'Địa chí sống' của Đồng Lộc một thời hoa lửa
'Địa chí sống' của Đồng Lộc một thời hoa lửa
Không biết tự bao giờ, ngôi nhà nhỏ của cựu TNXP Nguyễn Thị Hòe đã trở thành một địa chỉ quen thuộc với chúng tôi mỗi lần cần tư liệu cho những bài viết về Ngã ba Đồng Lộc. Trong ý nghĩ của chúng tôi, bà chính là một trong những trang “địa chí sống” về các lực lượng một thời chiến đấu ở vùng đất lửa.
Cựu TNXP Nguyễn Thị Hòe - tuy không phải là người được ghi nhớ bằng những chiến tích anh hùng nhưng với chúng tôi, quãng đời chiến đấu của bà ở Đồng Lộc, những hy sinh thầm lặng của bà cho cách mạng đã góp phần to lớn làm nên huyền thoại bất tử ở Đồng Lộc. Điều đặc biệt mà ít người biết là đơn vị của bà không phải là công binh hay pháo binh mà A5 do bà làm A trưởng chính là một trong 2 tiểu đội mũi nhọn (cùng với A3) ở chiến trường Đồng Lộc thuở ấy. Tháng bảy, trong ức triệu trái tim hướng về Đồng Lộc, chúng tôi lại được cùng bà trở lại chiến trường xưa để được sống lại không khí của những tháng ngày lịch sử hào hùng.
A5 mũi nhọn có 13 người, luôn luôn thường trực để sẵn sàng hỗ trợ các nhiệm vụ cần kíp. Quãng thời gian chiến đấu ở đường 15A, A của bác làm nhiều việc lắm, có khi là rà bom, có khi trực máy bay, khi lại đi đào đường, bốc vác hàng hóa... Chính vì thế, bác cùng các đồng đội trong A5 phối hợp thực hiện nhiệm vụ với rất nhiều lực lượng và hầu hết đều trong những hoàn cảnh hết sức cam go. Chính vì vậy mà bác chứng kiến rất nhiều sự hy sinh oanh liệt của đồng đội - bà Hòe kể.
"Hồi nớ Hòe xông pha, hăng hái lắm cháu ạ! A trưởng nên càng gương mẫu. Hòe đi đến đâu, cất tiếng hát ở đó nên anh em ai cũng quý mến. Hòe nhớ nhiều chuyện lắm, nhất là những chuyện hy sinh của đồng đội. Bác ở tiểu đội khác nhưng nhờ bác Hòe mà biết thêm rất nhiều chuyện” - cựu TNXP Bùi Thị Cúc, người đồng đội đi cùng bà Hòe trong chuyến trở lại Đồng Lộc chia sẻ.
Khi xe của chúng tôi ngang qua miền quê Can Lộc của Anh hùng LLVT Nhân dân Võ Triều Chung, bà kể lại rất rành rọt câu chuyện hy sinh của ông. Còn tôi thì nhớ lần viết bài về Anh hùng Võ Triều Chung khi ông được truy tặng danh hiệu anh hùng (năm 2015), bà có kể: “Liệt sỹ Võ Triều Chung hy sinh trong khi thực hiện một nhiệm vụ vô cùng quan trọng do Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quang Đạt chỉ đạo. Bởi thế, sau khi hòa bình lập lại, ông Đạt luôn trăn trở tìm lại gia quyến và mong muốn lập hồ sơ đề xuất truy tặng danh hiệu anh hùng cho đồng chí Võ Triều Chung. Tuy nhiên, tâm nguyện chưa thành thì ông Đạt từ trần. Sau đó, bác cùng đồng đội cũng tìm cách liên lạc với các đồng đội khác để tìm manh mối. May mắn, như được sự mách bảo của bác Chung, sau một cuộc điện thoại gọi về UBND xã Thuần Thiện, bác đã gặp được anh Võ Văn Chung - con trai liệt sỹ Võ Triều Chung. Và ngay sau đó là cuộc họp của các cựu TNXP C557 để lập hồ sơ cho liệt sỹ Võ Triều Chung diễn ra ngay tại nhà của bác. Bác nhớ rất rõ, hôm ấy ai nấy đều vui trào nước mắt”.
Dọc đường đi, bà kể cho chúng tôi nghe rất nhiều chuyện gắn với tên tuổi nhiều đồng đội cũ. Ai ở đâu, hy sinh như thế nào, bị thương ra sao, được chôn cất hay cứu chữa thế nào bà nhớ rất rõ. Trong đó có cả sự hy sinh của 10 cô gái trong Tiểu đội nữ TNXP do chị Nguyễn Thị Tần làm A trưởng. Giọng kể của bà lúc hào sảng, lúc trầm ngâm, có khi bà kể bằng những khoảng lặng, có khi lại bằng những vần thơ: “Đơn vị 557 vào sinh ra tử/ Các bạn hiền yên nghỉ bọc ni lông/ Tạm chôn đồng đội sơ sài/ Để kịp tiếp đạn ra ngoài tiền phương”…
Trong rất nhiều cái tên được bà nhắc đến, có một người mà cả bà Hòe lẫn bà Cúc đều tiếc nuối: “Lẽ ra phải phong anh hùng cho anh ấy”. Đó là liệt sỹ Lê Đăng Dương (ở Hương Bình, Hương khê). Theo lời bà Hòe kể: “Anh Dương là Tiểu đội trưởng Tiểu đội công binh (thuộc C7 - N55), buổi chiều hôm ấy, như mọi ngày, Mỹ dội bom xuống khu vực cầu Tối. Khi các lực lượng đang chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ rà phá bom thì người nhà anh Dương đến báo anh về để làm lễ truy điệu cho anh trai (là liệt sỹ vừa có giấy báo tử về địa phương). Nghe tin, anh Dương rất buồn nhưng vì đang còn rất nhiều quả bom chưa được rà phá nên anh quyết định nhắn với mẹ là sáng mai mới về. Ra trận địa, anh giành nơi nguy hiểm dưới ngầm cầu Tối để đi rải dây, còn bác thì rà bom ở khu vực xung quanh. Và rồi, chuyện đau lòng đã xảy ra sau một tiếng nổ. Chứng kiến cảnh đó, bác đau đớn vô cùng. Bây giờ mỗi lần nhắc lại càng thấy thương anh nhiều hơn”.
Năm 1968, sau khi Tổng thống Mỹ Zôn-xơn tuyên bố “xuống thang” (1/4/1968), ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra (từ Diễn Châu trở ra) thì QL 15A là mạch máu giao thông nối những đoàn xe từ Ninh Bình, Thanh Chương, Nam Đàn, Linh Cảm qua cống 19, ngầm Cơn Bạng, ngầm Tùng Cốc, cầu Tối, Ngã ba Đồng Lộc lên Truông Kén, ngã ba Nông trường Thạch Ngọc (cạnh Khe Giao) để vào Quảng Bình. Những địa điểm nằm trên tuyến đường 15A vì thế đều bị đánh phá ác liệt. Thời điểm đó, nhiều lực lượng từ các vùng khác được điều về để cùng nhau trấn giữ đường 15A. Trong đó, nữ TNXP Nguyễn Thị Hòe được điều từ Quảng Trị về C557 - N55 - P18 làm nhiệm vụ ở khu vực xung quanh Ngã ba Đồng Lộc. Khi đó bà Nguyễn Thị Hòe 19 tuổi.
Ở Quảng Trị, bác đã quen với sự ác liệt của chiến tranh song không phải chứng kiến nhiều sự hy sinh của đồng đội đến vậy. Thế nhưng, đóng quân tại vị trí ác liệt để thực hiện nhiệm vụ quan trọng nên tự mỗi người đều phải nâng cao ý thức, trau dồi bản lĩnh, tư tưởng và luôn xác định cái chết có thể đến với mình bất kỳ lúc nào. Hồi đó, các bác đều chiến đấu theo khẩu hiệu “Máu có thể chảy, tim có thể ngừng nhưng mạch máu giao thông không bao giờ tắc”. Chính vì thế, việc vừa chôn cất đồng đội xong lại phải nén đau thương đi làm nhiệm vụ là chuyện thường. Tiếc rằng, năm 1968, bác đã phải rời xa chiến trường Đồng Lộc do bị thương! - bà Hòe chia sẻ.
Cựu TNXP Nguyễn Thị Hòe bị thương trong một buổi chiều mùa hè năm 1968 (24/8) khi bà đang làm nhiệm vụ canh giữ giao điểm ở khu vực cầu Tùng Cốc. Lán của bà bị bỏ bom khiến cho nhiều đồng đội hy sinh. Bà Hòe chỉ kịp bắn 3 phát súng báo hiệu cho đơn vị rồi ngất đi trong đau đớn. Sau đó, bà được ông Vũ Quang Thành (Tổ máy gạt 1 - Cục Công trình 1 Bộ GTVT) tìm thấy và đưa đi cứu chữa.
“Nằm điều trị khi một chân đã phải cưa đi, Hòe vẫn rất yêu đời. Khi bị mọi người trêu là “chim sơn ca gãy chân rồi” thì Hòe vẫn hát “Em còn hát tốt anh ơi/ mến yêu anh lắm anh ơi/ yêu anh yêu cả cuộc đời chiến chinh” – đồng đội Bùi Thị Cúc nói xen vào.
Cựu TNXP Nguyễn Thị Hòe ngâm bài thơ “Nỗi nhớ trong tôi”.
20 tuổi đã trở thành thương binh, phải rời xa chiến trường, bác buồn lắm nhưng nghĩ lại mình còn sống thì còn có cơ hội cống hiến. Vì thế, sau khi điều trị lành lặn, bác đã xin trở lại làm công tác thủ kho. Năm 1973, sau khi được lắp chân giả, bác xin đi học quân y để trở về đơn vị chăm sóc, cứu chữa cho đồng đội - bà Hòe chia sẻ.
Trở lại chiến trường Đồng Lộc cùng đồng đội cũ cũng là người bạn già ở thị xã Hồng Lĩnh Bùi Thị Cúc, bao nhiêu câu chuyện ký ức cứ ùa về không dứt. Cả 2 bà đều đã có những tháng ngày chiến đấu oanh liệt nơi tuyến lửa Đồng Lộc. Giờ đây, những trận địa cũ đã xanh màu hòa bình, như cảm nghĩ về chiến tranh đã lắng dịu trong lòng 2 cựu TNXP vậy. Chỉ riêng ký ức của những năm tháng đó là vẫn còn nguyên vẹn.
“Bác nhớ rõ như vậy không phải để khắc sâu lòng căm thù, tội ác nào cũng cần được tha thứ nhưng sự hy sinh của đồng đội mình, cả một quãng đời tuổi trẻ tươi đẹp của mình thì cần phải nhớ để tri ân”. Tôi nghe lời bà trong nắng trưa Đồng Lộc và nghĩ đến căn phòng nhỏ của bà ở tổ dân phố Thuận Hồng, phường Đức Thuận (TX Hồng Lĩnh) với rất nhiều những bức ảnh ghi lại ký ức đó. Trong những bức ảnh đó, không có nỗi đau buồn, chỉ có những nụ cười tươi thắm, những đôi mắt tràn đầy niềm tin của bà cùng đồng đội chung lý tưởng. Như cách bà lặng lẽ đọc thơ mình bên tháp chuông Đồng Lộc: “Tiếng chuông Đồng Lộc ngân vang/ Lòng tôi nhớ phút sẵn sàng năm xưa/ Những ngày dãi nắng dầm mưa/ Những ngày tuổi trẻ thi đua thông đường…". Như cách bà bình thản tự bạch: “Tôi là cô gái xung phong/ Trong thời chống Mỹ tuổi hồng sục sôi/ Giờ đây tuổi tác cao rồi/ Nghỉ hưu cầm bút viết vài vần thơ”.
Chúng tôi đưa bà rời Đồng Lộc khi nắng đã rỏ vào mắt bà những giọt cay xè…
Đồng Lộc, tháng 7/2023