Địa đạo và sức mạnh lòng dân

Trong kháng chiến, do nằm sát với căn cứ của Mỹ ở Chu Lai (Quảng Nam), nên khu đông Bình Sơn trở thành chiến địa ác liệt. Dù vậy, người dân nơi đây vẫn trung kiên bám trụ, một lòng theo Đảng, tạo phòng tuyến đánh địch bằng hệ thống công sự, địa đạo liên hoàn.

Những ngày cuối tháng Tư này, chúng tôi có dịp theo chân các cụ cao niên là những du kích năm xưa về thăm địa đạo Đám Toái, ở thôn Phú Quý, xã Bình Châu. Hướng mắt về lối vào địa đạo, cụ Nguyễn Khắc Thơ (84 tuổi) cho biết vẫn còn nhớ như in những ngách bí mật bên trong địa đạo.

Cụ Nguyễn Khắc Thơ, ở thôn Phú Quý, xã Bình Châu (Bình Sơn) bên hầm địa đạo Đám Toái. ẢNH: TRUNG ÂN

Cụ Thơ kể: Những năm kháng chiến, nhân dân địa phương đã hình thành những đường hầm bí mật làm nơi tránh bom và trú ẩn ở địa đạo Đám Toái, kết nối với các địa đạo thuộc thôn Châu Thuận, thôn An Hải hình thành hệ thống địa đạo liên hoàn dài gần 4km, chạy dọc vùng đồi thấp ven biển xã Bình Châu.

Sau chiến thắng vang dội ở Ba Gia (Sơn Tịnh), lực lượng của ta liên tục tấn công quân Mỹ từ các hướng, tạo nên vành đai diệt Mỹ bao vây khu vực phía nam của căn cứ Chu Lai, làm cho quân địch ngày càng hoang mang. Do đó, quân đội Mỹ cùng với lính Nam Triều Tiên và ngụy quân Sài Gòn thiết lập nhiều đồn bốt, tăng cường hỏa lực, liên tục đánh phá, phong tỏa các đường liên lạc giữa trận địa đồng bằng và căn cứ ở miền núi của ta.

Nhằm đối phó với âm mưu của địch, các lực lượng vũ trang trong khu vực vành đai đã tận dụng nhân tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân và hình thành phòng tuyến vững chắc. Các căn cứ lõm, trận địa làng, xã chiến đấu liên hoàn với nhau bằng mạng lưới đường dây liên lạc từ trong ra ngoài và ngược lại. Hệ thống công sự, địa đạo được xây dựng thành nhiều tuyến nối liền từ thôn này sang thôn khác, xã này sang xã khác, với tổng chiều dài hơn 70km. Hào chiến đấu ở nhiều xã rộng 3m, sâu 1,5m và có nhiều ngách bí mật.

“Những năm tháng ấy, phong trào đào địa đạo ở các xã phía đông Bình Sơn phát triển rầm rộ. Già trẻ, gái trai hăng hái tham gia kiến tạo đường hầm đánh giặc. Hệ thống giao thông hào, địa đạo được xây dựng đảm bảo cho lực lượng tại chỗ và các lực lượng khác trụ bám, cơ động đánh địch trên nhiều hướng, nhiều phía, đảm bảo dài ngày”, cụ Thơ cho hay.

Ngoài địa đạo Đám Toái ở xã Bình Châu còn có địa đạo An Thới, địa đạo Hải Nam (Bình Hải), địa đạo Tuyết Diêm (Bình Thuận). Điều kỳ diệu là cuộc sống trong lòng địa đạo vẫn tồn tại suốt nhiều năm. Ông Nguyễn Văn Thiện (65 tuổi), ở thôn Vạn Tường, xã Bình Hải nhớ lại: Những lúc địch đi càn, người dân lại xuống địa đạo để ẩn nấp. Địa đạo không chỉ bảo toàn tính mạng con người và tài sản của nhân dân, mà còn là nơi chữa trị cho thương binh. Mọi người yêu thương, đùm bọc nhau như người một nhà.

TRUNG ÂN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2023/202105/dia-dao-va-suc-manh-long-dan-3055068/