ĐI TRƯỚC NƯỚC LŨ

'Lần này là lần thứ 3 người dân ở xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình chứng kiến nước lũ lịch sử.

Nghe các cụ kể, lần đầu tiên là vào năm 1950, hồi đó nước ngập hết mái nhà, nhưng khi ấy ai cũng nghèo, không có nhà cao. Lần thứ 2 là đợt lũ lịch sử năm 2010 mà sau đó người dân nghĩ rằng sẽ chẳng trận lũ nào có thể cao hơn. Nhưng, chứng kiến những đợt lũ chồng lũ năm 2020, mực nước trung bình cao hơn đợt lũ năm 2010 là 1,2 mét, khiến nhà cửa chìm trong nước từ 1,5 tới 3 mét, mới thấy hết tính chất nghiêm trọng và sự nguy hiểm của đợt lũ chồng lũ vừa xảy ra"-anh Nguyễn Văn Phương, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Hàm Ninh vừa kể, vừa chỉ tay vào ngấn nước sát mép trần phòng làm việc của anh ở tầng 1 trụ sở UBND xã.

Dường như sự lo lắng trước biển nước mênh mông, cuồn cuộn dâng cao từng giờ của trận lũ dữ vẫn còn nguyên trong lời kể của anh Phương. Nước lên đến đâu, đồ điện tử, thóc, gạo, quần áo, đồ đạc hư hỏng đến đấy... Thế nhưng toàn xã không bị thiệt hại về người, không một ai bị thương. Hai tiểu đội dân quân ứng trực không phải cứu nạn bất cứ người dân nào của xã. Đây là điều rất đặc biệt khi trên địa bàn tỉnh Quảng Bình lực lượng ứng cứu ở nhiều địa phương khác phải làm việc khá vất vả. Hỏi chuyện người dân và cán bộ ở đây, chúng tôi được biết bí quyết nằm ở chính sự chủ động, tự giác của người dân và lực lượng chức năng của xã trước khi bão, lũ về. "Phải biết đi trước mới khỏi rước họa", đó là câu trả lời chung của nhiều người dân xã Hàm Ninh.

 Lực lượng cứu hộ tiếp cận ứng cứu gia đình ông Nguyễn Thế Tuyển (thôn Thế Lộc, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình). Ảnh:qdnd.vn

Lực lượng cứu hộ tiếp cận ứng cứu gia đình ông Nguyễn Thế Tuyển (thôn Thế Lộc, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình). Ảnh:qdnd.vn

Bà Nguyễn Thị Vận, người đang chờ đến lượt nhận quà của các nhà hảo tâm, vui chuyện: "Nhà tôi ngập hết, nhưng cả mấy đứa con đều an toàn, giờ đang đi học rồi. Chả riêng trận lũ năm nay, mỗi khi có thiên tai, chúng tôi luôn chấp hành nghiêm việc lực lượng chức năng vận động sơ tán đến nơi an toàn. Ngay trước mùa mưa lũ, từ tháng 7, tháng 8, hệ thống truyền thanh đã liên tục tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sự nguy hiểm của bão, lũ. Chúng tôi hiểu, mình phải tự giác thực hiện để lực lượng chức năng còn có thời gian giúp các đối tượng khó khăn. Bão, lũ về thì thời gian tính bằng phút mà".

Không chỉ bà Vận, mà tất cả người dân ở Hàm Ninh đã không còn tâm lý chủ quan nữa. Chính những kiến thức bổ ích về phòng, chống lụt bão được phát trên hệ thống truyền thanh của xã đã giúp họ tự biết cách bảo vệ mình và gia đình. Ngoài ra, việc lực lượng chức năng của xã tiến hành thường xuyên, bằng nhiều hình thức chia sẻ cách thức phòng tránh, chung sống an toàn với bão, lũ đã giúp mọi người chủ động phòng tránh đúng cách. Năm nọ sang năm kia, những kiến thức ấy dần ngấm vào máu, thành phản xạ để sinh tồn trước thiên tai ngày càng khắc nghiệt.

"Bí quyết" của một xã thuộc vùng trũng nhất của huyện Quảng Ninh không để xảy ra một vụ mất an toàn nào chính là tự đi trước nước lũ một bước. Để duy trì "thành tích" chung sống an toàn với bão, lũ tại một vùng trọng điểm lũ lụt, với hệ thống sông suối, kênh mương, ao hồ nhiều, đường thấp, dễ bị chia cắt khi có lũ lớn, không gì khác chính là đi trước trong tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức tự thích ứng, tự bảo vệ của người dân.

Nhìn từ bài học kinh nghiệm bảo đảm an toàn tính mạng cho hơn 1.400 nhân khẩu tại xã Hàm Ninh để thấy, tính chủ động trong công tác chuẩn bị đón bão, lũ là vô cùng quan trọng. Chuẩn bị càng kỹ bao nhiêu, thiệt hại càng ít bấy nhiêu. Và khi một người dân bình thường cũng có kiến thức về phòng, chống bão, lũ; hiểu rõ sự nguy hiểm của bão, lũ; hiểu rõ sự nguy hiểm thế nào khi phải để người khác tìm kiếm cứu nạn mình, họ sẽ biết cách tự lo cho mình; tự chuẩn bị kiến thức, tinh thần, vật chất đối phó hiệu quả với bão, lũ... Điều này có nghĩa họ ý thức rất rõ về kỹ năng sống, văn hóa ứng xử hài hòa trước thiên nhiên.

NGUYỄN HÒA

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/lang-kinh-van-hoa/di-truoc-nuoc-lu-644428