Địa phương đưa luật, nghị quyết vào cuộc sống kịp thời, hiệu quả
Các phát biểu từ các lãnh đạo địa phương tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV đã cho thấy sự vào cuộc tích cực của địa phương, góp phần thực thi kịp thời, hiệu quả các chính sách, quy định trong luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua.
Tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV diễn ra hôm nay - 6/9, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội và khẳng định thời gian qua TP Hà Nội luôn quán triệt nghiêm luật, nghị quyết của Quốc hội, triển khai xây dựng chương trình công tác 5 năm theo phương châm 5 rõ. Đặc biệt, TP Hà Nội nhận được sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương nên TP đã thực hiện thành công mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Hà Minh Hải đã báo cáo về việc phối hợp với Bộ Tư pháp xây dựng Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi trình Chính phủ xem xét và báo cáo Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 tới đây; về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bố trí chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND và tổ chức mô hình chính quyền đô thị; về tiến độ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về triển khai thực hiện đường vành đai 4. Trong thời gian tới, TP Hà Nội mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các bộ, ban, ngành Trung ương về thực hiện Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị trong việc hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy nguồn lực tạo động lực mới phát triển Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.
Báo cáo kết quả chủ yếu và những bài học kinh nghiệm trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Ngô Minh Châu cho biết, TP đã thông qua 32 dự án có chuyển mục đích sử dụng trên 10ha đất trồng lúa với tổng diện tích 1.843,79 ha; quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách TP, điều chỉnh chủ trương đầu tư 1 dự án từ nhóm B lên nhóm A sử dụng vốn ngân sách TP. TP cũng đã triển khai có hiệu quả cơ chế ủy quyền như UBND TP đã ủy quyền cho các sở - ngành, UBND cấp huyện thực hiện 59 nhiệm vụ, quyền hạn của UBND TP; Chủ tịch UBND TP đã ủy quyền cho thủ trưởng các sở - ngành, Chủ tịch UBND cấp huyện thực hiện 26 nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND TP.
Tuy nhiên, ông Ngô Minh Châu cũng cho biết, nhiều nội dung triển khai Nghị quyết số 54/2017/QH14 còn chậm so với kế hoạch. Chẳng hạn, các cơ chế điều chỉnh chính sách thu, thực hiện cổ phần hóa, thu từ sắp xếp nhà đất của các cơ quan Trung ương, chi ứng vốn cho các dự án Trung ương trên địa bàn; một số cơ chế tuy đã được thực hiện, nhưng hiệu quả còn thấp, như chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt chưa áp dụng được nhiều...
Về công tác chuẩn bị triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15, ngay khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết, UBND TP đã ban hành Kế hoạch số 2109/KH-UBND ngày 19/5/2023 để triển khai chuẩn bị với 11 đầu việc phải hoàn thành trong quý II năm 2023; 37 đầu việc hoàn thành trong 6 tháng cuối năm 2023; đồng thời ban hành Quyết định số 2541/QĐ-UBND ngày 21/6/2023 thành lập Tổ công tác triển khai thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP với 26 thành viên do Chủ tịch UBND TP làm Tổ trưởng…
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng Trần Chí Cường bày tỏ nhất trí với các báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các báo cáo tham luận tại Hội nghị, đồng thời đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc quyết liệt chỉ đạo, điều hành triển khai đưa luật, nghị quyết của Quốc hội nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, việc xây dựng các nghị định, thông tư hướng dẫn việc thi hành luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua còn chậm, dẫn đến nhiều khó khăn và lúng túng cho các địa phương. Trong đó, bàn riêng về việc triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, ông Trần Chí Cường đề nghị các cơ quan chức năng cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở cũng như cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền giáo dục sâu rộng nội dung của Luật tới các tầng lớp nhân dân để nâng cao nhận thức về dân chủ ở cơ sở.
Báo cáo về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 45/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Dương Tấn cho biết, Nghị quyết 45/2022/QH15 trao cho TP Cần Thơ 6 cơ chế, chính sách và 2 dự án.
Đến nay, TP đang thực hiện Đề án phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, với tổng số tiền khoảng 2.000 tỷ đồng và thực hiện trong 2 năm 2024 và 2025 để tập trung thực hiện các dự án quan trọng của TP; đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn rà soát thật cụ thể, chi tiết để xác định các khoản thu có thể thực hiện, không làm ảnh hưởng đến các chính sách hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp, tập trung phối hợp, tham mưu UBND TP trình HĐND TP ban hành Nghị quyết năm 2023 để triển khai thực hiện…
Riêng về thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, để thực hiện chính sách này đòi hỏi TP phải tự cân đối ngân sách và các điều kiện khác có liên quan. Ông Dương Tấn Hiển cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy và Thường trực HĐND TP đã thống nhất chủ trương chưa thực hiện chính sách “Chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức và mức thu nhập cho chuyên gia, nhà khoa học, trí thức có trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ cao của thành phố” tại thời điểm này, cho đến khi đủ điều kiện, yêu cầu cụ thể.