Đi tìm trang phục đón Tết kì lạ nhất trên thế giới
Mũ Turban của đàn ông Ấn Độ, vòng cổ của phụ nữ Masaai hay mặt nạ của bộ tộc Dogon là những trang phục truyền thống đẹp mắt và có phần kỳ lạ trên thế giới...
Tết đến là dịp mọi người diện những trang phục mới nhằm tăng thêm sự thu hút của bản thân cũng như tạo sự mới mẻ, tươi trẻ và tràn đầy sức sống trong năm mới. Tuy nhiên, trên thế giới có một số trang phục kì lạ khiến nhiều người tò mò rằng “Ai là người thiết kế ra chúng? Tại sao họ lại có thể mặc được những trang phục như vậy”.
Dưới đây sẽ là các sản phẩm được cho là kì lạ nhất thế giới được diện vào dịp tết đến xuân về.
Đầu tiên là trang phục truyền thống của người đàn ông Sikh tại Ấn Độ. Những chiếc mũ Turban rất “khủng”. Nó thực chất là một tấm vải dài được quấn cầu kỳ trên đầu người đàn ông, gắn thêm các đồ trang sức bằng bạc. Được biết, món đồ này càng lớn thì địa vị người đó trong xã hội càng cao. Có chiếc mũ Turban kỉ lục dài tới 800m, nặng 50kg.
Trang phục sặc sỡ có phần ma quái này là của người Yoruba dùng trong các buổi lễ truyền thống Voodoo Spirits ở Ouidah, thành phố Benin, bang Edo, Nigeria vào tháng 1 hằng năm. Trang phục gồm một chiếc mũ che kín mặt và đầu, một áo choàng sặc sỡ. Chúng đại diện cho linh hồn một người thân trong gia đình đã mất đi.
Bộ tộc Dogon ở Mali có khoảng 400.000 người. Họ sống trên các vách núi cao, có nhiều lễ hội tâm linh mang màu sắc bí ẩn kỳ lạ. Trong các lễ hội truyền thống như ngày đầu xuân năm mới, người tộc Dogon thường mang những chiếc mặt nạ trang trí sặc sỡ, khá khó hiểu. Những chiếc mặt nạ này được tôn quý và bảo vệ, giữ gìn. Sau mỗi buổi lễ sẽ được người Dogon cất giấu cẩn thận để mùa lễ hội sau dùng tiếp. Tuy nhiên, chưa có ghi chép nào giải thích rõ ràng về ý nghĩa của những chiếc mặt nạ này.
Masaai là nhóm sắc tộc sống ở phía nam Kenya và phía bắc Tanzania. Điểm nổi bật nhất trong trang phục lâu đời của họ là những chiếc vòng cổ được kết cầu kỳ nhiều vòng, nhiều lớp, tạo hình như một chiếc đĩa.Những chiếc vòng này được làm từ nguyên liệu tự nhiên như vỏ sò và cỏ khô, nhưng hiện nay hạt nhựa và thủy tinh được sử dụng phổ biến hơn. Những chiếc vòng không chỉ để làm đẹp mà còn thể hiện nhiều thứ, trong đó có sức mạnh, hôn nhân, địa vị xã hội và lượng gia súc mà một người Masaai sở hữu.
Những người Wigmen Huli ở Papua New Guinea vẽ khuôn mặt của họ bằng bột màu đất và dành nhiều tháng để tạo kiểu tóc theo phong cách truyền thống. Wigmen Huli là một trong những bộ tộc có nguy cơ biến mất trên thế giới.