Đi về phía lửa: Bài ca vinh danh những người lính cứu hỏa
Tình yêu, tình đồng đội, trên hết là sự xả thân cứu người của những chiến sĩ cứu hỏa đã được tôn vinh qua bộ phim dài tập 'Đi về phía lửa' do Truyền hình K+ sản xuất, Trần Thanh Huy làm đạo diễn.
Toàn Thắng - một người lính trẻ trong đội cứu hỏa địa phương vui vẻ tạm biệt đồng đội để về nhà nghỉ phép, đưa vợ đi bệnh viện sinh con. Thế nhưng vừa ra đến cổng đơn vị, tiếng còi hú đột ngột vang lên báo hiệu một ca cứu nạn cần hỗ trợ. Thắng sẽ làm gì? Đó là một trong nhiều tình huống của “Đi về phía lửa” tạo được tiếng vang và sức thu hút với khán giả sành phim. Nó phản ánh đúng công việc đặc thù của những chiến sĩ Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH). Đây là một trong những nghề nghiệp được coi là nguy hiểm nhất, nhưng cũng xứng đáng được trân trọng và tôn vinh bậc nhất.
Chân thật, cảm động
“Đi về phía lửa” là tác phẩm lên sóng lúc 20h thứ hai và thứ ba hàng tuần trên kênh K+CINE và App K+ kể từ ngày 12-2. Những câu chuyện phía sau các ca ứng cứu đầy nguy hiểm của người lính PCCC được khai thác chân thật, tạo nên sự cảm phục cho người xem. Đồng thời, những người lính trẻ tuổi, gan dạ được khắc họa ở cả khía cạnh đời thường với những chăm lo gia đình, ước mơ hoài bão riêng.
Được hóa thân vào nhân vật trong “Đi về phía lửa” khiến tôi cảm thông, thương quý và kính phục những người mẹ, người vợ có chồng, con làm lính cứu hỏa…
Diễn viên LÊ THúy
Người xem tập 1 “Đi về phía lửa” lập tức nhận ra rằng, những chiến sĩ trong đội cứu hỏa thường xuyên đối mặt với những tình huống phải lựa chọn ngặt nghèo, đòi hỏi sự chính xác và quyết tâm cao độ. Khi nhóm cứu hỏa thực thi nhiệm vụ dập tắt đám cháy ở một dãy phố, họ còn phải giải cứu 1 phụ nữ bại liệt đang mắc kẹt bên trong. Lúc lao vào biển lửa, người lính PCCC cũng gặp những bất trắc khó lường như thân thể bị va đập, chấn thương, ngạt khói, nhiễm độc… thậm chí hy sinh. Những ca cứu hộ, cứu nạn khiến các chiến sĩ đối mặt lằn ranh sinh tử như cơm bữa. Họ xông pha giữa làn khói mịt mù, hơi nóng bốc ra như hỏa ngục, không khí ô nhiễm nặng nề chỉ để cứu sống các nạn nhân. Họ cũng chấp nhận dấn thân ở các địa hình hiểm trở như dốc núi cao hay vực sâu, đá nhọn… vì trách nhiệm.
Góc khuất nội tâm và đời riêng
Đan xen với những trường đoạn căng thẳng, khốc liệt tới nghẹt thở miêu tả các chiến sĩ làm nhiệm vụ là những thước phim đời thường của họ. Khán giả có dịp theo dõi nhiều khía cạnh trong đời sống riêng của những người lính cứu hỏa, các góc khuất nội tâm, diễn biến tâm lý của họ mỗi khi đối mặt tình huống, sự lựa chọn nan giải, mệt về thể chất lẫn tinh thần song vẫn sẵn sàng quên mình cứu dân. Là những người dũng cảm bậc nhất, song họ vẫn có những ám ảnh từ mất mát, những day dứt, sợ hãi “rất con người”. Vấn đề là họ vượt qua sự sợ hãi đó như thế nào mới là điều quan trọng.
Lãnh Thanh (vai Đức Anh), Trâm Anh (vai bác sĩ Hồng Ngọc), Hồ Thu Anh (vai Thanh Hà), Xuân Phúc (vai Toàn Thắng), Trần Ngọc Vàng (vai Minh Long), Lê Thúy (vai Nguyệt), Bách Đỗ (vai Duy Quang)… đều có đất diễn và cao trào cảm xúc trong phim. Quá trình cứu nạn, cứu hộ đều lên phim khá chân thật, các diễn viên lăn xả trong nhiều pha hành động khó, đơn cử như vụ tai nạn xe khách lao xuống sông vì mất phanh.
“Đi về phía lửa” là tác phẩm tâm huyết, tri ân những hy sinh to lớn của người lính PCCC và CNCH. Loạt phim tiếp nối nhiều bộ phim dài tập chất lượng cao, cốt truyện nguyên bản (original series) như “Mẹ ác ma, cha thiên sứ”, “Trại hoa đỏ”, “Bếp trưởng tới”, “Nhà mình lạ lắm”, “Tết ở làng địa ngục”, khẳng định xu hướng làm phim truyền hình kết hợp phát trực tuyến có chất lượng tiệm cận phim điện ảnh, do các đạo diễn điện ảnh tên tuổi thực hiện.
Phim dài tập chất lượng cao là xu hướng
Với mức độ đầu tư đảm bảo, chất lượng sản xuất tốt, dành nhiều thời lượng để phát triển câu chuyện của nhân vật… là lợi thế để các đạo diễn quan tâm đến việc làm phim dài tập ngày nay. Đại diện Truyền hình K+ chia sẻ: “Phim dài tập chất lượng cao, cốt truyện nguyên bản (original series) là xu hướng của thế giới. Sự đón nhận của khán giả là yếu tố quan trọng nhất giúp chúng tôi quyết định tiêu chuẩn cao cho các dự án tương lai, kể cả về mức độ đầu tư, thể loại phim, đạo diễn và diễn viên tham gia phim là ai… Bạn phải làm ra một bộ phim khiến khán giả sẵn sàng xem và yêu thích. Vì vậy, chất lượng sản xuất và phương thức kể chuyện phim phải có các yếu tố khác biệt với những nội dung miễn phí”.