Đi tìm tiếng sáo tơm

Nhà nghiên cứu Ninh Viết Giao từng đánh giá, cộng đồng người Khơ Mú ở Nghệ An có đời sống tinh thần phong phú. Trong suốt hơn chục năm lang bạt khắp các vùng người Khơ Mú ở Nghệ An, tôi nhận thấy cộng đồng này có vốn cổ về dân ca, dân nhạc phong phú với các loại nhạc cụ từ tre nứa, lá rừng như đàn, sáo, kèn, bộ gõ hình ống gọi là tăng bu. Người Khơ Mú cũng dùng chiêng, chũm chọe khi mừng nhà mới, đám cưới.

Biểu diễn sáo ở bản Na Bè, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương - Nghệ An. Ảnh: Võ Đình Tuân.

Biểu diễn sáo ở bản Na Bè, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương - Nghệ An. Ảnh: Võ Đình Tuân.

Người Khơ Mú gọi các làn điệu dân ca của mình là “tơm” hay còn gọi là “điệu tơm”. Nhưng kỳ thực “tơm” trong tiếng Khơ Mú ở Nghệ An nghĩa là hát nói chung. Dân ca, bài hát hiện đại tiếng Khơ Mú, tiếng Thái, tiếng Việt, tiếng Anh… đều là “tơm”. Khi hát, các nghệ sĩ dân gian cần đến một thứ nhạc cụ để đệm gọi là sáo tơm.

Cây sáo tơm thuộc hàng thô mộc nhất trong những nhạc cụ của các cộng đồng dân tộc thiểu số khi được diễn tấu độc lập. Hiện tại không khó để tìm video người Khơ Mú thổi sáo tơm trên mạng xã hội. Trong một lần lướt mạng tình cờ như thế tôi biết đến ông Cụt Văn Bường, một người chơi sáo tơm thuần thục và đầy đam mê ở bản Huồi Cam, xã Nậm Nhoóng, huyện Quế Phong (Nghệ An).

Anh Lô Văn Đại, cán bộ văn hóa cấp huyện ở Quế Phong, người chia sẻ các đoạn video về ông Bường cho hay, hiện ở Nậm Nhoóng không còn nhiều người chơi được thứ nhạc cụ này, dù kỹ thuật khá đơn giản.

Tôi tìm đến ông Cụt Văn Bường thì ông không có nhà vì lên rẫy từ sáng. Phải mất một lúc liên lạc, tôi nói sẽ vào tận rẫy để gặp ông để tìm hiểu về cây sáo tơm và cách người Khơ Mú ở Quế Phong chơi loại nhạc cụ này. Ông Bường nói trong rẫy không có cây sáo nào đâu. Tôi lại đề nghị sẽ cùng ông lên rừng chọn nứa làm một chiếc sáo vì tôi biết cũng dễ và nhanh thôi, nếu tìm được loại nứa ưng ý. “Đó mới là vấn đề” - giọng ông Bường vang lên trong điện thoại. Rừng nơi đây không tìm đâu ra một cây nứa có thể làm được sáo tơm. Vậy là tôi phải chờ ông từ rẫy về.

Ông Bường dẫn tôi vào căn nhà gỗ sơn ve láng bóng ven đường. “Nhà tôi đấy, hơn 70 tuổi mới có cái nhà mới”, ông Bường nói và vào bếp tìm cây sáo duy nhất còn giữ được trong khi tôi ngắm căn nhà sàn cao ráo khác với nhà ở truyền thống của người Khơ Mú vốn gầm thấp, đi dưới nhà phải cúi lom khom. Tôi cứ ngỡ ông Bường mang ra cây sáo đẹp, hóa ra chỉ một mớ những khúc nứa ngắn cũn. Tôi còn bỡ ngỡ thì ông đã ngồi xuống chiếc ghế gỗ, bắt đầu ráp nối các đoạn nứa lại. À, cây sáo đây rồi. Tôi đếm được những 7 khúc nứa ngắn đã được lắp thành ống sáo. Ông Bường chỉ mỉm cưới và đưa lên miệng thổi. Tôi quan sát kỹ hơn thấy cây sáo chỉ có 3 lỗ bấm.

Một giai điệu trầm đục cất lên, ban đầu như e dè, ngại ngùng ở những quãng nhạc thấp. Ngoài loại sáo này tôi thấy đàn môi của người Mông thường vẫn được chơi ở những quãng nhạc thấp như thế. Tiếng sáo đôi khi như hơi gió luồn qua vách nứa trên ngôi nhà tranh hay lỗ tre, vầu bị sâu, chuột đục khoét ở rừng, thứ thanh âm bây giờ chẳng còn mấy ai được trải nghiệm. Đợi hồi lâu, tiếng sáo cũng chuyển đến những quãng nhạc cao hơn nhưng ở độ vừa phải. Tôi hỏi ông sáo này có thể ngân giọng cao hơn một chút không. Ông Bường trả lời đó là vì các làn điệu hát của người Khơ Mú bản địa chỉ có thế.

Tôi đã nhớ ra, có lần ông Lê Hoàng, một người sáng tác nhạc ở huyện Con Cuông từng nhận xét âm nhạc của người Khơ Mú thường ở quãng 8, ít khi ngân cao đến quãng 5. Lên quãng 5 đã là cao lắm. Trong những chuyến đi của mình, tôi tìm được một số bài hát mừng nhà mới, đón dâu, mừng lúa mới của người Khơ Mú ở các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương. Hiện chủ yếu chỉ còn người già thường hát dân ca. Ở một câu lạc bộ văn hóa dân tộc của người Khơ Mú ở Kỳ Sơn có người đã ngoài 40 tuổi biết “tơm” đã là trẻ lắm. Khi hát, các nghệ sĩ thổi sáo đệm nhưng sáo ở đó khá khác biệt so với sáo mà ông Bường chơi.

Cây sáo nhiều khi là nguồn động viên tinh thần của những người làm rẫy.

Cây sáo nhiều khi là nguồn động viên tinh thần của những người làm rẫy.

Khi tiếng sáo đã dừng, tôi hỏi ông biết thổi sáo từ bao giờ. Ông Cụt Văn Bường dựa ống sáo vào vách nhà, kể rằng từ 15, 16 tuổi, bắt đầu theo chúng bạn đi tìm vợ thì biết thổi sáo. “Nhưng không phải thổi sáo để tán gái đâu nhé.” - ông lão cười dí dỏm - “Ngày đó người ta dùng sáo này khi ở rừng làm rẫy. Phát rẫy mệt quá thì kiếm nứa về làm sáo thổi chơi để động viên nhau, cũng là động viên mình.” Lớn hơn một chút, ông Bường biết đệm sáo cho người già trong làng hát khi mừng nhà mới, hát đón dâu, xin dâu. Điệu xin dâu hát trong đám cưới khi nhà trai đến nhà gái để đón dâu. Muốn đón về thì phải “xin”. Dâu về đến nhà thì hát “đón dâu” và đón thông gia đi đưa dâu.

Trong thời gian tham gia quân ngũ hồi chống Mỹ, ông Bường hầu như không chơi sáo tơm. Từ khoảng 30 tuổi, khi đã về nhà làm rẫy thì thỉnh thoảng có làm sáo thổi chơi cho khỏi quên thú chơi một thời quá vãng. Trừ ông Bường và một người nữa thì trong làng chẳng còn mấy ai biết làm và thổi sáo tơm. Thế rồi nhà nước có chủ trương khôi phục lại những vốn quý dân gian. Từ thập niên 1990 đến những năm 2000, phong trào hát dân ca (tơm) và những điệu sáo được để ý hơn. Ông Bường cho hay bản thân cũng tham gia đội văn nghệ quần chúng của xã, huyện đi hội diễn và có một số giải thưởng. Đó là nguồn động viên để ông tiếp tục chơi sáo.

Bây giờ tuổi đã ngoài 70, sức khỏe có giảm sút, dù vẫn đi rẫy nhưng con cháu đã lớn đỡ đần được nhiều việc, ông có thì giờ thổi sáo. Vì thế mà tôi có tìm thấy video về ông mà tìm đến. Ở Huồi Cam còn có một người nữa vẫn chơi sáo tơm, nhưng cũng đã gần 50 tuổi. “Người trẻ giờ chỉ nhìn người già thổi sáo, hát tơm”, ông Bường nói.

Tôi hỏi về nguyên tắc chế tác cây sáo và tại sao sáo tơm ở đây có những 7 khúc nứa ghép lại nhưng chỉ với 3 lỗ bấm. Ông Bường không giải thích được về số khúc sáo nhưng cho biết khúc cuối có tạc dụng tạo độ vang cần thiết cho cây sáo. Khúc này ban đầu dài hơn nhưng qua quá trình thử sáo người ta cứ gọt bớt đến khi tiếng sáo vừa tầm mới thôi.

Các lỗ bấm thì theo nguyên tắc cách nhau bằng chiều rộng của 3 ngón tay ở giữa. Cứ đặt ba ngón thứ 2 cạnh ngón cái, ngón thứ 3 và áp út lên thân sáo rồi đánh dấu và khoét lỗ bấm. Lưỡi gà của sáo tơm được khứa thẳng vào đầu thổi chứ không có lưỡi gà đồng như sáo và khèn của người Mông, người Thái. Có lẽ vì cách làm đơn giản, ống nứa mỏng nên sáo tơm thường chỉ dùng được một thời gian ngắn rồi hỏng. Ông Bường cho hay hiện muốn làm thứ sáo này ông phải đi xa kiếm nứa. Chẳng hiểu lý do vì sao mà rừng nứa ở Nậm Nhoóng gần đây cứ chết dần chết mòn nên khá khan hiếm, trong khi nứa làm sao thường mỏng vào nhỏ.

Trong một chuyến đi trước đây đến bản Na Bè, xã Xá Lương, huyện Tương Dương tôi thấy sáo tơm của người Khơ Mú nơi đây chỉ dùng 3 khúc nứa. Sáo tơm ở bản Na Bè cũng có 3 lỗ bấm. Ở huyện Kỳ, sơn nơi có trên 3 vạn người Khơ Mú cư ngụ, sáo tơm cũng rất phổ biến.

Nhà nghiên cứu Ninh Viết Giao đã từng dẫn một câu chuyện dân gian “Tiếng sáo của Cụt Phò Ri”, tôi xin toàn lược như sau: Vợ chồng Gưn Cung (trưởng bản) đã nhiều tuổi nhưng vẫn hiếm muộn. Lần nọ, vợ Gưn Cung vào rừng, gặp con nai, nói bảo: “Mẹ ơi, cho con về nhà với.” Không lâu sau bà vợ mang bầu và sinh hạ một bé gái, đặt tên là nàng Nai. Nàng Nai càng lớn càng xinh đẹp. Nhiều trai bản đến xin Gưn Cung cho ở rể để cưới nàng. Thế mà nàng chẳng đồng ý lấy ai. Chẳng ai biết Nai đã phải lòng chàng trai nghèo tên là Cụt Phò Ri. Ri mồ côi, nghèo khổ, cơm không đủ ăn, áo chẳng đủ mặc nhưng lài người hiền lương khó ai sánh kịp. Đẫu khổ nhưng chàng luôn lạc quan. Ngày lên rừng, tối đến Cụt Phò Ri lại đem cây sáo tơm ra thổi. Tiếng sáo tơm khiến tâm can nàng Nai rung động. Một đêm, nàng lần theo tiếng sáo tìm đến gặp Cụt Phò ri và hai người yêu nhau.

Gưn Cung biết con gái yêu chàng trai nghèo liền gọi Cụt Phò Ri đến đánh mắng, đuổi đi khỏi bản. Nàng Nai bị ép phải hứa hôn với con trai một tù trưởng khác. Dù bì đuổi đi, nhưng tiếng sáo của Cụt Phò Ri vẫn luôn vang lên, trong trẻo đầy lạc quan. Một đêm, nàng Nai lại lần theo tiêng sáo và tìm thấy Cụt Phò Ri người chỉ quấn vỏ cây đang thổi sáo trong một hốc cây lớn, nàng liền xé vạt áo dài của mình cho chàng làm khố và hai người thành vợ chồng.

Gưn Cung ra điều kiện nếu muốn lấy con gái ông và ở lại bản thì trong ba ngày Cụt Phò Ri phải kiếm về 30 sọt măng đắng, 30 hũ mật ong và săn được 30 con lợn rừng. Nhờ tài thổi sáo, chàng được các con thú trong rừng như nhím, gấu, hổ giúp đỡ đã đem về đủ lễ vật. Sau này, Gưn Cung còn nhường vị cho anh lên thay mình khi về già.

Từ đó, người Khơ Mú càng thêm yêu tiếng sáo. Mỗi khi có đám cưới, làng bản lại ngân vang tiếng nhạc và những điệu tơm.

HỮU VI

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/di-tim-tieng-sao-tom-10286555.html