Đi trọn một vòng
Những ngày tranh tài chính thức của SEA Games 32 đã bắt đầu và đất nước Campuchia đã cho thấy họ chờ đợi sự kiện lịch sử này lâu như thế nào. Từ đường phố đến sân vận động, từ người dân đến các tình nguyện viên, mọi thứ đều toát lên vẻ hạnh phúc, háo hức hứa hẹn một kỳ SEA Games thành công.
Dù chưa thể nói trước điều gì, nhưng có lẽ cơ hội để Timor Leste đăng cai một kỳ SEA Games là rất khó xảy ra. Nên có thể nói SEA Games 32 do Campuchia tổ chức đã chính thức khép lại một vòng đời của Đại hội thể thao Đông Nam Á khi hầu hết các quốc gia ASEAN đều đã ít nhất một lần ngập tràn niềm tự hào trở thành điểm đến của bạn bè khu vực.
Nói SEA Games 32 đi trọn một vòng vì thực tế là không khí SEA Games đã không còn “nóng” như trước, ít nhất là với truyền thông khu vực. Theo công bố của tiểu ban truyền thông nước chủ nhà, trong hơn 1.000 phóng viên đăng ký tác nghiệp tại SEA Games 32 thì có chưa đến 200 phóng viên quốc tế. Cách đây khoảng 2 thập niên, tại SEA Games tổ chức ở Việt Nam (2003) và Philippines (2005), chỉ riêng số lượng phóng viên của các hãng thông tấn quốc tế đã gần 50, chưa tính các quốc gia trong khu vực ASEAN. Thời điểm đó, mỗi sự kiện SEA Games có thể xem như một đợt phô trương tiềm lực và hình ảnh quốc gia.
Dù là một sự kiện mang tính chất khu vực, nhưng “tuổi đời” của SEA Games tương đối dài. 32 kỳ tranh tài đã diễn ra, sự háo hức (nếu có) cũng chỉ ở các quốc gia lần đầu đăng cai như Lào (2009), hay Campuchia lần này. Một vấn đề khác của SEA Games đó là số môn thi đấu quá nhiều, số lần trao huy chương vì thế cũng ở tần suất dày đặc và điều này khiến cho việc đưa tin, chọn lọc sự kiện để bình luận, trở thành một thách đố với giới truyền thông. Chính vì thế, việc Hội đồng thể thao Đông Nam Á quyết định đặt ra các tiêu chuẩn cơ bản cho SEA Games ở các kỳ sau được xem là bước đi kịp thời nhằm giữ cho đại hội thể thao hàng đầu khu vực vị thế vốn có của nó. Hơn nữa, nhiều nền thể thao mạnh của Đông Nam Á như Thái Lan, Việt Nam, hay Indonesia hiện đang có chiến lược hướng đến các cuộc tranh tài châu lục và thế giới, tức là ở một đẳng cấp cao hơn SEA Games rất nhiều.
Nhưng nói như vậy cũng để thấy Campuchia đã nỗ lực như thế nào để tổ chức SEA Games 32. Không chỉ hoàn thành giấc mơ lịch sử, SEA Games 32 trên đất Campuchia cũng khép lại một giai đoạn khó khăn của Đông Nam Á chống lại đại dịch Covid-19. Đặt trong một hoàn cảnh cụ thể, để SEA Games 32 thành công, đó không phải là điều dễ dàng với quốc gia đăng cai, nhất là khi chỉ mới vừa 1 năm trước, Việt Nam đã tổ chức rất tốt SEA Games 31. Việc Campuchia giữ đúng kế hoạch, tập trung nguồn lực tối đa, miễn phí hàng loạt dịch vụ quan trọng cho các đoàn thể thao, có thể nói là nghĩa cử tràn đầy tinh thần fairplay, tinh thần thể thao. Đó có lẽ là giá trị lớn nhất, bền vững nhất của một SEA Games trong bối cảnh thể thao Đông Nam Á đã có nhiều thay đổi.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/di-tron-mot-vong-post688604.html