Địa phương đầu tiên hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng về hiến mô tạng

Kể từ ca hiến giác mạc đầu tiên cách đây 17 năm, cả nước đã ghi nhận 971 người hiến giác mạc. Nhờ nguồn mô tạng hiến tặng, nhiều người trở lại cuộc sống, sinh hoạt bình thường

Ngày 16-6, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam phối hợp với UBND huyện Hải Hậu và Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 tổ chức chương trình truyền thông, phát động đăng ký hiến tặng mô tạng, giác mạc tại xã Hải Phúc, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.

Đăng ký hiến tặng mô tạng tại lễ phát động sáng 16-6 tại huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định

Đăng ký hiến tặng mô tạng tại lễ phát động sáng 16-6 tại huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định

Đây là hoạt động hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại lễ phát động chương trình "Đăng ký hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi" ngày 19-5 vừa qua.

Kể từ ca hiến tặng giác mạc đầu tiên vào tháng 4-2007, đến nay, cả nước đã ghi nhận 971 người hiến giác mạc sau khi qua đời, tập trung chủ yếu tại tỉnh Ninh Bình với 437 người hiến, tại Nam Định 332 người hiến.

Riêng tại huyện Hải Hậu từ năm 2014 đến nay đã có hơn 280 người hiến tặng giác mạc, góp phần mang lại ánh sáng cho nhiều người không may bị mù do các bệnh lý về giác mạc.

Tại lễ phát động, rất đông người dân đã đăng ký hiến tặng mô tạng. Có những gia đình nhiều thành viên đều đăng ký hiến mô tạng và tiếp tục vận động người thân cùng hưởng ứng nghĩa cử cao đẹp này.

Bà Nguyễn Thị Chắt, 65 tuổi, chia sẻ: "Bản thân tôi bị mắc bệnh, phải đi bệnh viện nhiều lần và cũng từng chứng kiến nhiều bệnh nhân, trong đó có cả những cháu bé khắc khoải chờ được ghép tạng và ghép giác mạc. Tôi đăng ký hiến mô tạng với mong muốn hiến bộ phận cơ thể khi qua đời, để có thể cứu những người mắc bệnh hiểm nghèo".

Đông đảo người dân đăng ký hiến mô tạng và chia sẻ về việc làm ý nghĩa này

Cùng nguyện vọng này, ông Phạm Xuân Phong, 70 tuổi, cho biết qua các phương tiện truyền thông thời gian qua, được tiếp cận thông tin về hiến giác mạc, hiến mô tạng nên khi lễ phát động tổ chức tại quê nhà ông đã đến đăng ký hiến mô tạng.

"Đây là nghĩa cử cao đẹp cho đi là còn mãi. Tôi muốn sau này để lại sự sống tiếp nối cho những người bệnh khác…" - ông nói.

Phong trào hiến tặng giác mạc khi qua đời ở tỉnh Nam Định được sự ủng hộ của nhiều người hiến và người thân của họ. Ngoài ra, còn có sự đóng góp của các cấp ban ngành, chính quyền, Hội Chữ thập đỏ, cộng tác viên tình nguyện, đặc biệt là sự ủng hộ của các vị linh mục và chức sắc tôn giáo trong việc vận động bà con hiến tặng giác mạc.

Các đại biểu đăng ký hiến mô tạng ngay tại lễ phát động

Các đại biểu đăng ký hiến mô tạng ngay tại lễ phát động

Tại lễ phát động, PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, mong muốn có thêm nhiều địa phương hưởng ứng đăng ký hiến mô tạng như huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Đây là một hành động nhân ái, góp phần mang lại sự sống mới cho những người bệnh.

Bằng cách hiến giác mạc, chúng ta không chỉ giúp đỡ người bệnh, mà còn để lại một di sản quý giá cho cuộc đời, biến sự ra đi của mình trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết.

"Chúng tôi cũng mong gia đình của những bệnh nhân chết não đồng ý với ý nguyện của người thân để nghĩa cử hiến mô tạng được thực hiện trọn vẹn, vừa làm việc thiện giúp người bệnh, vừa đóng góp cho ngành y tế..."- PGS Tiến nói.

Người dân đăng ký hiến mô tạng trực tiếp tại lễ phát động ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định

Người dân đăng ký hiến mô tạng trực tiếp tại lễ phát động ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định

Hiện nước ta có gần một triệu người mù do các bệnh lý khác nhau về mắt. Riêng với bệnh về giác mạc, có khoảng 300.000 người, trong đó 150.000 người bị mù hai mắt.

Tại Bệnh viện Mắt Trung ương, danh sách người đăng ký chờ ghép giác mạc gần 1.000 người và con số này ngày càng tăng.

Giác mạc chưa chế tạo được nên điều duy nhất có thể giúp người bệnh tìm lại ánh sáng là ghép giác mạc từ nguồn hiến tặng của những người đã mất. Khi một người qua đời, nếu giác mạc của họ được hiến tặng, nó có thể sẽ mang lại ánh sáng cho hai người khác.

2 cách đăng ký hiến mô tạng mà người dân có thể lựa chọn là đăng ký trực tiếp hoặc online.

Để đăng ký hiến mô tạng trực tiếp, người dân đến Trung tâm Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia (Bộ Y tế) để làm thủ tục theo địa chỉ: Phòng 230 - Nhà C2 - Bệnh viện Việt Đức (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội ) hoặc các cơ sở lấy ghép gần nhất như: Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện 198, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Nhi đồng 2....

Ngoài ra, người dân có thể đăng ký hiến mô tạng online tại http://dangkyhientang.vn; http://dieuphoigheptangtphochiminh.vn/dangky hoặc https://eyebank.vn/ vào mục đăng ký hiến tặng mô tạng, điền thông tin cá nhân theo hướng dẫn trên màn hình và gửi đăng ký.

Bộ Y tế lưu ý, khi có người thân qua đời/ chết não, gia đình có nguyện vọng hiến tặng mô tạng của người đó, hãy liên hệ đến đường dây nóng của Trung tâm qua số điện thoại 0915060550.

N.Dung

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/dia-phuong-dau-tien-huong-ung-loi-keu-goi-cua-thu-tuong-ve-hien-mo-tang-196240616163122831.htm