Đi xe ba bánh tìm việc cho người khuyết tật

Từ đầu phố Lụa Hà Đông hỏi thăm 'doanh nghiệp' gồm toàn người khuyết tật của anh Lê Việt Cường ai cũng biết. Những người ở đây chẳng ai ngờ, người đàn ông khó nhọc di chuyển trên xe ba bánh ấy, một thân một mình vào tận sứ quán Mỹ chào hàng sản phẩm và đem về đơn hàng đủ cho nhân viên của anh làm trong mấy tháng.

Giám đốc Cường (đầu tiên bên trái) đang “phỏng vấn tuyển dụng”

Giám đốc Cường (đầu tiên bên trái) đang “phỏng vấn tuyển dụng”

Trả lương cho người khuyết tật học nghề

Thực ra “doanh nghiệp” của anh Cường có tên hẳn hoi, gọi là Hợp tác xã Vụn Art. Ở đây có cả thảy 16 nhân viên, trừ một hai người bạn tình nguyện đến giúp thì những người còn lại, từ giám đốc đến công nhân đều là người khuyết tật (câm điếc, khuyết tật vận động, khuyết tật trí tuệ thể nhẹ, tự kỷ…).

Tôi đến Vụn Art đúng lúc một gia đình người dân trong vùng đưa con đến xin học. Thanh niên 20 tuổi bị khuyết tật về não, ở cùng người bố gà trống nuôi con cũng bị khuyết tật. Hai bố con đều không giỏi giao tiếp, phải có một người bác đi cùng làm nhiệm vụ thông ngôn.

Cuộc tuyển dụng này khác hẳn tất cả những cuộc tuyển dụng mà tôi từng được biết. Giám đốc Cường không hỏi ứng viên về bằng cấp hay kinh nghiệm. Anh lấy thái độ của người nhà hỏi cậu bé có biết đọc không, có thể đi xe đạp điện không, một ngày xem tivi mấy tiếng??? Cùng ngồi trong văn phòng kiêm phòng sản xuất khi ấy còn hai nhân viên đặc biệt khác. Minh (bị bại não thể nhẹ) ngồi nghiêng nghiêng trước máy tính thiết kế hình ảnh mới cho sản phẩm.

Trên cái bàn chính chiếm diện tích một nửa phòng là An (20 tuổi) đến từ Nghệ An đang khó nhọc điều khiển tay trái để cắt những miếng vải khổ 40 đều nhau. An kể bằng chất giọng hơi méo rằng cô đến Vụn Art là nhờ một người quen giới thiệu. Ở quê, An đã học hết lớp 12 và thường xuyên phải đi học xa nên “chỉ nhớ nhà hơi hơi”. Ra Hà Nội học nghề, An được thuê nhà cho ở, mỗi tháng cô còn được hỗ trợ 2 triệu đồng và hơn 600 ngàn tiền ăn trưa.

Chính sách hỗ trợ tiền cho học viên được anh Cường kiên trì làm từ khi bắt đầu mở Vụn Art, năm 2017. Theo đó, tất cả những người khuyết tật học nghề ở đây đều được hưởng chế độ này. Khi tay nghề thành thạo, họ sẽ được nhận mức lương cao hơn. Nói thêm, Hợp tác xã Vụn Art hoàn toàn là một tổ chức tư nhân, và ông chủ sinh năm 1976 của nó cũng là người bị bại liệt bẩm sinh.

Giám đốc của Vụn Art được đào tạo chính về công nghệ thông tin. Trải qua quãng thời gian “cực kỳ khó khăn” khi đi tìm việc, anh nảy ra ý định “làm gì đó cho những người cùng cảnh”. Thế là khoảng gần 10 năm trước, một xưởng thú nhồi bông ra đời. Sau vì hướng phát triển của thú nhồi bông khó khăn, anh Cường chuyển qua làm Vụn Art. Đầu tiên Vụn Art chỉ làm tranh ghép từ lụa, gần đây mới có thêm hai dòng sản phẩm khác là túi tote (một loại túi làm từ vải canvas thân thiện với môi trường) và áo phông họa tiết ghép lụa.

Gian nan tìm nhân viên

Giai đoạn đầu mở Vụn Art, anh Cường bảo khó nhất là tuyển học viên. “Lúc đó, tôi đến các phường ở Hà Đông tìm người đi học, chính quyền một số nơi còn tưởng tôi đi bán hàng đa cấp lừa đảo người khuyết tật, báo công an đến bắt”. Một số gia đình không tin miếng bánh từ trên trời rơi xuống (học viên được học nghề miễn phí, còn được hỗ trợ tiền sinh hoạt), trong khi một số khác thì lo con chịu khổ, chịu tội, bản thân những học viên lại mang nhiều mặc cảm, khó giao tiếp...

Trong số trường hợp khiến giám đốc Cường “đụng đinh” khi tuyển dụng phải kể đến Quảng. Quảng bị câm điếc bẩm sinh, gia đình muốn cho con hòa nhập cộng đồng nên để Quảng làm bốc vác. Thấy chàng trai hiền lành chịu khó trần lưng vác gạch dưới cái nắng 40 độ, còn bị đùn cho những phần việc nặng nhọc nhất, một người quen nhờ anh Cường vận động gia đình cho Quảng đi học nghề. Bố Quảng không đồng ý, ông tỏ ra nghi ngờ động cơ tuyển dụng của “thanh niên đi chấm phẩy”. Sau nhiều lần nói chuyện, ông đến thẳng cơ sở của Vụn Art ngồi suốt mấy ngày quan sát từ xa. Bẵng đi ba tháng, anh Cường một lần nữa đặt vấn đề, lúc bấy giờ gia đình mới đồng ý. Bây giờ, ở Vụn Art, Quảng là người có thu nhập cao thứ hai, gia đình cũng công nhận, cậu sáng sủa, vui vẻ hơn nhiều so với thời đi vác gạch.

Cũng có rất nhiều trường hợp anh Cường đào tạo không thành công. Trong khoảng ba năm, Vụn Art tuyển được khoảng 40 học viên, nhưng số trụ lại làm việc đến giờ chỉ còn hơn 10 người. Số còn lại hoặc là không học được, hoặc là không muốn làm nữa, chi phí đào tạo, trợ cấp của Hợp tác xã coi như mất trắng.

Ngoài dạy nghề, Vụn Art còn phải bỏ một khoản chi phí đáng kể để thuê giáo viên dạy các học viên ở đây ngôn ngữ ký hiệu, và cả dạy văn hóa cho những người chưa từng đi học. Cá biệt, có trường hợp đã được thuê hai giáo viên dạy văn hóa trong hai năm nhưng đến giờ vẫn không đếm được từ 1 đến 20.

Lấy tiền dưỡng già để vận hành “doanh nghiệp”

Anh Cường kể, cho đến đầu năm nay, tức là trong khoảng ba năm Vụn Art 100% vận hành bằng tiền dành dưỡng già của anh. Kế toán của Vụn Art tiết lộ, năm ngoái cả năm thu được khoảng 330 triệu nhưng chi hơn một tỷ. Phải bắt đầu từ năm nay khi có nhiều hợp đồng lớn, Vụn Art mới túc tắc giảm lỗ.

Lại nói về các hợp đồng lớn, chính xác là nó được đưa về xưởng theo con đường xe ba bánh. Khi tranh ghép vải khó tiêu thụ, anh Cường được sự gợi ý của những người bạn đã mở rộng phạm vi sản phẩm, sang làm túi và áo phông họa tiết ghép lụa. Vì nguồn bán lẻ cho khách du lịch có hạn, mỗi ngày anh đều trên từng cây số tự đem sản phẩm đi chào hàng. “Tiền xăng xe của tôi nhiều bằng xăng ô tô, tiền điện thoại cũng cứ một triệu mỗi tháng. Cảm thấy chỗ nào có khả năng đặt hàng là đi, không kể mưa nắng, xa gần”, anh Cường cho biết.

Ở nhiều nơi anh không được chào đón. Nhân viên bảo vệ đã quen với những người khuyết tật đến tận công ty chào bán tăm tre, chổi đót, xin tiền... nên không mấy nơi có thái độ hòa nhã. Bỏ qua những kỳ thị tương tự, bằng vào khả năng thuyết trình tốt và sản phẩm kỹ lưỡng, vị giám đốc không có nửa chữ về marketing lần lượt đem về những đơn hàng của sứ quán Mỹ, Tổng công ty Bảo Việt, Đại học Vin Uni...

Có việc đều đặn, những công nhân của Vụn Art vui hơn. Mỗi ngày có khoảng 10 người chen nhau trong một căn phòng bốn bề là kính ở giữa phố Lụa Hà Đông cùng nhau chọn vải, cắt, là phẳng rồi ép bìa, sau đó dán lên sản phẩm. Để phù hợp với nhiều trình độ khác nhau, anh Cường phải nghĩ cách chia công việc thành những công đoạn nhỏ, ai phù hợp với đoạn nào thì làm đoạn đó. Một số người khuyết tật ở xung quanh cũng có thể đến nhận đồ về nhà làm và trả hàng vào thứ Bảy.

Không có những buổi đào tạo chung, cũng không có giáo trình chung cho các học viên ở Vụn Art. Nếu nói mỗi người một giáo trình cũng không ngoa. Thầy Hoàng (người bạn đã đồng hành cùng anh Cường từ ngày đầu lập Vụn Art và liên tục dạy kỹ thuật ghép vải không công trong nhiều năm) phải căn cứ trình độ tiếp nhận của từng người để soạn ra cách dạy phù hợp. Một động tác cầm bàn là hoặc cầm kéo của An thầy Hoàng phải sửa đi sửa lại hàng chục đến hàng trăm lần. Không có lòng cảm thông và sự kiên nhẫn vô biên, tuyệt không thể làm được công việc này.

Cái doanh nghiệp Vụn Art “bé tí” của anh Cường, ấy thế nhưng lại vẫn đang góp phần tạo sinh kế cho một nghệ nhân duy nhất ở Vạn Phúc còn biết nghề nhuộm không phai. Vì các sản phẩm túi, áo của Vụn Art đều cần giặt đi giặt lại nhiều lần, nếu dùng “lụa dởm” làm họa tiết thì phai ngay. Kinh nghiệm đau thương này đến từ đơn đặt hàng của sứ quán Mỹ, anh Cường đã phải bỏ hàng trăm cái túi để làm lại vì chưa có kinh nghiệm. Tất cả lụa họa tiết trên đồ của Vụn Art hiện nay đều là dùng “lụa xịn” nhất Vạn Phúc giá lên tới cả triệu đồng một mét.

Ngoài dạy nghề, Vụn Art còn phải bỏ một khoản chi phí đáng kể để thuê giáo viên dạy các học viên ở đây ngôn ngữ ký hiệu, và cả dạy văn hóa cho những người chưa từng đi học.

Muốn khách hàng mua đồ không vì thương hại

Túi và áo họa tiết ghép lụa của Vụn Art

Túi và áo họa tiết ghép lụa của Vụn Art

Khó khăn lớn nhất hiện nay của Vụn Art vẫn là tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Tuy vậy, vị giám đốc đi xe ba bánh lại thòng một nhắn nhủ đầy bất ngờ: “Cộng đồng hãy nghiêm khắc hơn với những sản phẩm của người khuyết tật. Tôi muốn sản phẩm của mình phải sống được, chứ không muốn mọi người có quan điểm sản phẩm của người khuyết tật thì cộng đồng và xã hội nhìn thấy sẽ “phải ủng hộ”, “phải giúp đỡ”. Như thế thì chúng tôi sẽ không đi xa được”!

Cũng vì yêu cầu này, khi đi tìm loại keo dính vải, anh Cường quyết không hài lòng với chỉ 20 lần giặt. Chính anh tự mày mò, thử nghiệm, cải tiến, mất rất nhiều thời gian, công sức để tìm ra cách dính vải không phai, không bong. Rồi vì để giúp những người khuyết tật khác có thể mang sản phẩm về nhà làm, anh lại nghĩ cách thu gọn máy móc, từ một cái máy ép hàng chục triệu xuống một cái bàn là mấy trăm ngàn, tất nhiên là sẽ mất công và mất thời gian hơn.

Từ lúc làm mô hình thú nhồi bông cho người khuyết tật, cho đến Vụn Art hiện nay, giám đốc Cường thú nhận “chưa đưa được cho vợ đồng nào mà toàn lấy tiền nhà mang đi”.

Anh kể: “Vợ kêu suốt, bảo ông cứ lấy hết tiền phòng thân đi, rồi ông lăn đùng ra ốm thì làm thế nào? Nhiều lúc nghĩ cũng giật mình đấy nhưng không dừng được nữa rồi. Lại đành phải tự an ủi, trời thương chắc mình chẳng ốm đâu mà lo”!

Hạnh Đỗ

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/di-xe-ba-banh-tim-viec-cho-nguoi-khuyet-tat-1665969.tpo