Địa chỉ tin cậy về đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Gần 4 năm qua, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên (GDNNGDTX) huyện Hải Lăng đã nỗ lực hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, đạt được nhiều kết quả trên các lĩnh vực. Trung tâm được đánh giá là đơn vị có nhiều sáng tạo, đột phá, nhiều cách làm hay, hiệu quả cao trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

 Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hải Lăng trao giấy chứng nhận cho các học viên hoàn thành khóa học đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Ảnh: MĐ

Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hải Lăng trao giấy chứng nhận cho các học viên hoàn thành khóa học đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Ảnh: MĐ

Anh Võ Văn Lập, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hải Lăng cho biết, trung tâm được thành lập theo Quyết định 940/QĐ-UBND ngày 6/5/2016 của UBND tỉnh từ việc sáp nhập Trung tâm dạy nghề tổng hợp, Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm kỹ thuật tổng hợp-hướng nghiệp công lập huyện Hải Lăng, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/7/2016. Xác định việc ổn định tổ chức bộ máy là nhiệm vụ quan trọng, then chốt, trung tâm đã nghiên cứu, tìm hiểu khả năng, năng lực, sở trường của từng người để bố trí, sắp xếp, sử dụng hợp lý, khoa học, hiệu quả; tạo mối quan hệ thân thiện, đoàn kết để làm tốt nhiệm vụ được giao. Hiện nay, trung tâm có 29 cán bộ, giáo viên, nhân viên có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Trung tâm tổ chức sắp xếp và bố trí cơ sở vật chất, trang thiết bị… theo các ngành nghề phù hợp và khoa học, phục vụ tốt việc quản lý, dạy học cho lao động nông thôn và học sinh tại 2 cơ sở, với diện tích đất gần 18.000m2.

Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm GDNN-GDTX huyện đã trở thành địa chỉ tin cậy của người lao động nông thôn về học nghề. Nét nổi bật và tạo được điểm nhấn trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Hải Lăng đó là trung tâm luôn tăng cường tuyên truyền sâu rộng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác đào tạo nghề khắp các vùng, miền trong toàn huyện; chủ động phát huy những kết quả đạt được, tìm những giải pháp hữu hiệu, nhanh chóng khắc phục những tồn tại, hạn chế trong những năm trước đây. Đặc biệt là chú ý từ khâu khảo sát nhu cầu, đăng ký học nghề của người dân; tùy thuộc tình hình đặc điểm cụ thể của từng vùng, từng địa phương để đề xuất lựa chọn nghề cần đào tạo cho phù hợp gắn với giải quyết việc làm tại chỗ sau đào tạo. Trong quá trình tổ chức thực hiện, trung tâm đã chủ động tham mưu UBND huyện để chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tiến hành rà soát nhu cầu của người dân học nghề gì, ở địa phương nào, giải quyết việc làm tại chỗ ra sao…

Trên cơ sở đó, các địa phương phối hợp với các tổ chức đoàn thể chủ động xây dựng kế hoạch, đăng ký với huyện về kế hoạch đào tạo nghề hằng năm một cách phù hợp, hiệu quả cao. Bên cạnh đó, trung tâm chủ động tham mưu UBND huyện chỉ đạo các địa phương thành lập và duy trì các tổ, nhóm hợp tác dịch vụ phát triển kinh tế. Theo thống kê, trung tâm đã tổ chức thành công 58 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, với số lượng 1.552 học viên tham gia, từ nguồn kinh phí của trung ương, địa phương. Trên 70% học viên sau khi hoàn thành các khóa học đã tìm được việc làm theo đúng ngành nghề đào tạo. Đối với các học viên khác là lao động đã có nghề nghiệp ở nông thôn, sau khi hoàn thành các khóa học đào tạo nghề, phần lớn tự tạo việc làm cho mình; trực tiếp áp dụng các kiến thức, kỹ năng vào sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nhân rộng các mô hình kinh tế đạt hiệu quả; hoặc tập hợp nhau lại để thành lập 15 tổ, nhóm dịch vụ, sửa chữa máy nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến món ăn, qua đó nâng cao thu nhập cho gia đình, giải quyết việc làm cho nhiều lao động khác ở địa phương.

Anh Lê Đức Duy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải Ba cho biết: “Những năm qua, xã Hải Ba phối hợp chặt chẽ với Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hải Lăng trong việc khảo sát nhu cầu và đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Chúng tôi đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, giáo viên, nhân viên của trung tâm trong thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động nông thôn. Với xã Hải Ba, đã có hàng trăm lao động được đào tạo nghề theo nhu cầu và giải quyết việc làm tại chỗ ở địa phương, nâng cao thu nhập gia đình. Trong đó nổi bật nhất sau khi đào tạo nghề đó là đã thành lập Tổ sửa chữa máy vận hành nông nghiệp xã Hải Ba với 7 thành viên, phục vụ tốt việc sửa chữa máy móc cho các thành viên trong tổ, đồng thời làm dịch vụ sửa chữa máy móc cho người dân trong, ngoài xã, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp ở địa phương”.

Một điểm nhấn nổi bật của trung tâm đó là thực hiện tốt lĩnh vực giáo dục thường xuyên. Trước khi sáp nhập, lĩnh vực giáo dục thường xuyên không có học sinh. Trước thực trạng đó, trung tâm tập trung làm tốt truyền thông về phân luồng học sinh. Hằng năm, trung tâm chủ động tổ chức triển khai truyền thông ở 1 xã điểm, sau đó triển khai đến các xã, thị trấn, 19 trường THCS, 3 trường THPT với chủ đề: “Chọn đúng nghề - sáng tương lai”, “Lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai”… Kết quả có hơn 6.000 phụ huynh, 7.000 học sinh tham gia; trên 95% học sinh khối 9 và khối 12 được truyền thông về phân luồng học sinh. Thông qua việc đẩy mạnh phân luồng học sinh đã từng bước tác động và nâng cao nhận thức của phụ huynh, học sinh và người dân về học nghề nhằm tránh lãng phí thời gian, chi phí cho học sinh, gia đình và xã hội; định hướng cho học sinh chủ động lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai phù hợp với hoàn cảnh và năng lực của các em và gia đình.

Từ việc làm tốt công tác phân luồng học sinh đã góp phần làm tốt công tác tuyển sinh học văn hóa. Qua 3 năm học, trung tâm đã tuyển sinh và dạy học 3 khối 10, 11 và 12, với số lượng trên 100 học sinh vừa học văn hóa, vừa học trung cấp nghề miễn phí tại trung tâm. Về công tác đào tạo nghề phổ thông, thực hiện quy trình chỉ đạo và các văn bản hướng dẫn của Sở GD&ĐT, trung tâm đã chỉ đạo thực hiện tốt lĩnh vực dạy nghề phổ thông THCS và THPT trên địa bàn huyện qua các năm. Trong đó, nổi bật là năm học 2019-2020, trung tâm đã mở 73 lớp đào tạo, với 2.102 học sinh bậc THCS, THPT tham gia.

Chị Phan Thị Thúy Hạnh, Tổ trưởng Tổ Giáo vụ Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hải Lăng cho biết thêm, một kết quả nổi bật của trung tâm từ khi thành lập đến nay đó là chủ động phối hợp, liên kết với Trung tâm GDTX tỉnh tổ chức 3 lớp đại học cho hơn 110 sinh viên; liên kết với Trường Cao đẳng nghề Quảng Bình, Cao đẳng nghề Huế, Cao đẳng nghề Nam Định, Trung cấp nghề Du lịch-Công nghệ Quảng Bình tổ chức 20 lớp trung cấp nghề miễn phí học cho hơn 600 học viên; liên kết với các đơn vị tổ chức ôn tập, thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cho gần 200 học viên. Bên cạnh đó, trung tâm còn phối hợp với Công ty TNHH Dệt may Vinatex quốc tế Toms tổ chức 4 lớp máy công nghiệp cho 146 học viên. Sau khi kết thúc khóa học, các học viên đã được công ty nhận vào làm việc. Từ những việc làm hiệu quả trên các lĩnh vực công tác, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hải Lăng đã đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng gắn với giải quyết việc làm tại chỗ, từng bước nâng cao đời sống cho người dân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội huyện Hải Lăng.

Minh Đức

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=146704