Địa chỉ khám, chữa bệnh tin cậy của nhân dân địa phương
Với người dân các dân tộc thiểu số (DTTS) thuộc Khu Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) Kỳ Sơn, Nghệ An (gồm các xã Nậm Càn, Na Ngoi, Mường Típ, Mường Ải) cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP 4 (Quân khu 4) như anh em ruột thịt. Từ nhiều năm nay, họ đã mang công sức, trí tuệ và bầu nhiệt huyết của mình giúp chính quyền, nhân dân địa phương xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và khám, chữa bệnh (KCB) khi đau ốm. Bằng tình cảm, trách nhiệm, đội ngũ thầy thuốc của bệnh xá đơn vị đã tận tâm chăm sóc sức khỏe cho quân và dân nơi đây.
Cùng các thầy thuốc Bệnh xá Quân dân y Đoàn KT-QP 4 đi phun thuốc khử khuẩn, phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona gây ra và tuyên truyền cho cán bộ, nhân dân trên địa bàn xã Na Ngoi về cách phòng, chống dịch, chúng tôi mới thấy hết tình cảm, trách nhiệm của các anh dành cho người dân địa phương. Ông Mùa Dua Thái, Chủ tịch UBND xã Na Ngoi cho biết: “Không chỉ khi có dịch bệnh các thầy thuốc Đoàn KT-QP 4 mới xuống tuyên truyền, phun thuốc khử khuẩn mà đây là việc làm thường xuyên của các anh. Không những vậy, khi trên địa bàn có người ốm đau, bệnh tật, dù đêm tối, đường sá xa xôi, các anh cũng vẫn sẵn sàng vượt mọi khó khăn để kịp thời đến cứu chữa cho bà con...”.
Được biết, Khu KT-QP Kỳ Sơn nằm cách Bệnh viện Đa khoa huyện Kỳ Sơn khoảng 60km, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn; nhận thức về chăm sóc sức khỏe còn đơn giản nên người dân thường chủ quan. Đặc biệt, nơi đây còn tồn tại nhiều phong tục, tập quán lạc hậu, như: Ốm đau không đi khám, điều trị mà mời thầy cúng về “bắt bệnh”... Có không ít trường hợp khi nguy kịch mới đưa đến bệnh xá. Trường hợp cháu Xồng Y Dở, 3 tuổi, ở bản Huồi Xài, xã Na Ngoi là một dẫn chứng. Cháu bé bị viêm phổi cấp, gia đình mời thầy mo về cúng làm vía, nên bệnh tình càng nặng hơn, đến khi cháu bị suy hô hấp, toàn thân tím tái mới gọi các bác sĩ Đoàn KT-QP 4. Bằng tất cả tình cảm, trách nhiệm của mình, các anh kịp thời đến cứu chữa cho cháu qua cơn nguy kịch và đưa về bệnh xá tiếp tục điều trị...
Thượng úy, bác sĩ Nguyễn Phúc Quang, Bệnh xá trưởng chia sẻ: “Do điều kiện kinh tế còn khó khăn, phong tục tập quán lạc hậu, nên người dân địa phương ít quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe. Để giúp họ nâng cao ý thức chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, chúng tôi phân công cán bộ phụ trách từng địa bàn, thường xuyên phối hợp với cán bộ y tế cơ sở tuyên truyền, nắm chắc tình hình dịch bệnh, sức khỏe của nhân dân, sẵn sàng giúp đỡ bà con khi cần thiết... Khi người dân tin tưởng, họ đến khám, điều trị tại bệnh xá ngày càng đông. Đến nay, hơn 7.000 người có bảo hiểm y tế đăng ký KCB ban đầu tại bệnh xá”.
Cùng với việc khám, điều trị cho nhân dân tại bệnh xá, hằng tháng, đơn vị còn cử các tổ quân y về tận cơ sở, phối hợp cùng cán bộ y tế các xã tuyên truyền để mọi người thay đổi nếp sống lạc hậu, biết giữ vệ sinh khoa học, bài trừ mê tín dị đoan, các hủ tục lạc hậu; phòng, chống dịch bệnh, thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; chương trình dân số và kế hoạch hóa gia đình; tổ chức tẩm màn, phun thuốc phòng, chống muỗi, côn trùng cho các hộ gia đình. Nhờ đó, nhiều dịch bệnh, như: Sốt rét, tiêu chảy, cảm cúm... được khống chế, ngăn chặn. Ông Và Thò Tu, bản Thẳm Hín, xã Nậm Càn bộc bạch: “Cán bộ Đoàn KT-QP 4 thường xuyên đến tuyên truyền, hướng dẫn bà con chúng tôi về nếp sống vệ sinh, khoa học, không nuôi gia súc, gia cầm dưới sàn nhà; cách phát hiện các loại dịch bệnh, kịp thời báo cho cán bộ y tế bản... Nghe lời bộ đội nói, tập tục cúng bái chữa bệnh của người dân dần được xóa bỏ, khi gia đình có người bị đau ốm đã chủ động đưa đến trạm y tế xã, hoặc Bệnh xá Quân dân y Đoàn KT-QP 4 khám, điều trị”.
Từ khi có Bệnh xá Quân dân y Đoàn KT-QP 4, người dân trong Khu KT-QP khi ốm đau đều được các thầy thuốc ở đây khám, điều trị kịp thời. Chỉ tính riêng trong năm 2019, bệnh xá đã khám, tư vấn sức khỏe cho hơn 3.500 lượt người, nhận điều trị cho gần 2.000 lượt bệnh nhân; tuyên truyền, hướng dẫn ăn ở vệ sinh khoa học cho 500 hộ gia đình; khám, cấp phát thuốc miễn phí cho 2.000 lượt người; phun thuốc khử trùng, chống dịch 260.000m2; phối hợp với trạm y tế xã tiêm vắc xin cho 400 cháu... Đoàn KT-QP 4 nói chung, bệnh xá của đơn vị nói riêng trở thành điểm tựa cho chính quyền và nhân dân nơi biên cương của Tổ quốc.