Sài Gòn- TP Hồ Chí Minh sôi động, nhộn nhịp nhưng cũng không kém phần hào hùng qua những ca từ đơn giản, giai điệu dễ nghe. Ca khúc không chỉ tồn tại mãi trong lòng người dân TP mang tên Bác qua bao thế hệ, mà còn trường tồn và trở nên quen thuộc trong đời sống của người dân Việt Nam…

Các địa phương ca "điển hình" có thể kể đến như Hải Phòng với "Thành phố hoa phượng đỏ", nhạc của Lương Vĩnh phổ thơ Hải Như; Thái Bình với "Bài ca năm tấn" của Nguyễn Văn Tý. Nói đến nhạc sỹ này không quá lời khi nói ông là một nhạc sỹ sáng tác "địa phương ca" nhiều và hay nhất. Sau "Bài ca 5 tấn" là "Dáng đứng bến Tre", "Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh", "Quảng Nam - Đà Nẵng đất nặng nghĩa tình". Một số ca khúc khác cũng khá điển hình của những nhạc sỹ tên tuổi có thể kể đến như "Quảng Bình quê ta ơi", "Tình ca Vũng Tàu" của Hoàng Vân, "Đất mũi Cà mau" của Hoàng Hiệp, "Nha Trang mùa thu lại về" của Văn Ký; "Tiếng hò trên đất Nghệ An" của Tân Huyền, "Quảng Nam yêu thương" của Phan Huỳnh Điểu; "Quân reo quê mẹ Quảng Trị anh hùng" của Trọng Loan; "Huế tình yêu của tôi" của Trương Tuyết Mai; "Hà Giang quê hương tôi" của Thanh Phúc; "Đà Nẵng tình người" của Đình Thậm…

Ca sĩ Trọng Tấn với các ca khúc về quê hương, đất nước. (ảnh minh họa).

Ca sĩ Trọng Tấn với các ca khúc về quê hương, đất nước. (ảnh minh họa).

Một số ca khúc do địa danh đã thay đổi sau chia tách, sáp nhập nhưng vẫn để lại trong lòng người nghe những kỷ niệm, ký ức đẹp về địa phương đã không còn trên bản đồ Việt Nam, có thể kể đến như: "Hà Tây quê lụa" của Nhật Lai; "Quảng Nam- Đà Nẵng đất nặng nghĩa tình" của Nguyễn Văn Tý; Bình Trị Thiên khói lửa của Nguyễn Văn Thương, "Đàn sáo Hậu Giang" của Trần Long Ẩn (viết về tỉnh Hậu Giang cũ)… Có những ca khúc tuy không có tên địa danh trong tựa đề bài hát nhưng khi vang lên người nghe vẫn biết đó là bài hát viết về địa phương nào, chẳng hạn như bài "Tôi là người thợ mỏ" của Hoàng Vân viết về Quảng Ninh; "Chào sông Mã anh hùng" của Xuân Giao viết về tỉnh Thanh Hóa; " Đi tìm câu hát Lý thương nhau" của Vĩnh An viết về tỉnh Nghĩa Bình (cũ); "Đêm thành phố đầy sao" của Trần Long Ẩn viết về TP Biên Hòa (Đồng Nai)… Và còn rất nhiều ca khúc viết về các tỉnh, TP được đông đảo người yêu âm nhạc đón nhận, không chỉ của các địa phương có trong những "địa phương ca" đó mà còn có tính "phổ cập" trong phạm vi toàn quốc, nhất là các ca khúc viết về những tỉnh, TP lớn, nơi có nhiều danh lam thắng cảnh, bề dày lịch sử gắn liền với sự phát triển của lịch sử dân tộc...

Trong bài viết này, người viết chỉ nêu những "địa phương ca" theo cảm nhận và hiểu biết của bản thân qua nhiều năm quan tâm đến lĩnh vực âm nhạc từ những năm tháng 70 của thế kỷ trước. Chắc chắn sẽ còn có những ý kiến khác nhau về chủ đề này, nhưng có thể nói, những ca khúc ca ngợi quê hương đất nước, dù là về vùng miền nào, nông thôn hay thành thị, cao nguyên hay đồng bằng đều làm cho chúng ta trào dâng tình yêu, tự hào về mảnh đất hình chữ S tươi đẹp và anh dũng này.

Dân Hùng

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/di-tim-nhung-dia-phuong-ca-di-cung-nam-thang-post275622.html