Địa đạo Vịnh Mốc - Huyền thoại sống trong lòng miền 'đất lửa'

Tại thôn Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch (nay là xã Kim Thạch), huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị có một 'lâu đài cổ dưới lòng đất' với rất nhiều độc đáo; gắn với cuộc sống và cuộc chiến của người dân vùng 'đất lửa' Quảng Trị. Địa đạo Vịnh Mốc không chỉ là di tích quốc gia đặc biệt, mà còn là một điểm đến du lịch độc đáo, hấp dẫn, thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu.

Đông đảo khách nước ngoài đến tham quan, tìm hiểu về Di tích quốc gia đặc biệt Địa đạo Vịnh Mốc. Ảnh: PV

Đông đảo khách nước ngoài đến tham quan, tìm hiểu về Di tích quốc gia đặc biệt Địa đạo Vịnh Mốc. Ảnh: PV

Khám phá “lâu đài cổ dưới lòng đất”

Ngược TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị khoảng 30km về phía Bắc, chúng tôi đến với Vĩnh Linh - một vùng đất gắn với truyền thống anh hùng cách mạng kiên cường, bất khuất. Là địa phương ven biển, nhưng Vĩnh Linh lại được thiên nhiên ưu ái vì có nguồn đất đỏ bazan màu mỡ. Dọc đường đi là những cánh rừng cao su bạt ngàn, những vườn tiêu trĩu quả. Mặc cho cái nắng tháng 4 như đổ lửa, một màu xanh mướt của cây trái, hoa cỏ vẫn bao trùm vùng đất này.

Theo chân hướng dẫn viên Trung tâm Quản lý di tích và bảo tàng tỉnh Quảng Trị, chúng tôi khám phá một phần “lâu đài cổ dưới lòng đất” - địa đạo Vịnh Mốc. Địa đạo Vịnh Mốc được khởi đào từ năm 1965, đến năm 1967 hoàn thành. Công trình nằm trên một quả đồi đất đỏ bazan, với tổng diện tích khoảng 7ha, giáp với biển. Đây là công trình có sự kết hợp của hệ thống địa đạo Nhân dân thôn Vịnh Mốc, thôn Sơn Hạ và địa đạo Đồn công an vũ trang 140, nối thông với nhau thành một hệ thống liên hoàn, khép kín, được gọi chung là Làng hầm Vĩnh Linh.

Địa đạo Vịnh Mốc được bài trí như một ngôi làng thu nhỏ dưới lòng đất, với 13 cửa ra vào; trong đó có 6 cửa được thông lên đồi cao và 7 cửa thông ra biển. Địa đạo được cấu trúc gồm 3 tầng: tầng 1 có độ sâu cách mặt đất từ 8-10m, gồm 81 “căn hộ”, là nơi sinh sống chủ yếu của người dân. Đây là những hóc đất được khoét sâu để tạo một không gian sinh hoạt cho các gia đình. Những “căn hộ” này rất nhỏ, chỉ đủ chỗ sinh hoạt cho một gia đình từ 2-4 người. Tầng 2 cách mặt đất từ 12-15m, được bố trí trụ sở đảng ủy, ủy ban hành chính, xã đội và hội trường sinh hoạt chung, với sức chứa từ 50-60 người. Tầng 3 cách mặt đất từ 20-23m, là kho chứa lương thực, vũ khí.

Ngoài địa đạo Vịnh Mốc, toàn huyện Vĩnh Linh còn có hơn 113 làng hầm; một hệ thống giao thông hào với tổng chiều dài hơn 2.000km, nối thông các làng hầm, địa đạo để tạo thành một hệ thống làng hầm liên hoàn trong lòng đất. Trong những năm kháng chiến, từ địa đạo này, người dân Vĩnh Linh đã chuyển cho đảo Cồn Cỏ 1.150 tấn hàng với 43 lần xuất kích và 3.350 tấn hàng hóa, vũ khí cho miền Nam.

Ở dưới lòng địa đạo Vịnh Mốc từ năm 1968-1972, có 17 em bé được sinh ra. Ảnh: NGÔ XUÂN

Ở dưới lòng địa đạo Vịnh Mốc từ năm 1968-1972, có 17 em bé được sinh ra. Ảnh: NGÔ XUÂN

Biểu tượng của Chiến tranh Nhân dân

Trong cuộc chiến tranh phá hoại của chính quyền Mỹ ngụy, Vĩnh Linh trở thành mục tiêu hủy diệt, và là nơi thử nghiệm của rất nhiều loại vũ khí chiến tranh. Trên vùng đất này, với một diện tích chỉ khoảng 820km2, đế quốc Mỹ đã dội xuống hơn 700.000 tấn bom đạn. Tính bình quân, mỗi người dân Vĩnh Linh phải gánh chịu khoảng 7 tấn bom cùng với 800 quả đạn pháo. Hậu quả là những làng xóm trù phú, những công trình, làng mạc đều bị san bằng. Thế nhưng, những đau thương ấy cũng không thể khuất phục được ý chí kiên cường và nghị lực, quyết tâm chiến đấu và chiến thắng của Nhân dân Vĩnh Linh.

Địa đạo Vịnh Mốc là một công trình độc đáo, một biểu tượng của chiến tranh nhân dân Việt Nam. Đây là công trình tiêu biểu cho ý chí quật cường, không chịu lùi bước trước kẻ thù xâm lược của Nhân dân ta.

Để tránh mưa bom, bão đạn, địa đạo Vịnh Mốc được chính quyền và Nhân dân Vịnh Mốc lên ý tưởng và thực hiện trong thời gian từ năm 1965-1967. Chỉ bằng những dụng cụ đào thô sơ, cùng với hơn 18.000 ngày công được huy động, quân và dân Vịnh Mốc đã đào được hệ thống làng hầm 3 tầng, dài 2.034m, với đầy đủ cơ sở hạ tầng thiết yếu cho cuộc sống sinh hoạt của người dân cũng như phục vụ cho nhiệm vụ tiếp tế lương thực, đạn dược cho chiến trường miền Nam.

Có thể thấy, địa đạo Vịnh Mốc là công trình được tạo dựng bằng sức lực và trí tuệ của quân và dân Quảng Trị. Những năm tháng ấy, trên bầu trời, quân đội Mỹ vẫn ngày đêm rải bom, cày xới từng tấc đất, tàn diệt từng nhánh cây, ngọn cỏ. Thế nhưng, ẩn sâu dưới lòng đất, cuộc sống của người dân Vịnh Mốc vẫn âm thầm sinh sôi, nảy nở. Quân và dân Vịnh Mốc vẫn kiên cường bám đất bám làng; tập kết vận chuyển vũ khí, lương thực, cấp cứu thương binh, chi viện cho tiền tuyến… Trong gần 2.000 ngày đêm trong lòng địa đạo, quân và dân Vĩnh Linh đã tạo nên một huyền thoại về sức sống kỳ diệu và ý chí quả cảm của con người. Tại địa đạo Vịnh Mốc có 17 đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời ngay trong lòng đất.

Nơi giáo dục truyền thống cách mạng

Sau giải phóng, Làng địa đạo Vịnh Mốc được Đảng, Nhà nước 2 lần tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân. Năm 2014, địa đạo Vịnh Mốc được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Không đơn thuần là di tích quốc gia đặc biệt, Địa đạo Vịnh Mốc nói riêng và làng hầm Vĩnh Linh nói chung còn là một công trình kiến trúc vĩ đại dưới lòng đất, mang tính khoa học và nghệ thuật, văn hóa độc đáo, thể hiện trí tuệ và nghị lực phi thường của người dân Vĩnh Linh. Đây cũng là minh chứng sống động cho tinh thần yêu nước kiên cường, bất khuất và sự sáng tạo vô hạn của Nhân dân ta trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt, có ý nghĩa lớn lao trong việc giáo dục truyền thống yêu nước cách mạng cho thế hệ trẻ.

Ngày nay, địa đạo Vịnh Mốc trở thành điểm tham quan, tìm hiểu, tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống đấu tranh cách mạng, sức mạnh đoàn kết, sự sáng tạo của Nhân dân trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Rất nhiều đoàn tham quan, nhiều khách du lịch ở trong và ngoài nước đã đến với địa đạo Vịnh Mốc. Rất nhiều đoàn học sinh, sinh viên từ các nơi cũng về đây để được tận mắt chứng kiến những khó khăn, gian khổ, cũng như tìm hiểu về cuộc sống và ý chí kiên cường, bất khuất của người dân Quảng Trị trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Đến tham quan địa đạo Vịnh Mốc, anh Nguyễn Công Thành (ở Hà Nội), xúc động chia sẻ: Nếu không trực tiếp đến tham quan, tìm hiểu và được nghe giới thiệu, chắc chẳng ai có thể hình dung được chỉ với những cây cuốc, cây xẻng, những công cụ vô cùng thô sơ mà ông cha ta có thể tạo được một công trình kỳ vỹ như vậy. Trong một giai đoạn quá khốc liệt của chiến tranh tàn phá, việc tồn tại tưởng chừng đã rất khó khăn, nhưng người dân Quảng Trị còn kiên cường chiến đấu và góp phần làm nên chiến thắng lịch sử của cả nước. Lần sau, tôi sẽ trở lại Vịnh Mốc cùng gia đình, để các con được hiểu về truyền thống anh hùng cách mạng của ông cha mình, biết quý trọng nền hòa bình, độc lập của dân tộc.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/xa-hoi/202504/dia-dao-vinh-moc-huyen-thoai-song-trong-long-mien-dat-lua-84e4bdb/