Đi tìm 'trọng điểm' của trọng điểm
Hàng loạt vấn đề đặt ra thời gian qua đã cho thấy phải tính toán kỹ hơn về số môn đầu tư trọng điểm của thể thao Việt Nam với mục tiêu Olympic, ASIAD giai đoạn 2026-2046. Dù đã dự kiến 17 môn trọng điểm nhưng rất có thể nhà quản lý lại phải chọn lựa kỹ hơn.
4.000 tỷ đồng cho hơn 20 năm đầu tư Olympic, ASIAD
Từ nhiều tháng nay, khi xây dựng Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic, ASIAD giai đoạn 2026-2046, các nhà quản lý ở Cục TDTT Việt Nam và nhiều chuyên gia đã tính toán ở mức 17 môn. Trong đó, 17 môn được chia thành 2 nhóm.

Điền kinh được “quy hoạch” trong nhóm 17 môn trọng điểm của thể thao Việt Nam giai đoạn 2026-20246. Ảnh: Y Vân
Nhóm 1 gồm các nội dung, môn thể thao thế mạnh có nhiều khả năng tranh chấp huy chương Olympic (8 môn): Bắn súng, bắn cung, cử tạ, taekwondo, boxing, đấu kiếm, đua thuyền, cầu lông. Khoảng 100-110 VĐV ở nhóm này sẽ được tập trung dài hạn, tập huấn ở nước ngoài.
Nhóm 2 là các nội dung, môn tiềm năng và có nhiều khả năng tranh chấp huy chương tại ASIAD (9 môn): Điền kinh, judo, karate, wushu, thể dục dụng cụ, vật, bơi, cầu mây, xe đạp. VĐV ở nhóm này, 65 - 70 VĐV, sẽ được đầu tư theo hướng kết hợp tập trung tập huấn trong nước và cử đi tập huấn, thi đấu ngắn hạn tại nước ngoài theo chế độ đặc thù).
Như thế, giai đoạn 2026-2046, để hoàn thành các mục tiêu tại ASIAD và Olympic, hàng năm thể thao Việt Nam đầu tư cho khoảng 165 -170 VĐV trọng điểm ở 17 môn thể thao. Qua đó có thể thực hiện được các mục tiêu ở 3 giai đoạn nhỏ trong giai đoạn 2026-2046 như chia sẻ gần đây của ông Hoàng Quốc Vinh - Trưởng Phòng Thể thao thành tích cao (Cục Thể dục thể thao Việt Nam.
Giai đoạn 2026 - 2030, ngoài việc duy trì vị trí trong nhóm 3 đoàn dẫn đầu tại các kỳ SEA Games, thể thao Việt Nam đặt mục tiêu lọt vào nhóm 20 đoàn dẫn đầu tại các kỳ ASIAD với chỉ tiêu cụ thể là 5 HCV tại ASIAD 2026 (tập trung ở môn bắn súng, karate, đua thuyền, cầu mây), 6 HCV ASIAD 2030 (bắn súng, bắn cung, karate, đua thuyền, cầu mây).
Với Olympic 2028 trong giai đoạn này, đặt mục tiêu giành 2 HCĐ (bắn súng, bắn cung, cử tạ).
Với giai đoạn 2030 - 2036, ngoài việc duy trì vị trí trong nhóm 3 đoàn dẫn đầu tại các kỳ SEA Games, thể thao Việt Nam tiếp tục duy trì mục tiêu trong nhóm 20 đoàn dẫn đầu tại các kỳ ASIAD với chỉ tiêu cụ thể như 7 HCV tại ASIAD 2034 (bắn súng, bắn cung, karate, đua thuyền, cầu mây, boxing). Tại Olympic 2032 phấn đấu giành 2 HCĐ (bắn súng, bắn cung, cử tạ); Olympic 2036 giành 1 HCB, 2 HCĐ (bắn cung, cử tạ, bắn súng). Trong giai đoạn này, thể thao Việt Nam cũng tiếp tục ổn định nhóm các môn thể thao trọng điểm đã có sự đầu tư đào tạo ở giai đoạn 2026-2030 và bổ sung nội dung mới mang tính đột phá.
Với giai đoạn 2036 - 2046, ngoài việc duy trì trong nhóm 2 đoàn dẫn đầu tại các kỳ SEA Games, thể thao Việt Nam đặt mục tiêu trong nhóm 15 đoàn dẫn đầu tại các kỳ ASIAD và nhóm 50 đoàn dẫn đầu tại các kỳ Olympic. Riêng việc đặt mục tiêu vào nhóm 50 đoàn dẫn đầu tại các kỳ Olympic cũng đồng nghĩa thể thao Việt Nam phải giành HCV ở mỗi kỳ tham dự.
Theo tính toán của CụcTDTT Việt Nam, dự kiến kinh phí phục vụ cho những mục tiêu ASIAD, Olympic trong giai đoạn 2026-2046 vào khoảng gần 4.000 tỉ đồng. Trong đó, giai đoạn 2026 - 2030: Khoảng 175 - 180 tỉ đồng/năm/17 môn; Giai đoạn 2030 - 2036: Khoảng 175 - 180 tỉ đồng/năm/17 môn và thêm 10% giai đoạn 2026-2030; Giai đoạn 2036 - 2046: Khoảng 175 - 180 tỉ đồng/năm/17 môn và thêm 10% của giai đoạn 2030 - 2036.
Sẽ tính toán lại số môn trọng điểm?
Không chỉ tại Hội thảo góp ý xây dựng Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic, ASIAD giai đoạn 2026-2046 mới diễn ra ở Hà Nội, mà trước đó, một số chuyên gia cũng cho rằng, có lẽ ngành Thể thao cần tiếp tục tính toán kỹ hơn về số môn thể thao trong điểm.
Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao của Ủy ban TDTT (nay là Phòng Thể thao thành tích cao, Cục TDTT Việt Nam) Nguyễn Hồng Minh cho rằng cần rút gọn số môn thể thao, nội dung trọng điểm cho các mục tiêu Olympic, ASIAD. Qua đó, tập trung nguồn lực đầu tư cho những môn trọng điểm sau khi được rút gọn. Ông Nguyễn Hồng Minh dẫn chứng là các nền thể thao phát triển cũng chỉ tập trung đầu tư trọng điểm cho khoảng 4-7 môn để tranh chấp HCV Olympic. Với nhóm môn tranh chấp huy chương ASIAD cũng cần rút gọn.
Còn nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lâm Quang Thành đề xuất nên chia các môn trọng điểm ra làm 3 nhóm thay vì 2 nhóm như hiện nay. Trong đó, riêng nhóm 1 chỉ có khoảng 3-4 môn và cần được coi như môn thể thao quốc gia, có thể tranh chấp huy chương Olympic, với mức đầu tư khác biệt hẳn so với nhóm còn lại.
Những ý kiến của các chuyên gia đều có cái lý của mình, đặc biệt khi sự đầu tư cho thể thao Việt Nam từ nguồn ngân sách còn hạn chế trong khi nguồn lực xã hội hóa cũng tương tự. Chủ tịch Liên đoàn Taekwondo Việt Nam Trương Ngọc Để kể lại rằng, để có VĐV giành HCV Olympic, Liên đoàn Taekwondo Thái Lan từng chi ra 3 triệu USD mỗi năm (khoảng 75-76 tỷ đồng) trong khi nguồn đầu tư từ ngân sách cho bộ môn Taekwondo của Cục TDTT Việt Nam chỉ khoảng 250.000 USD/năm. Nếu có cộng thêm nguồn huy động từ Liên đoàn Taekwondo Việt Nam chắc còn lâu mới đạt mức 3 triệu USD như Thái Lan. Như thế chỉ còn cách rút gọn số môn trọng điểm để bảo đảm thực sự là trọng điểm. Qua đó các môn trọng điểm cho Olympic phải có cơ hội rõ rệt để tranh chấp huy chương Olympic, môn cho ASIAD có cơ hội rõ rệt để tranh chấp HCV ASIAD. Còn như hiện nay, một số môn được quy hoạch là “trọng điểm” cho Olympic như đấu kiếm, Taekwondo, hay cho ASIAD như Judo... cũng khó tranh chấp huy chương Olympic hay HCV ASIAD.
Lãnh đạo Cục TDTT Việt Nam đã hứa sẽ xem xét việc rút gọn nhóm môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic, ASIAD giai đoạn 2026-2046 để bảo đảm các môn được chính thức chọn sẽ là trọng điểm theo đúng nghĩa. Hiểu theo cách khác, việc này cũng để không xảy ra sự dàn trải trong xây dựng nhóm môn trọng điểm, những môn làm nên vị thế của thể thao Việt Nam trong thời gian tới.
Rút môn nhưng không rút tiền
Vấn đề khác cũng được quan tâm là nếu rút gọn số môn trọng điểm thì tiền đầu tư hằng năm cho cho 17 môn trọng điểm như ngành Thể thao đang xây dựng có bị rút xuống hay không. Tất cả đều hy vọng là không bởi như thế mới đáp ứng được yêu cầu về tính toán lại “trọng điểm” của nhóm môn trọng điểm. Đấy cũng là vấn đề được người trong cuộc quan tâm. (Minh Khuê)
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/di-tim-trong-diem-cua-trong-diem-i763905/