Địa phương cùng xử lý xe ''dù'', bến ''cóc''

Ngày 19-3-2021, Báo Hànôịmới đã đăng bài viết: 'Xử lý xe 'dù', bến 'cóc': Có quá khó?', phản ánh tình trạng xe 'dù', bến 'cóc' trên địa bàn thành phố Hà Nội có chiều hướng gia tăng, gây mất trật tự, an toàn giao thông. Để tiếp tục làm rõ hơn vấn đề này, trong đó đề cập đến trách nhiệm của chính quyền địa phương cùng xử lý xe 'dù', bến 'cóc', phóng viên Báo Hànôịmới đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Đào Việt Long.

Lực lượng chức năng quận Hai Bà Trưng kiểm tra xe khách dừng, đỗ trái phép trên đường Trần Khát Chân. Ảnh: Lê Minh

- Ông đánh giá thế nào về tình trạng xe “dù”, bến “cóc”, xe khách trá hình hiện nay trên địa bàn Thủ đô?

- Tình trạng xe “dù”, bến “cóc”, xe khách trá hình đang tồn tại và có diễn biến phức tạp tại Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước. Đặc biệt, vào dịp cuối năm, lễ hội, khi nhu cầu đi lại của người dân tăng cao thì số lượng phương tiện, tần suất chạy xe càng có chiều hướng vi phạm nhiều lên. Các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn nhằm đối phó với lực lượng chức năng.

- Lực lượng chức năng đã liên tục kiểm tra, xử lý, song vẫn chưa thể giải quyết tận gốc nạn xe “dù”, bến “cóc”. Theo ông, đâu là nguyên nhân?

- Về nguyên nhân chủ quan, tâm lý của hành khách khi sử dụng dịch vụ vận tải phải đáp ứng 3 tiêu chí cơ bản: Thuận tiện, giá cả phù hợp và chất lượng dịch vụ. Thực tế, ở cả 3 tiêu chí này, xe khách tuyến cố định chưa thực sự thu hút hành khách. Các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định còn chưa chú trọng đến việc đầu tư đổi mới phương tiện, nâng cao chất lượng dịch vụ nên hành khách có tâm lý e ngại.

Trong khi đó, việc phát hiện, kiểm tra, xử lý vi phạm của một bộ phận cán bộ thực thi công vụ, chính quyền địa phương còn chưa triệt để. Một số địa bàn chưa kịp thời rà soát, phát hiện các địa điểm phức tạp, tuyến đường trọng điểm và phương tiện thường xuyên vi phạm hoặc tái phạm. Nhiều nhà xe sử dụng các đối tượng xe ôm để chèo kéo khách và cảnh báo khi xuất hiện lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm.

Về nguyên nhân khách quan, hạ tầng bến xe của Thủ đô còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Cùng với đó, việc áp dụng khoa học, công nghệ trong nhận diện, cảnh báo đối với một số hành vi vi phạm như chạy sai hành trình, đón trả khách sai quy định... để phạt “nguội” còn hạn chế.

- Ông có thể cho biết, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đã có những giải pháp gì để tăng cường xử lý xe “dù”, bến “cóc”?

- Thời gian qua, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp như: Điều chỉnh, tổ chức lại giao thông, hành trình hoạt động của các tuyến xe khách cho phù hợp với điều kiện hạ tầng. Đặc biệt, sau khi hoàn thành sửa chữa cầu Thăng Long (ngày 7-1-2021), Sở đã thực hiện phân luồng các phương tiện xe khách không được chạy trên đường Vành đai 3 dưới thấp để hạn chế ùn tắc. Đồng thời, chỉ đạo Thanh tra Sở phối hợp với các lực lượng chức năng của Công an thành phố tăng cường tuần tra, xử phạt; tiếp tục phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Sở Giao thông - Vận tải các địa phương liên quan rà soát hoạt động của các phương tiện kinh doanh vận tải thông qua hệ thống thiết bị giám sát hành trình để kịp thời chấn chỉnh, xử lý vi phạm, nhất là về tốc độ và hành trình chạy xe. Nhờ đó, đến nay, tình trạng xe “dù”, bến “cóc” hoạt động trên tuyến đường Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng... đã giảm đáng kể. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang kiến nghị thành phố đẩy nhanh tiến độ lắp đặt hệ thống camera giám sát giao thông nhằm tăng hiệu quả kiểm tra, xử lý vi phạm.

Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội giám sát việc xe khách xuất bến tại Bến xe Gia Lâm (quận Long Biên). Ảnh: Tuấn Khải

- Chính quyền địa phương có vai trò và trách nhiệm như thế nào trong việc xử lý xe “dù”, bến “cóc”, thưa ông?

- Tôi cho rằng, chính quyền địa phương có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giải quyết vấn nạn này. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa quy định rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trong việc kiểm tra, xử lý các vi phạm liên quan đến hoạt động vận tải.

Để giải quyết hiệu quả nạn xe “dù”, bến “cóc” đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả các cơ quan liên quan; trong đó, với vai trò quản lý địa bàn, UBND các quận, huyện cần tập trung chỉ đạo lực lượng công an và UBND các phường, xã rà soát, thống kê, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn như: Các tuyến đường xung quanh bến xe, khu vực tập trung nhiều xe khách vi phạm; các địa điểm hình thành bến, bãi trái phép; văn phòng đại diện đơn vị kinh doanh xe hợp đồng nhưng hoạt động như tuyến cố định... Xe “dù”, bến “cóc” sẽ giảm nếu quy được trách nhiệm cụ thể của các cấp chính quyền địa phương.

Về lâu dài, chúng tôi tiếp tục kiến nghị thành phố sớm hoàn thiện quy hoạch mạng lưới bến xe; nghiên cứu, hoàn thiện cơ sở pháp lý tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh vận tải phát triển phù hợp với nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm trật tự an toàn giao thông; nghiên cứu áp dụng khoa học, công nghệ trong công tác quản lý và điều hành hoạt động vận tải, giám sát các hành vi vi phạm để có biện pháp xử lý kịp thời...

- Trân trọng cảm ơn ông!

Tuấn Lương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/995249/dia-phuong-cung-xu-ly-xe-du--ben-coc