Địa danh Vĩnh Lợi xưa và nay

Vĩnh Lợi ngày nay là một xã thuộc huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng, có vị trí gần như trung tâm của huyện, phía Bắc giáp xã Tân Long (thuộc TX. Ngã Năm), phía Đông giáp xã Vĩnh Hưng (thuộc huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu), phía Nam giáp xã Châu Hưng, phía Tây giáp xã Mỹ Quới (thuộc TX. Ngã Năm).

Trước thế kỷ XIX, Vĩnh Lợi là vùng đất hoang vu của rừng biển miền Tây, giáp với Bạc Liêu và Cà Mau - vùng đất cuối cùng màu mỡ phù sa của Tổ quốc nên Vĩnh Lợi có nhiều sông ngòi chằng chịt với hệ động, thực vật khá phong phú; nhiều rừng cây biển bồi, nhiều thú dữ, hùm beo, voi tượng…

Vào nửa sau thế kỷ XVII, một bộ phận người Việt và Hoa đã di cư xuống phía Nam sinh sống. Đến thế kỷ XIX, đa số những người nông dân sống cảnh nghèo khó và phải chịu sự áp bức, bóc lột của bọn cường hào ác bá dưới chế độ phong kiến nên nhân dân các nơi như: Tiền Giang, Cai Lậy, Vĩnh Long, Trà Vinh… đã từ từ di cư xuống vùng đất Vĩnh Lợi khai hoang, lập nghiệp. Dù bước đầu gặp rất nhiều khó khăn nhưng với truyền thống cần cù, siêng năng của người Việt Nam, họ đã từng bước khắc phục khó khăn, phá rừng, khai hoang, mở mang ruộng đất để cấy trồng, sản xuất, làm ra lúa gạo nuôi sống gia đình. Cứ thế, số người xuống trước làm và kiếm sống được rồi lần lượt về quê cũ rủ anh em, dòng họ xuống tiếp tục khẩn đất, phá rừng khai hoang.

Do ở nơi đây đất rộng, người thưa nên dân cư đến phải sống tập trung ăn ở từng cụm, từng xóm để có sự giúp đỡ lẫn nhau khi bệnh hoạn, ốm đau, đồng thời chống lại hùm beo, thú dữ. Vì thế, cho đến nay còn nhiều địa danh như: Chòm 1, Chòm Kiến, Ba Tẻo, Bào Cỏ Xước, Lò Than, Cây Khô, Đồng Lớn…

Vào năm 1905, chính quyền thực dân Pháp tách làng Vĩnh Quới ra để thành lập thêm một số làng trong vùng. Cũng trong năm 1905, làng Vĩnh Lợi được thành lập gồm 4 ấp: Vĩnh Thanh; Vĩnh Thành; Vĩnh Thạnh và Vĩnh Trị. Khi mới thành lập, làng Vĩnh Lợi thuộc quận Phước Long, tỉnh Rạch Giá. Dưới thời phong kiến, Vĩnh Lợi là vùng đất mới khai khẩn nên có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp. Do đó, bọn quan lại địa chủ và thực dân Pháp đổ xô vào vùng đất này, chúng dùng mọi thủ đoạn để cướp đất của nông dân, biến họ thành những tá điền rồi tập trung bóc lột sức lao động và vơ vét của cải của họ.

Bọn tề làng lúc bấy giờ như tên Hương Quản Hạp, Lâm Ngọc Nhiễu, Mã Thành Đắc cai quản, thu các nguồn thuế, quản lý nhân hộ khẩu, xử lý công việc như bộ máy chính quyền, ngoài ra còn các chức danh Hương Thân, Hương Hào, Chánh Lục Bộ, Cai Tuần, Phó Xã, Chủ Ấp…

Trong thời kháng chiến, Vĩnh Lợi là một trong những căn cứ cách mạng quan trọng của huyện, của tỉnh và là nơi nuôi chứa cán bộ hoạt động cách mạng trong suốt hai thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ. Vào tháng 7-1945, Chi bộ Đảng của xã Vĩnh Lợi được thành lập, đã lãnh đạo nhân dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng, nhân dân Vĩnh Lợi được cấp đất sản xuất, được hưởng nhiều quyền lợi chính đáng do chính quyền cách mạng đem lại, càng hăng hái bắt tay vào công cuộc khôi phục kinh tế, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ chế độ mới…

Trong suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp và 21 năm kháng chiến chống Mỹ, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Lợi lập nhiều chiến công hiển hách nên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang.

Tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc và lớp người đi trước, ngày nay nhân dân, Đảng bộ, chính quyền xã Vĩnh Lợi vững bước trong công cuộc đổi mới, xây dựng thành công xã nông thôn mới, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đời sống nhân dân từng bước nâng cao, xua tan nỗi cơ cực thuở nào, một cuộc sống dân chủ, văn minh, nghĩa tình đã tỏa sáng khắp làng quê Vĩnh Lợi hôm nay và mai sau.

LÊ TRÚC VINH

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/soc-trang-que-toi/dia-danh-vinh-loi-xua-va-nay-41673.html