Đi trên cao tốc như 'đường làng': Vô tư đỗ xe ở làn 120km/h để cãi vã
Theo đại diện Cục CSGT (Bộ Công an), từ các vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra trên đường cao tốc thời gian gần đây cho thấy, một bộ phận tài xế đang thiếu kỹ năng khi điều khiển phương tiện.
XEM CLIP: (Công ty TNHH MTV Quản lý và khai thác đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng)
Dừng, đỗ xe giữa đường để cãi vã, giải quyết sự cố...
Khoảng 8h58 ngày 11/7, tại Km 49+400 trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (hướng Hà Nội - Hải Phòng) thuộc địa phận thị trấn Gia Lộc (huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa 3 ô tô.
Thời điểm xảy ra tai nạn, ô tô bán tải mang BKS 38C - 195.XX và xe khách 16 chỗ mang biển số 15F - 006.XX đang dừng tại làn trái sát dải phân cách giữa của đường cao tốc. Nguyên nhân là trước đó, hai xe này va quệt nhẹ với nhau, người trên xe xuống đường, đứng trên làn 120km/h để tranh luận.
Ngay lúc đó, ô tô con mang BKS 30K - 757.XX lao đến từ phía sau đâm vào xe khách 16 chỗ. Hậu quả, 2 người tử vong tại chỗ là anh T.T.A. (SN 1990, trú tại Thanh Hóa) và anh Q.V.L. (SN 1989, trú tại Hòa Bình), nhiều người bị thương phải đi cấp cứu tại bệnh viện.
Trước đó, tối 2/7, tại Km 50+600 cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (thuộc địa phận huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) xảy ra tai nạn giao thông giữa xe bồn chở xăng dầu mang BKS 24H - 002.XX và ô tô tải biển số 14C -200.XX. Sau va chạm, xe bồn bốc cháy dữ dội, ngọn lửa lan sang hành lang cây xanh bên cao tốc.
Thời điểm xảy ra vụ việc, xe tải gặp sự cố đang đỗ giữa đường, có cảnh báo phía trước bằng cành cây. Tài xế xe tải là anh V.V.T. (SN 1979, trú tại tỉnh Điện Biên) đứng ở đầu xe gọi điện thoại thì xe bồn đâm trúng đuôi xe.
Hậu quả, tài xế T. tử vong tại chỗ, còn lái xe bồn bị thương nặng.
Liên quan đến các tình huống trên, Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Cục CSGT) cho biết, các tài xế đã bất cẩn khi dừng xe giữa đường mà không có biện pháp cảnh báo an toàn, thiếu các kỹ năng khi điều khiển ô tô lưu thông trên cao tốc.
Cũng theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật, qua theo dõi thống kê của Cục CSGT trong 6 tháng đầu năm nay, trên các tuyến đường cao tốc do Cục quản lý đã xảy ra 93 vụ tai nạn giao thông, làm chết 36 người, bị thương 52 người.
"Nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông chủ yếu là do ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao, không tuân thủ nguyên tắc khi tham gia giao thông trên đường cao tốc", Đại tá Nguyễn Quang Nhật nói.
Các hành vi vi phạm phổ biến trên đường cao tốc gồm: Đi không đúng phần đường; dừng, đỗ trên đường cao tốc; chạy quá tốc độ; không đảm bảo khoảng cách an toàn...
Biện pháp an toàn khi gặp sự cố trên cao tốc
Theo Thượng tá Phạm Đức Đông - Phó trưởng Phòng Hướng dẫn tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt (Cục CSGT), các vụ tai nạn giao thông nêu trên cho thấy, việc xử lý khi xe gặp sự cố hoặc tai nạn giao thông của tài xế còn yếu, dẫn đến nguy hiểm cho chính lái xe và người tham gia giao thông.
Khi gặp sự cố trên đường cao tốc hoặc quốc lộ, người tham gia giao thông cần thực hiện các biện pháp sau:
Với xe gặp sự cố (hết xăng, nổ lốp, hỏng xe….), tài xế cần chú ý quan sát, bật đèn xi nhan, cố gắng từ từ di chuyển từng làn một đưa xe ra khỏi phần đường xe chạy cho đến khi vào sát bên phải phần đường xe chạy hoặc làn dừng xe khẩn cấp (nếu có), bật xi nhan cảnh báo; tài xế xuống xe (mặc áo phản quang vào ban đêm) và đặt ngay 3 chóp nón hoặc biển tam giác phản quang… phía sau xe để cảnh báo với khoảng cách 100m trên cao tốc.
"Lái xe không được tự ý đi bộ trên đường cao tốc, phải đứng ngoài dải tôn hộ lan để đảm bảo an toàn. Sau đó gọi điện thoại đến đường dây nóng 19008099 để được hỗ trợ", Thượng tá Phạm Đức Đông nhấn mạnh.
Khi xe gặp tai nạn trên đường cao tốc, tài xế phải bình tĩnh xử lý; đặt cảnh báo; gọi điện thoại đến đường dây nóng 19008099 để được hỗ trợ, xử lý theo quy định; tuyệt đối không được đi bộ trên cao tốc, không được tập trung đông người để tranh cãi.
"Ô tô nên dán giấy phản quang phía sau; trang bị tối thiểu 3 chóp nón hoặc 3 biển tam giác phản quang; trang bị áo phản quang để mặc khi gặp sự cố trên đường vào thời điểm trời tối, sương mù và ban đêm", vị Phó trưởng Phòng Hướng dẫn tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt khuyến cáo.