Đi trong lồng lộng đất trời quê Thanh

Cuối năm, như thường lệ, những bạn phượt và tôi lại lên đường. Con đường ngược ngàn miền Tây xứ Thanh xe cộ nườm nượp 'cõng' sản vật núi rừng về với phố. Trên những cánh đồng bãi hai bên, nông dân đang thu hái những vuông rau, màu cuối vụ đông để có thêm nguồn tiền sắm tết. Những ngồng cải vàng tô điểm thêm sắc xuân, quyện hòa với những cành đào khoe sắc sớm ven đường.

Cảnh sắc vùng cao quê Thanh luôn lôi cuốn bước chân lữ khách.

Đoạn qua thị trấn Sao Vàng, huyện Thọ Xuân, mía đang vụ ép, những đoàn xe nối nhau từ đường nhánh về nhà máy đường số 2. Tiếng máy và mùi đường mía ngào ngạt cả một vùng. Thoáng trong gió, hoa mía trắng phất phơ, không hiu quạnh, mà tô điểm thêm hương sắc cho vùng nguyên liệu. Xen lẫn trong mía là những khu nhà màng, nhà kính - sản phẩm của công cuộc chuyển đổi kinh tế theo hướng công nghệ cao trên vùng công - nông nghiệp Lam Sơn.

Càng ngược ngàn, chúng tôi càng nhìn thấy màu xanh được trải ra. Trên những quả đồi không chỉ có luồng, sắn quen thuộc, mà đã có những cây trồng mới được mệnh danh là cây xóa nghèo. Trong số ấy phải kể đến cây gai xanh - thứ cây mới du nhập nhưng đã sớm bén duyên, bén rễ. Vùng nguyên liệu cho nhà máy sản xuất sợi dệt An Phước đặt tại huyện Cẩm Thủy, vì thế phát triển nhanh chóng ra cả mấy huyện lân cận, người dân hào hứng trồng và chăm, đem theo chứa chan hy vọng.

Đi qua những cung đường trong khí sắc của một mùa xuân sắp đến, điểm dừng chân của chúng tôi là bản Năng Cát, xã Trí Nang, thuộc huyện biên giới Lang Chánh. Đó là một bản Thái còn khá nguyên sơ nằm gác mình bên dòng thác Ma Hao đêm ngày rì rào đổ nước về đông.

Dịch bệnh COVID-19 suốt hai năm qua khiến nhiều khu, điểm du lịch trong tỉnh trở nên vắng vẻ, và giờ, sau khi cuộc sống bình thường mới trở lại, những con người bản Thái đang đầu tư cơ sở vật chất để đón những vị khách du lịch mới khi mà độ bao phủ vắc-xin ở Việt Nam đã đạt ngưỡng an toàn.

Đêm lửa trại đón khách ở nơi này thật náo nhiệt với những điệu khặp Thái tưng bừng, những vòng xòe đam mê, uyển chuyển theo nhịp bước của những sơn nữ trong bập bùng ánh lửa cứ in đậm trong tôi.

Mà không chỉ có thế. Nơi núi rừng xa xôi nhưng không hề hẻo lánh này còn có những ngôi nhà sàn nguyên bản, nhà nghỉ homestay và những vuông thổ cẩm đẹp đến mê mẩn. Nơi này còn có những ruộng rau cải, nếp nương và cá suối. Du khách có thể tự làm nông dân để đem sản vật về những căn nhà phố của mình cho ngày tết thêm hương vị.

Năng Cát đã đón những đoàn khách nước ngoài bằng chính sức hấp dẫn từ nét văn hóa độc đáo của dân tộc Thái. Giờ thì bản đang chuẩn bị để tết này đón thêm những vị khách mới khi xu hướng du lịch khám phá văn hóa vùng miền, văn hóa tộc người ngày tết đang được nhiều người ưa chuộng, nhất là sự an toàn đã trở lại, được đảm bảo bằng những nguyên tắc thích ứng có điều kiện.

Rõ ràng là không chỉ Năng Cát - một nơi khá xa phố xá, mà rất nhiều cái tên quen thuộc khác trong làng du lịch sinh thái ở xứ Thanh cũng đang ngày một vươn lên khẳng định chỗ đứng của mình trên bản đồ du lịch Việt Nam. Những cái tên rất quen thuộc với “dân phượt”, với những người thích khám phá, trải nghiệm cuộc sống chầm chậm trôi qua mắt mình như bản Đôn, bản Hiêu, bản Kho Mường ở Bá Thước, bản Hang ở Quan Hóa, làng Lương Ngọc ở Cẩm Thủy... Ở nơi ấy có những dãy núi chót vót và một hệ sinh thái đa loài của núi rừng xứ Thanh đang làm nên sự khác biệt so với những khu bảo tồn thiên nhiên và vườn quốc gia lân cận như Cúc Phương ở Ninh Bình, Pù Mát của Nghệ An.

Mà đáng nói hơn, sự khác biệt ấy không chỉ bởi tài nguyên du lịch, mà còn bởi sự đầu tư, chọn hướng đi và cách làm của người dân bản địa.

Khi mà nhiều người đã trở nên nhàm chán với những tờ thực đơn được cung cấp bởi nhà hàng, quán ăn, điểm đến trên phố, họ thường nghĩ đến núi rừng và xếp đặt những chuyến đi ngắn ngày phù hợp với gia đình.

Những khu du lịch sinh thái mới ở Lang Chánh, Thạch Thành hay quanh Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên của Thường Xuân, Pù Luông của Bá Thước, Quan Hóa, chính là sự gợi ý về cung đường, điểm đến thú vị. Đến những nơi ấy mới cảm nhận đầy đủ vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng, nét tạo tác đáng trân trọng của con người vùng cao khắc in lên những bản làng. Họ đang đem đến cho khách xa một tinh thần, trạng thái cảm nhận về vùng cao xứ Thanh đa sắc, giầu vị và đáng yêu như thế nào.

Rời thác Ma Hao, bản Năng Cát, sự mê mẩn từ cảnh sắc, sức hấp dẫn từ những vòng xòe, điệu khặp cứ níu chúng tôi. Hơn cả một chuyến đi, là sự trải nghiệm để thêm vốn sống cho nghề. Tôi nghĩ mình sẽ còn trở lại nơi này để sống trong sự hồn hậu của người dân, thêm lần nữa thưởng thức những món ăn, ghi lại những khuôn hình đẹp đẽ và không kém phần kỳ bí.

Đầu tư cho văn hóa, thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái chính là góp phần để làm nên “sức mạnh mềm”, động lực phát triển kinh tế, tận khai các giá trị vật thể và phi vật thể của những cộng đồng giàu tài nguyên. Bởi lẽ ấy, nhiều địa phương đã dành nguồn ngân sách thỏa đáng cùng với nguồn xã hội hóa để xây dựng các thiết chế văn hóa, công trình du lịch đáp ứng sự tham gia sinh hoạt của cộng đồng dân cư. Đời sống văn hóa nông thôn đang bừng lên khí sắc nông thôn mới nhưng vẫn có nét văn hóa làng, bản rất đậm đà. Hình khối của làng thay đổi, nhưng văn hóa làng vẫn còn nhiều thứ để nhắc, để kể.

Cảnh sắc quê Thanh trong lồng lộng đất trời lúc xuân sang thông qua những cách tiếp cận mới mà con người tạo ra luôn lôi cuốn bước chân lữ khách.

Lam Vũ

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/di-trong-long-long-dat-troi-que-thanh/152601.htm