Đi tu và đi dạy
GNO - Xin được hỏi, người xuất gia đi tu rồi có được phép đi dạy học? Và nếu đang đi dạy học, làm giáo viên thì xuất gia rồi có tiếp tục đi dạy học như trước không?
(HUY NGUYỄN, huynguyen26…@gmail.com)
Bạn Huy Nguyễn thân mến!
Người xuất gia chân chính, hội đủ duyên lành thành tựu từ bi và trí tuệ, chứng đắc giác ngộ và giải thoát được xưng tôn là bậc thầy của trời người (thiên nhơn chi đạo sư). Còn nếu xuất gia làm một người tu bình thường, có giới đức, có hạnh tinh tấn, có nguyện giúp đỡ người thì cũng được xã hội tôn vinh gọi là thầy; thầy tu. Đã là thầy thì mang thiên chức là dạy người và giúp đời. Nên người tu dù có vào trường học, giảng đường để thuyết trình, giảng dạy hay chỉ ở chùa tu học và khuyên bảo người bỏ ác làm lành cũng đều mang trong mình sự mô phạm và hạnh nguyện giáo dục.
Đức Phật, nhìn ở phương diện giáo dục, được nhân loại tôn xưng là nhà giáo dục vĩ đại. Cho nên, sứ mạng của người tu là giáo dục, trước là dạy mình và sau là dạy người. Nếu đi tu mà không dạy được ai, chẳng cảm hóa được người nào thì chưa tròn trách nhiệm, nợ đàn-na tín thí. Người tu không hành nghề giáo dục (giáo viên, giáo sư) nhưng có thể giảng dạy, thuyết trình tại các trường đại học hay trung học nếu đủ duyên. Hầu hết người tu giảng dạy trong các chùa viện, đạo tràng thông qua khẩu giáo và thân giáo.
Phạm trù giáo dục rất rộng lớn, trong trường học và ngoài trường đời. Người tu làm từ thiện là dạy người về lòng yêu thương, đùm bọc và san sẻ. Người tu lên pháp tòa diễn giảng là dạy người tìm ra chân lý, vượt thoát thực tại khổ đau. Có người tu dường như không làm gì liên quan đến giáo dục cả nhưng vẫn đang dạy người sống thảnh thơi, những bước đi vững chãi, hơi thở nhẹ, miệng mỉm cười. Người tu lấy trí tuệ làm sự nghiệp, chuyên khai tâm, mở trí cho mình và người.
Tuy vậy, người đang đi dạy học, làm giáo viên khi phát tâm xuất gia rồi thì không tiếp tục đi dạy như trước. Vì đi dạy là một nghề mưu sinh như bao ngành nghề khác trong xã hội. Khi xuống tóc xuất gia, cần từ bỏ tất cả những gì liên quan đến thế tục để tập trung tu học. Khoảng năm năm đầu tiên, người xuất gia phải sống gần thầy (bổn sư, tế độ) để học tập oai nghi, giới luật, nghi lễ, giáo lý căn bản và công phu tu niệm. Giai đoạn sơ phát tâm này rất quan trọng cho sự nghiệp xuất gia. Giống như trồng cây non, giai đoạn đầu cần chăm sóc đặc biệt, về sau mới có thể phát triển to lớn và vững chắc.
Năm năm tiếp theo, người xuất gia có thể được gửi vào các trường Phật học để học Phật pháp, từ thấp đến cao. Giáo pháp bao gồm kinh, luật, luận, sử và các kỹ thuật thực hành, rèn luyện tâm phổ quát theo giáo lý Đức Phật hay chuyên biệt theo từng truyền thống, tông phái, hệ phái, dòng truyền thừa. Sau khoảng thời gian trên dưới mười năm, người xuất gia đã hiểu căn bản Phật pháp và cách thức tu tập, bấy giờ họ có thể tùy duyên dấn thân gánh vác một số Phật sự. Thuận duyên thì làm một số công việc Phật sự nào đó (trụ trì, hoằng pháp, giáo dục, nghiên cứu, dịch thuật, từ thiện, nghi lễ v.v…) nhưng phận sự chính của người xuất gia vẫn là tu học.
Khi có thể tham gia các Phật sự, tùy thuộc chuyên môn và sở trường của bản thân mà định hướng, chọn ngành phụng sự phù hợp. Nếu trước đó người xuất gia đã có chuyên ngành sư phạm, có thể dựa vào nền tảng này để chọn ngành phụng sự là giáo dục và hoằng pháp. Các kỹ năng sư phạm sẽ giúp người xuất gia trao truyền kiến thức Phật học hiệu quả hơn. Nếu người tu có kiến thức cao về Phật học, có giới đức và kinh nghiệm thực hành thiền định thâm sâu, có khả năng giúp mọi người chuyển hóa là nhân tài của Giáo hội và xã hội. Bấy giờ, người xuất gia ngoài việc phụng sự Phật pháp, có thể tham gia giảng dạy ngoài xã hội nếu hội đủ duyên lành.
Chúc bạn tinh tấn!
Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/di-tu-va-di-day-post73848.html