'Đi trốn' và những giá trị trong hành trình trưởng thành
Đọc những trang sách đầu tiên, tôi đoán rằng 'Đi trốn' sẽ tập trung vào cuộc sống của những đứa trẻ thời chiến, na ná với Quân khu Nam Đồng. Nhưng câu chuyện đã rẽ theo một hướng hoàn toàn khác....
Khi mùa thu Hà Nội đang đến độ đẹp nhất, tôi nhận món quà đặc biệt từ tay người bác ruột Trần Hữu Bình– cuốn "Đi trốn" ký tên tác giả Bình Ca. Bác bảo, “đây là suất riêng dành cho cháu, vì cháu đã bắt đầu công việc viết lách và có những bài báo đầu tiên!” Với tôi, bác là một người trầm tính, ít nói, có lẽ bởi bác là người làm chính trị.
Trong những buổi liên hoan gia đình, bác thường chỉ quan sát, nghe mọi người nói chuyện, thỉnh thoảng đưa ra một vài nhận xét hóm hỉnh. Tôi chưa bao giờ nghĩ bác sẽ là nhà văn. Vậy mà sau Quân khu Nam Đồng cực “hot,” giờ đây trên tay tôi là tác phẩm văn học thứ hai của bác. "Đi trốn" ngay từ lúc mới ra đời cũng đã “hot” không kém.
Tác giả Bình Ca đã đưa người đọc trở về những thập niên 1960, thời miền Bắc bắt đầu bị đế quốc Mỹ ném bom. Đọc những trang sách đầu tiên, tôi đoán rằng "Đi trốn" sẽ tập trung vào cuộc sống của những đứa trẻ thời chiến, na ná với Quân khu Nam Đồng.
Nhưng câu chuyện đã rẽ theo một hướng hoàn toàn khác ngay ở những trang sau: đó là cuộc phiêu lưu của 6 đứa trẻ non nớt tới chốn rừng thiêng nước độc đầy cạm bẫy, chết chóc.
Từ bé, tôi sống ở thành phố, bao quanh là siêu thị, trung tâm thương mại, đèn giao thông, khói bụi và kẹt xe. Vì vậy, thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ hiện lên qua ngòi bút tác giả là một thế giới hoàn toàn mới mẻ đối với tôi. Những cảm giác về thực tại dần mờ đi. Tôi thấy mình như được hóa thân thành một nhân vật, cùng nhóm Tự Thắng tham gia vào cuộc phiêu lưu đầy mạo hiểm.
Tác giả Bình Ca đã khắc họa thế giới thiên nhiên hoang dã qua lăng kính ngây ngô, trong sáng, của con trẻ rất thành công cho thấy tác giả vô cùng am hiểu sâu sắc tâm lý của lứa tuổi mới lớn. Điều gì không lí giải được, chúng liền gắn với những khái niệm tâm linh như thần thánh, ma quỷ. Không chỉ vậy, sự trưởng thành về giới tính trên hành trình trở thành người lớn đã được diễn tả tinh tế, hài hước mà không hề thô tục.
Cùng một câu nói, một ánh mắt, nhưng đến hôm nay trái tim ta mới rung động, chứ không phải hôm qua. Đó là một quá trình được bồi đắp dần dần, bởi trưởng thành về giới tính thường gắn liền với trưởng thành về tính cách. Phác họa chi tiết một bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ có thể làm người đọc choáng ngợp, say đắm. Miêu tả sống động những trận chiến kịch tính mang đến sự hấp dẫn, hồi hộp. Nhưng chạm được đến trái tim độc giả, là những chi tiết dù nhỏ nhưng vô cùng đắt, được người viết “cài cắm” rất khéo léo, tinh tế.
Qua những chi tiết đó, ta hiểu được phẩm chất ẩn sâu bên dưới lớp vỏ hồn nhiên, ngây thơ của từng nhân vật. Tuy chỉ là những đứa trẻ ngây thơ, có hoàn cảnh và xuất thân khác biệt, nhưng chúng cùng đồng hành trên chuyến bè của sự trưởng thành. Người hào sảng, nghĩa hiệp, luôn góp mặt trong những thời điểm quan trọng nhất. Người gan dạ, lạnh lùng, đã quyết việc gì là làm tới cùng. Người chứng tỏ được rằng “nhút nhát” và “hèn nhát” là hai khái niệm khác hẳn nhau. Người lại là hoa tiêu của cả nhóm, thuộc làu làu kiến thức về núi rừng, sông nước, hang động, dù bị coi là “nhà quê”.
Và không thể không nhắc tới bông hoa duy nhất của nhóm – một thiếu nữ hồn nhiên, thơ ngây nhưng can đảm không thua gì các đấng nam nhi. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất với tôi, đó là mọi thành viên đều quan tâm, chăm sóc, hy sinh vì nhau bằng tất cả lòng chân thành. Cuộc đi trốn rồi cũng đến hồi kết - một cái kết có thể không làm hài lòng tất cả mọi người, nhất là về cái chết của cậu bé Sơn.
Cuốn sách để lại cho tôi nhiều nỗi trăn trở. Có phải khi trải qua hiểm nguy, con người ta mới bộc lộ những phẩm chất đáng quý, từ đó trở nên trưởng thành hơn? Có phải để cùng nhau tồn tại, mỗi thành viên đều phải biết hy sinh một phần bản thân vì người khác?
Có phải tự do bao gồm cả những thứ mình biết, lẫn thứ mình không biết? Có phải trong những khoảnh khắc tăm tối nhất, niềm tin là thứ duy nhất để con người chiến thắng Thần Chết? Và cuối cùng, liệu có phải xã hội hiện nay đang đánh giá thấp những giá trị đó, nên “Đi trốn” chính là một thông điệp lớn về cuộc đời mà nhà văn muốn gửi đến độc giả?