Đi tìm 'o du kích nhỏ' của xứ Thanh

Trong bộ phim 'Người Hàm Rồng' do Xưởng phim Quân đội sản xuất năm 1967 có một cảnh quay rất ấn tượng, đó là hình ảnh 'o du kích nhỏ' áp giải tên giặc lái Mỹ cao lênh khênh đi qua cầu Hàm Rồng. Thế nhưng hầu như không ai biết và nhớ được 'o du kích nhỏ' giải tên giặc lái Mỹ năm ấy là ai, ở đâu? Thế rồi cơ duyên đã giúp tôi được gặp o, một nữ dân quân nhỏ bé, gan dạ, o không ở đâu xa mà sống ngay tại một làng quê nhỏ nằm bên tả ngạn Hàm Rồng - sông Mã.

Đạo diễn Lê Lâm cùng các nhân chứng thăm Di tích cầu Hàm Rồng.

Tôi may mắn nhiều lần gặp gỡ NSƯT - đại tá Lê Lâm, nguyên Phó giám đốc Xưởng phim Quân đội, là đạo diễn phim “Người Hàm Rồng”, bộ phim tài liệu chiến tranh đạt giải thưởng Liên hoan phim quốc tế Jorit- Iven tại CHLB Đức. Trong phim có nhiều cảnh quay trực tiếp dưới mưa bom bão đạn, đặc biệt có một cảnh quay rất độc đáo: Cô dân quân nhỏ bé áp giải tên giặc lái cao to đi qua cây cầu mà trước đó y đã ném bom hòng phá sập. Ông Lê Lâm luôn nhớ tới những ngày tháng gian nan trên trận địa Hàm Rồng để ghi được những hình ảnh lịch sử để đời cho hậu thế. Ông tâm sự: “Người có công tạo dựng nên những cảnh quay này trước hết là quân dân Hàm Rồng. Không có ý chí kiên cường và cách đánh sáng tạo của họ thì làm sao bẻ gẫy cánh bay đầy tội ác, làm sao vít cổ được tên giặc lái xuống đất để có được cảnh quay y bị áp giải qua cầu”. Ông kể: Chiều hôm ấy, phát hiện có máy bay địch rơi, cả tổ làm phim cấp tốc hành quân tìm kiếm và đã kịp quay được cảnh động cơ máy bay còn đang bốc khói nghi ngút ở gần Đò Lèn. Nhưng tên giặc lái thì chẳng thấy đâu. Trời đã xẩm tối, tổ làm phim đành phải lủi thủi trở về Hàm Rồng. Thấy tổ làm phim về muộn, lại mệt mỏi, buồn chán vì không tìm được giặc lái, anh em công an vũ trang bảo vệ cầu động viên: “Các đồng chí yên tâm đi! Mai kia, nếu có tên giặc trời nào liều lĩnh sà thấp đánh lén, chúng tôi sẽ cố gắng bắn rơi tại chỗ, bắt sống giặc lái ngay trên dòng sông này để các đồng chí quay!”. Sáng hôm sau, trời còn mờ sương, đồng chí công an làm nhiệm vụ gác cầu chạy lên bảo: “Các đồng chí quay phim! Mang máy quay xuống ngay!” Chưa biết chuyện gì xảy ra, anh em vùng dậy khẩn trương mang máy xuống chân cầu. Một tên giặc lái mắt xanh mũi lõ đang đứng lù lù ở đầu cầu phía Bắc! Lúc này, tổ làm phim của Bộ Giao thông - Vận tải cũng có mặt ở đây. Đồng chí Phi Hùng phụ trách đoàn đang chỉ đạo cảnh quay, công nhân vẫn hàn ở phía nóc cầu, còn tên giặc lái thì bị áp giải đi phía dưới ánh lửa hàn lập lòe. Phạm Chơn, người quay phim của Điện ảnh Quân đội được biệt phái sang giúp đỡ Điện ảnh Giao thông - Vận tải đang lúi húi tìm góc độ. Anh em kịp giơ tay chào nhau rồi tranh thủ bấm máy ghi ngay được cảnh phim lịch sử có một không hai này. Quay xong, anh em điện ảnh của cả hai đơn vị vui mừng trở về tiếp tục làm nhiệm vụ khác.

Tôi hỏi đạo diễn Lê Lâm có còn nhớ “o du kích nhỏ” giải tên giặc lái Mỹ ấy là ai, ở đâu không, nhưng ông cũng tiếc hùi hụi vì lúc ấy phải tranh thủ quay chớp nhoáng để “trả” tên giặc lái cho đơn vị bộ đội quản lý, chẳng kịp hỏi đêm qua “nó” bị giữ ở đâu, cô dân quân áp giải là người xã nào và tên cô là gì? Nhiều năm, tôi cố ý tìm hỏi xem nhân vật o dân quân ấy là ai. Những người gắn bó với Hàm Rồng như o Tuyển, o Hằng, o Cần, o Tuyền, cả hai nhà văn Từ Nguyên Tĩnh, Xuân Giang nguyên là bộ đội cao xạ của Hàm Rồng thời ấy, tất cả đều không biết. Có người bảo với tôi: “Có thể là o Hiền làng Yên Vực”, nhưng đạo diễn Lê Lâm thì khẳng định không phải và tôi cũng không thấy người ấy giống nét mặt của o Hiền.

Và thật là may mắn, qua bạn bè, tôi nghe nói có một phụ nữ đã “nhận ra mình” sau khi xem cảnh quay độc đáo “o du kích nhỏ giương cao súng - thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu” trong những thước phim tư liệu về Hàm Rồng. Tôi lập tức tìm đến nhà bà. Vừa nhìn thấy bà, tôi đã khẳng định đây chính là o dân quân thuở nào, với dáng người nhỏ nhắn, gương mặt hơi tròn, dù bà có già đi, gầy đi nhiều sau bao nhiêu năm. Bà tên là Lê Thị Thảo, nguyên Trung đội Trưởng Trung đội nữ dân quân xã Hoằng Anh (Hoằng Hóa) hồi ấy. Bà cho biết, lâu lắm rồi bà chẳng nhớ, chẳng biết mình từng xuất hiện trong phim. Nhưng có lần các con bà xem Đài Phát thanh - Truyền hình Thanh Hóa phát sóng phim tài liệu, thấy hình ảnh cô dân quân giải tên phi công qua cầu Hàm Rồng sao giống mẹ mình quá, nên nhờ một người bạn ở đài sao lại hình ảnh đó đưa về cho mẹ xem. Bà Thảo nhận ra mình ngay.

Bà Thảo nhớ lại: Đó là vào năm 1967, không nhớ chính xác là tháng mấy. Hôm đó, bà được phân công phối hợp tác chiến với bộ đội cao xạ Trung đoàn 228 ở trận địa Đồng Đá - Yên Vực. Trong một đợt tấn công, quân ta bắn rơi một máy bay địch ở gần Đò Lèn. Viên phi công đã nhảy dù xuống đúng trận địa Đồng Đá và bị tóm cổ. Bà cùng đồng đội giấu hắn vào một căn hầm của khẩu đội, chờ đến tối khuya mới giải về xã (vì nếu giải đi ban ngày, tên giặc có thể bị nhân dân giết chết bởi lòng căm phẫn). Bà Thảo cùng hai anh bộ đội của Trung đoàn 228 giải tên lính về Hoằng Anh, giấu tại một phòng học ở trường cấp II của xã và canh giữ suốt đêm. Sáng hôm sau, xe của Trung đoàn 228 đến đưa viên phi công đi. Lúc đó, nhân dân trong xã mới phát hiện ra và kéo đến rất đông. Người thì cầm cuốc, thuổng, gậy gộc xông vào định băm bổ tên giặc lái, người thì mắng té tát bà Thảo “nó gây tội ác tày trời mà còn không giết nó đi”. Mặc dù các anh bộ đội ngăn cản, nhưng có người vẫn kịp thò tay “ngắt” cái mũi lõ của nó một cái cho bõ lòng căm tức. Bà Thảo theo xe đưa tên giặc lái đến chân cầu phía bờ Bắc. Sau đó, bà cùng một anh bộ đội giải hắn qua cầu, sang đến bờ Nam cầu thì giao lại cho bộ đội và dân quân ở bên đó. Bà nhớ, trong lúc giải “nó” đi, bà thấy có cả máy quay phim đang ghi hình, nhưng lúc đó cũng không để tâm nhiều vì đang thực thi nhiệm vụ. Tôi hỏi: “Trong phim bà có lấy ngón tay dúi vào đầu tên phi công, có phải vì căm thù không?”. Bà hồn nhiên kể: “Thực ra, khi giải tên phi công qua cầu, sợ hắn bị vấp tà vẹt đường sắt nên bà lấy ngón tay dúi cái đầu nghênh nghênh của hắn, ý bảo nhìn xuống mà đi kẻo ngã. Không ngờ, hành động đó của bà đã được quay vào phim. Còn đoạn sau có một người nam giới mặc quần áo gụ cầm súng đi cùng áp giải viên phi công, là bởi do yêu cầu của đoàn làm phim, một người nông dân cùng làng với bà đã giúp anh em thực hiện cảnh quay đó”.

Chúng tôi đã kết nối để đạo diễn Lê Lâm và o dân quân Lê Thị Thảo gặp nhau trong một chương trình truyền hình trực tiếp của Đài Phát thanh - Truyền hình Thanh Hóa vào năm 2010. Họ bất ngờ và rất phấn khởi bởi cuộc gặp gỡ này.

Sau chiến tranh, cũng như rất nhiều nữ dân quân khác, bà Thảo trở về với đồng ruộng, với cuộc sống bình dị thôn quê. Bà không lưu tâm nhiều đến những hồi ức chiến tranh, cũng không bao giờ tính toán đến công trạng, vì bà nghĩ một cách đơn giản: Thời đó, cả làng đánh Mỹ, cả nước đánh Mỹ, có riêng gì bà! Chỉ đến khi, chợt nhìn thấy mình trong phim, bà mới ngạc nhiên vì không ngờ mình đã được ghi vào tư liệu lịch sử chiến tranh. “O du kích nhỏ” Lê Thị Thảo năm xưa, cùng rất nhiều những o du kích trên khắp đất nước Việt Nam, đã trở thành biểu tượng của sức mạnh chiến tranh nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ. Hình ảnh của họ đã khẳng định chân lý: Một dân tộc nhỏ bé có thể đánh gục một đế quốc to lớn bằng sức mạnh của lòng yêu nước chân chính. Còn với đạo diễn Lê Lâm, người xem có thể không mấy ai biết đến ông, người đứng sau ống kính, nhưng ông cùng đồng đội đã để lại cho đời những thước phim có một không hai và nhờ những hình ảnh “đắt giá” ấy, cả thế giới đã biết đến những con người của Hàm Rồng, tuy vóc dáng nhỏ bé nhưng đã làm nên những điều kỳ vĩ, đẹp như huyền thoại về lòng yêu nước, ý chí quật cường, vì thế đã chiến thắng kẻ thù to lớn gấp bội phần.

Bài và ảnh: Mai Hương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/di-tim-o-du-kich-nho-cua-xu-thanh/116793.htm