Đi vòng 40km, người dân ngóng từng ngày cầu phao thay thế cầu Phong Châu bị sập
Vụ sập cầu Phong Châu không chỉ đem đến những nỗi đau đối với gia đình có người thân bị mất tích mà còn khiến cuộc sống người dân sinh sống hai bên cầu bị đảo lộn.
Đi làm xa gấp 18 lần sau sự cố sập cầu
Khoảng 10h sáng 9/9, cầu Phong Châu bất ngờ bị sập 2 nhịp khiến nhiều người mất tích. Đến thời điểm hiện tại chỉ có 2 nạn nhân đã được tìm thấy là vợ chồng anh Lương Xuân Thành và chị Nguyễn Thị Hường (trú tại Thạch Đồng, Thanh Thủy).
Vụ sập cầu đã để lại không chỉ để lại nỗi đau quá lớn cho gia đình các nạn nhân, mà còn khiến cuộc sống của người dân trên địa bàn huyện Tam Nông và huyện Lâm Thao bị đảo lộn.
Chị Nguyễn Thị Trang (SN 1992, trú tại Hương Nộn, Tam Nông) chia sẻ: "Trước đây quãng đường đi làm của tôi chỉ khoảng gần 2km. Nhà tôi ngay gần đầu cầu phía huyện Tam Nông, tôi làm ở công ty may ngay phía đầu bên kia cầu thuộc huyện Lâm Thao. Thế nhưng bây giờ, để di chuyển qua công ty, tôi phải đi tới 36kma g, xấp 18 lần.
Bây giờ 5h sáng tôi đã phải dậy để đi làm. Khoảng 2 hôm đầu tôi có đi xe khách để cho đỡ mệt. Tuy nhiên do bị say xe nên hiện tôi vẫn tự đi xe máy. Tôi chỉ mong sao cầu phao sớm được hoàn thiện".
Tương tự, chị Đỗ Thị Quyên (SN 1989, trú tại xã Tam Cường, Tam Nông) cho biết: "Công ty chỉ cách nhà tôi chừng 5km, tuy nhiên hiện tại tôi phải di chuyển quãng đường gần 40km. Nhà tôi có 3 con nhỏ, lúc còn cây cầu để thuận tiện di chuyển, hằng sáng tôi vẫn chở các con đi học và trưa có thể về nhà tranh thủ cơm nước.
Bây giờ khoảng 5h sáng tôi đã phải đi làm, không kịp nấu cơm cho con. Hiện tất cả công việc ông bà phải giúp đỡ dù đã tuổi cao sức yếu. Mong cầu phao sớm được lắp, chứ cứ đi làm thế này, tôi cũng không biết trụ được bao lâu nữa...".
Mong từng ngày nước rút để có cầu phao
Sự cố sập cầu Phong Châu không chỉ gây khó khăn cho việc đi lại của người dân mà còn gây ảnh hưởng tới việc giao thương. Do phải di chuyển với quãng đường xa, các hộ kinh doanh buộc phải tăng chi phí các mặt hàng bởi việc nhập hàng bị khó khăn hơn so với thời điểm chưa xảy ra sự cố.
Chị Nguyễn Thị Thu (SN 1979, trú tại xã Vạn Xuân, Tam Nông), kinh doanh quán nước gần cầu Phong Châu chia sẻ: "Những lái buôn giao hàng cho tôi bây giờ phải đi đường vòng để giao hàng, chi phí đi lại bị đội lên. Chúng tôi chỉ mong có cầu phao để người dân đi lại được thuận tiện, nhất là các cháu học sinh. Đặc biệt là các cháu bên huyện Lâm Thao đi sang Tam Nông học rất khó khăn".
Hiện lực lượng chức năng tỉnh Phú Thọ vẫn đang tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để lắp đặt cầu phao.
Đêm 15/9, rạng sáng 16/9, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ tiếp tục có mưa to kèm sấm sét, khiến mực nước sông Hồng dâng cao hơn dù trước đó đã rút bớt.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch UBND huyện Tam Nông cho biết: Để lắp đặt được cầu phao, cần phải tuân thủ theo các kỹ thuật theo quy định về dòng chảy, lưu tốc, mực nước... Việc lắp đặt cầu phao do Lữ đoàn Công binh 249, Lữ đoàn Công binh 543 (Binh chủng Công binh) thực hiện.
"Nước sông Hồng từ ngày 14/9 đã rút nhưng dòng chảy vẫn còn mạnh, đến rạng sáng 16/9, trên địa bàn huyện Tam Nông mưa lớn, gây khó khăn cho các lực lượng triển khai phương tiện, lắp đặt cầu.
Tuy nhiên, các cán bộ, chiến sĩ công binh tích cực thay ca ngày đêm để vận chuyển vật liệu xây dựng bến vượt nhanh nhất để bắc cầu phao khi có đủ điều kiện", ông Hùng cho hay.
Liên quan đến sự cố sập cầu Phong Châu vào ngày 9/9, theo thống kê sơ bộ ban đầu, có khoảng 13 nạn nhân trong vụ sập cầu này. Trong đó, 3 nạn nhân may mắn được cứu thoát do bám được vào thành cầu.
Đến thời điểm hiện tại, 2 thi thể nạn nhân bị mất tích trong vụ sập cầu đã được tìm thấy. Hiện lực lượng chức năng vẫn đang tích cực tìm kiếm các nạn nhân mất tích.