Đi tìm phép trường sinh

Mùa xuân lại về. Đất trời mới mẻ, tinh khôi, rạng rỡ. Ta lại thêm một tuổi và không khỏi bâng khuâng nghĩ về mình. Cứ tự nhiên ước ao, khát vọng - niềm khát vọng của kiếp nhân sinh và bao thế hệ con người được sống lâu, được trường sinh.

Chúng ta bắt đầu đi từ “gốc” của tư tưởng người xưa: Sự sống của con người cực kỳ phức tạp và phong phú. Để đơn giản, người xưa đã quy lại thành tinh, khí, thần. Và chỉ có con người mới có đủ trí tuệ để nhận thức về mình như vậy.

Tinh là thân xác, cơ thể, là cơ sở của sự sống. Khí là hơi thở, là động lực của sự sống. Còn thần là tư tưởng, ý nghĩ, là chủ của sự sống. Cho nên người ta mới nói: Thể xác là do tư tưởng tạo nên. Phi Lip Dơ Meric - nhà Yoga nổi tiếng đã viết: “Dẫn dắt ý thức vào một phần trên thân thể, gây ra ở đó sự giải phóng năng lượng (prana). Nó sẽ kích thích hoặc làm chậm lại những trao đổi của máu và thần kinh ở chỗ đó”. Như vậy, có nghĩa là khi thay đổi tư tưởng, hay ý nghĩ của mình thì sớm hay muộn hơi thở, thân xác mình cũng thay đổi theo.

Biểu diễn sáo trúc, đàn vĩ cầm tại khu di tích lịch sử chiến thắng Xương Giang (TP Bắc Giang). Ảnh: Công Doanh.

Biểu diễn sáo trúc, đàn vĩ cầm tại khu di tích lịch sử chiến thắng Xương Giang (TP Bắc Giang). Ảnh: Công Doanh.

Có điều kỳ lạ là tư tưởng có thể thay đổi, tác động tới môi trường xung quanh. Chỉ xin nêu một ví dụ nhỏ mà ai cũng trải qua: Đó là khi ta vui vẻ, cởi mở, rạng rỡ lên thì ta cũng truyền cho những người xung quanh mình ánh mắt, gương mặt rạng rỡ, cởi mở. Đó là nguyên nhân dẫn đến thắng lợi. Và tất nhiên, ta buồn bã, lo âu, nóng giận, nghĩa là trong ta mang một tư tưởng tiêu cực thì ý nghĩ tiêu cực đó sẽ phát ra, làm ảnh hưởng đến xung quanh. Từ đó, một vấn đề hết sức quan trọng làm cho tư tưởng, ý thức, ý nghĩ của ta trong sạch, tích cực và chủ động. Tư tưởng phải như mặt trời tỏa sáng, thứ ánh sáng của sự sống thánh thiện, cao đẹp.

Ý nghĩ, hay ý thức thánh thiện đó phải trùng khớp, phù hợp với quy luật tự nhiên. Theo quy luật âm dương. Còn nói như Lưu Nhất Minh (1734 - 1821) trong lời bình cuốn Âm Phù kinh: “Đạo tự nhiên thấm nhuần từ từ. Đó cũng là ý nghĩa của tự nhiên, nên động không lìa tĩnh, tĩnh không lìa động”. “Thấm nhuần từ từ” để làm cho động tĩnh không lìa nhau có nghĩa là chừng mực, điều độ và hợp lý.

Hiểu như vậy là đã nắm bắt được tư tưởng, ý nghĩ quyết định tới sự sống như thế nào. Tuy nhiên, đấy là lý thuyết, thực tế trong “Cõi trường sinh” ta đã có cái nhìn đầy đủ về sự sống. Ăn ít mà có thể đủ sống, vẫn khỏe mạnh. Ngủ trong an tĩnh, để có một giấc ngủ ngon, an lành. Vận động thế nào để khí huyết lưu chuyển khắp tới tận tế bào và phải bảo vệ chân âm. Theo tuổi tác, chân âm sẽ hao hụt đi và ta phải giữ lấy nó, hạn chế cái già đi để tuổi cao mà vẫn mạnh khỏe, minh mẫn.

Trong khí công, thực hiện việc luyện đan điền, vòng âm dương - tiểu chu thiên, vòng ngũ hành - đại chu thiên, trước hết để thần, ý nghĩ thu lại, không còn bay bổng, phiêu diêu, mà đã không bay bổng, phiêu diêu thì làm gì còn hỷ, nộ, ái, ố, ưu tư, nói khác đi là xóa bỏ tham, sân, si - tham lam, nóng giận, ngu tối. Sau để đả thông hệ kinh mạch, làm cho nó không còn ách tắc. Lúc đó tinh sung mãn, khí dồi dào và thần ở trong thân thì còn lo gì bệnh tật!

Trong phép Huyền Diệu, khi “Trở về lòng mẹ tự nhiên”, lúc đó tinh, khí, thần hòa nhập làm một, thân, tâm, ý đâu còn phân chia. Trong ta chỉ còn một sự sống khắp châu thân, sự sống sẽ bền vững, kiên cố.

Tôi có may mắn được gặp những bậc trường thọ, ở đây chỉ xin nêu vài ví dụ. Đó là cụ Trương Thị Con, lúc đó 103 tuổi và cụ Nguyễn Thị Đạt 101 tuổi đều ở xóm Nội Đình, thôn Cẩm Trang, xã Mai Trung (Hiệp Hòa). Lúc đó, các cụ cười trong sáng và hồn nhiên, rồi kể:

- Tôi đọc Kiều cho anh nghe nhé!

Và hai cụ cứ hồn nhiên “nảy” từng câu Kiều. Đúng là các cụ đã chủ động, rộng lòng đón nhận luồng ánh sáng kỳ diệu của sự sống. Điều quý nữa là tuy tuổi cao nhưng các cụ vẫn chịu khó lao động như quét sân thềm, phơi thóc… để khí huyết lưu chuyển, thân thể khỏe mạnh.

Còn cụ Phạm Văn Na là người cao tuổi nhất tôi gặp năm đó (108 tuổi), ở thôn Cầu Bằng, xã Hương Sơn (Lạng Giang). Điều đặc biệt là cụ luôn yêu lao động, cụ đã đi cày đến năm hơn 90 tuổi. Nhờ vậy cụ rất khỏe mạnh và còn biết cách chăm sóc cho bộ não. Hằng ngày, sáng sớm cụ gội đầu, xoa bóp đầu bằng nước nóng. Gội, xoa bóp rất lâu để khí huyết thông thoáng, không ứ trệ. Cụ nói làm thế để đầu óc sáng suốt, đến già vẫn minh mẫn. Thế là các bậc trường thọ đó đã chủ động, tích cực hướng thân xác theo mình, làm theo ý mình để nó luôn tươi trẻ.

“Gieo một suy nghĩ, gặt một hành động. Gieo một hành động, gặt một thói quen. Gieo một thói quen, gặt một tính cách. Gieo một tính cách, gặt một số phận” - lời Samuel Smiles, nhà cải cách hồi thế kỷ XIX nói. Hãy để ý thức, tư tưởng, ý nghĩ ta thành một mặt trời nội thân tỏa sáng, thứ ánh sáng thánh thiện, cao đẹp đó tác động trong ta, nuôi dưỡng ta để rồi sớm muộn ta sẽ thay đổi.

Đó là phép trường sinh chúng ta cùng hướng tới trước thềm xuân!

Vũ Huy Ba

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/suc-khoe/397715/di-tim-phep-truong-sinh.html