Địa danh Mỹ Thanh xưa và phường Khánh Hòa ngày nay
Theo nhiều bậc trưởng lão trong vùng kể lại: Khi chúa Nguyễn Ánh trên đường lánh nạn đã ghé và nghỉ lại, đóng quân ở khu vực Cồn Nóc, Xâm Pha (thuộc phường Lạc Hòa hôm nay).
Ngày nay ở vùng đất này còn di tích một nền đồn đắp bằng đất, có giếng nước. Vào những năm 90 của thế kỷ XX, một người dân nơi đây trong lúc đào giếng nước đã phát hiện vương miện. Người dân nơi đây cho rằng vương miện đó là của “Công chúa Mỹ Thanh”, một người con của chúa Nguyễn Ánh đã bị bệnh chết ở nơi đây, thi thể cũng được chôn cất ở khu vực này (tên làng xưa là làng Tân Khánh). Khi quân Tây Sơn truy kích tới đây, chúa Nguyễn Ánh buộc phải chạy tiếp, mộ của “Công chúa Mỹ Thanh” được giao lại cho một người Hoa tên là Yết trông coi.
Sau này, chúa Nguyễn Ánh tại vị trên ngôi Hoàng Đế, đã ban thưởng rất hậu cho cho Chú Yết và ban cho chức Tri Phủ được thu hoa lợi của tất cả cơ sở đánh bắt cá dọc theo vùng ven biển Vĩnh Châu. Tên của công chúa được đặt cho tên cửa sông và đoạn sông Cổ Cò, từ đó hình thành tên gọi cửa sông Mỹ Thanh và dòng sông Mỹ Thanh từ cửa sông đến Cổ Cò.
Ngày nay, nếu đứng ở xóm lưới Mỏ Ó (một xóm lưới khá sung túc với nghề đóng đáy, đi ghe cào) nhìn sang khu vực Xâm Pha ta thấy một ngôi cổ miếu (tương truyền là miếu thờ Công chúa Mỹ Thanh). Ở khu vực cát giồng phía trong tập trung đông đảo người Hoa sinh sống và rất giỏi nghề làm rẫy với sản phẩm chủ lực là hành tím, các loại rau, đậu, củ… gần cửa Mỹ Thanh còn có khu du lịch Hồ Bể - là một vũng (hồ) nhỏ lùi sâu vào đất liền nằm gần cửa sông Mỹ Thanh. Hồ này được tạo thành chủ yếu là cát trắng bồi đắp và những đụn cát trắng này thay đổi theo mùa gió và sóng biển. Vào mùa nồm Nam, những vành đai vươn ra phía biển và có xu hướng đóng lại khi càng ra phía ngoài. Điều đó lý giải là do nguồn nước từ sông Hậu đổ xuống mang theo phù sa bồi đắp và sóng biển chạy dọc từ hướng bãi Trà Sết lên tạo thành.
Đến mùa gió chướng (gió Bấc về vào cuối tháng 9 đầu tháng 10 âm lịch), lúc này những con sóng lớn, tấp nập ập vào từ hướng Bắc xuống, cộng với nước triều cường làm vỡ những vành hồ bên ngoài vừa được tạo lập trước đó trong mùa nồm Nam. Mặt hồ lại được mở rộng hơn trước, có lẽ đây chính là điều làm nên địa danh “Hồ Bể”. Khi ấy muốn ra Hồ Bể phải vượt qua những gò cát trắng lớn mới ra được bãi biển. Phía trong những dòng cát này, người Hoa, người Khmer trồng rất nhiều cây thuốc cá – loại cây có giá trị kinh tế khá cao.
Phường Khánh Hòa hôm nay có 11 khóm, trên 2.800 hộ sinh sống. Người dân Khánh Hòa từng bước vươn lên trong cuộc sống, đời sống sung túc hơn. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phường Khánh Hòa phát huy lợi thế, tiềm năng sẵn có để hướng đến phát triển du lịch, thu hút du khách trong và ngoài tỉnh.