'Địa ngục' trong động tối ở Malaysia
Tôi đến Kuala Lumpur lần thứ 5 thì bắt đầu thấy nản, cảm giác háo hức không còn. Quanh đi quẩn lại ra quảng trường, nhà thờ Hồi giáo trung tâm, tượng đài quốc gia, tháp đôi Petronas và Indian Town. Lần này phía Hội đồng Anh Malaysia mời tôi sang dự Hội nghị Nhà văn Quốc tế Edinburg…
Vị trí đẹp nhất Kuala Lumpur khi màn đêm buông xuống
Suốt 5 ngày tôi chỉ quanh quẩn trong khách sạn DoubleTree Hilton ở đường Tun Rajak để xem lại các tài liệu. Tôi có cậu bạn người Indonesia là Varasky làm việc lâu năm ở Thủ đô Kuala Lumpur. Đến ngày thứ 3 thì cậu xuất hiện và dẫn chúng tôi đi chơi tối ở khu Bukit Bintang - một quận mua sắm náo nhiệt nhất Thủ đô với những trung tâm thương mại lớn, chợ đêm, bar, cà phê và những người Thổ Nhĩ Kỳ đứng bán kem vỉa hè. Tối hôm ấy đúng Tuần lễ thời trang Kuala Lumpur, nghe chừng lại càng tấp nập những người trẻ đến xem show diễn ngay trong Plaza.
Tôi cũng đã đến Bukit Bintang vài lần và hình như tới một chừng nào đó thì bắt đầu thấy ngại những chỗ đông người. Varasky giờ đã thành “thổ dân” ở Kuala Lumpur. Từ quận Bukit Bintang, cậu dẫn chúng tôi đi lòng vòng xuyên qua những trung tâm thương mại, trèo lên các cầu vượt đường bộ rồi đến lúc tôi hầu như thốt lên: “Tớ có khả năng trả tiền taxi mà” thì đã thấy mình đứng trên một bãi cỏ rộng rãi và tòa tháp đôi đang lấp lánh trước mặt. Petronas về đêm, khi nhìn cận cảnh có một vẻ đẹp riêng lộng lẫy, huy hoàng trên nền trời đen thẫm.
Đó là mặt sau của tòa tháp, mà phàm dân du lịch thuần túy thì chẳng bao giờ biết đường lặn lội ra đây vào ban đêm. Đây là vị trí đẹp nhất Kuala Lumpur khi màn đêm buông xuống, có lẽ vì thế mà khu vực hồ phun nước và đảo nhân tạo ở dưới chân tháp đông kín người. Họ ngồi trên những bãi cỏ thoai thoải mờ ảo sau đài phun lấp lánh và phía bầu trời cao là hai tòa tháp sáng rực ánh đèn. Từ đấy tôi có thể đi bộ xuyên qua trung tâm thương mại Suria dưới tầng trệt của Petronas để bắt tàu điện ngầm trở về khách sạn, chỉ qua một ga là đã tới Jalan Tun Razak, nơi tôi có thể nhìn thấy 2 ngọn tháp nếu đứng trước cửa khách sạn.
Động Batu: Địa chỉ lui tới của khách thập phương và khỉ
Nghĩ mãi, Varasky mới tìm được cho tôi một điểm tham quan không quá xa trung tâm là động Batu, nếu đi từ khách sạn thì mất 40 cây số. Varasky gạ được một cậu đồng nghiệp tên Victor đi cùng. Victor có ô tô, cậu cũng dân công nghệ, người Malaysia gốc Hoa, Varasky người Indonesia cũng gốc Hoa, còn tôi và cô bạn đồng nghiệp đi cùng người Việt gốc… Việt. Chúng tôi nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh. Varasky cả ngày chẳng “nặn” được một câu còn Victor nói luôn miệng.
Ngay từ khi vào bãi đậu xe, Victor đã lo lắng nhắc chúng tôi để túi xách lại trong xe, đề phòng khỉ… “ăn cướp”. Batu là một khu vực núi đá vôi có quần thể hang động và các khu đền Hindu bên trong lòng hang. Động Batu lúc nào cũng đông nượp khách thập phương và khỉ. Ngay trước cửa động là tượng thần Murugan vàng rực cao 43m, từ đó leo lên cửa hang phải qua 300 bậc thang dốc đứng. Khỉ to khỉ nhỏ đứng ngồi lố nhố trên những bậc thang, sẵn sàng rình mò cướp bóc của du khách bất cứ thứ gì chúng thích, hoặc rượt đuổi bắt nạt lũ trẻ khiến con nít sợ chết khiếp.
Nhà văn Di Li
“Tour Giáo dục”
Lòng hang rộng rãi và vuông vắn như một trung tâm triển lãm với rất nhiều ngôi đền Hindu nhỏ xíu. Ngách bên cạnh là Động Tối (Dark Cave). Ở đó họ bán “Tour Giáo dục” với giá 35 Ringhit (250.000 đồng) cho khách nước ngoài. Khách mua tour sẽ được đội mũ bảo hiểm và tham quan lòng động trong vòng 45 phút, có hướng dẫn viên đi theo. Gọi là “Tour Giáo dục” vì khách sẽ được tìm hiểu loài nhện quý hiếm nhất thế giới (Liphistius Batuensis) và những động vật từ thời tiền sử có tuổi đời 100 triệu năm. Cậu bé hướng dẫn áng chừng vẫn còn đang đi học, nói tiếng Anh như gió, hướng dẫn chúng tôi xếp hàng một để đi vào lòng hang tối om.
Cậu nhắc nhở nghiêm túc rằng chúng tôi không được quay phim, chụp ảnh, tự ý chiếu đèn pin, gây tiếng ồn hoặc đi chệch khỏi lối mòn dành cho du khách. Đó là trách nhiệm bảo vệ động vật quý trong hang, vì ánh đèn flash sẽ khiến chúng sợ mà trốn đi mất. Tất cả những long trọng ấy khiến tôi hồi hộp. Tuy nhiên, những động vật tiền sử thực ra chỉ là các loại rắn rết, nhện nhiều chân… nhỏ tí xíu đến nỗi mắt thường khó mà phát hiện ra. Còn dơi thì chỉ có thể nghe tiếng đập cánh đâu đó trên những vách trần bí ẩn trong bóng tối. Cuối cùng chúng tôi toàn tham quan động vật tiền sử qua… ảnh.
Cậu “tour guide” có một tập ảnh chụp. Cậu chiếu đèn pin và thuyết minh cho khách qua những tấm ảnh để khách thêm hiểu biết. Cũng không có gì đặc biệt, nhưng cách hướng dẫn bài bản và sự di chuyển trật tự trong hang, dù rất đông khách trên một lối mòn chật hẹp, khiến tôi nể người Malaysia vô cùng chuyên nghiệp trong dịch vụ du lịch. Một hang động không có gì đáng kể so với Phong Nha, Bích Động, Hạ Long…, vậy mà khiến khách bỏ không ít tiền túi để mua vé nhưng không chút phàn nàn.
Cảm giác của mù lòa, của hư vô, của địa ngục…
Đến một khúc quanh trong động, cậu hướng dẫn hô chúng tôi tắt hết đèn pin, bảo chúng tôi giữ im lặng tuyệt đối, để cậu sẽ cho chúng tôi xem cái này hay lắm, và cuối cùng, cũng tắt nốt cái đèn pin sáng choang vẫn treo trên trán. Khách ồ lên kinh ngạc, choáng váng và sợ hãi, khi tấm màn đen kịt buông kín mắt. Chưa bao giờ tôi thấy bóng tối đặc quánh nhường ấy, ngay cả khi chui vào chăn giữa đêm đông, cũng chưa bao giờ tôi thấy không gian yên tĩnh đến vậy, dù có vào phòng thu cách âm của đài phát thanh.
Đây là nơi kín đáo nhất trong lòng động, không một tia sáng yếu ớt nào có thể len lỏi qua những vách đá hàng triệu năm, không âm thanh nào lọt tới đây từ vách động bên kia, không tiếng đập cánh hoang dã của loài dơi, không tiếng côn trùng lết trên nền đất lạnh, không cả tiếng rỉ giọt của nước rơi từ nhũ đá, không mùi không vị, dù là mùi hơi nước hay ẩm mốc. Đó là cảm giác của mù lòa, của hư vô, của địa ngục, của sự mất hoàn toàn các giác quan.
Ví thử bị lạc trong đường hầm bóng tối này thì bất kỳ ai cũng đều nghẹt thở vì sợ hãi. Và sẽ phát điên lên sau vài tiếng đồng hồ. Động Tối. Đó là lý do tại sao nó có tên như vậy. Nhưng chúng tôi cũng chỉ được nếm trải cảm giác thực tế của “phim kinh dị” có vài chục giây. Sau đó đèn bật, tiếng ầm ào nổi lên và cậu hướng dẫn lại liến thoắng như lúc đầu, nhắc nhở chúng tôi xếp gọn thành hàng một bên lề trái. Rõ rồi, vì đâu đó trước mặt cũng có tiếng ầm ào, và nhộn nhịp tiếng chân người bước qua, cũng đi hàng một bên lề trái. Chúng tôi trật tự đến nỗi chẳng ai chạm vào nhau trên một lối mòn rộng chừng một mét. Người xứ họ, giữ trật tự ngay cả trong bóng tối và nơi hoang dã tiền sử.
Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/dia-nguc-trong-dong-toi-o-malaysia/837905.antd