Địa phương nào đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD sau 8 tháng?
Có 8 địa phương đạt kim ngạch xuất khẩu từ 10 tỷ USD trở lên gồm TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bình Dương, Thái Nguyên, Hải Phòng, Bắc Giang, Đồng Nai, Hà Nội.
Theo Tổng cục Hải quan, 8 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 228,17 tỷ USD, giảm 9,8% (tương ứng giảm 24,79 tỷ USD), theo thống kê sơ bộ Tổng cục Hải quan vừa công bố.
Trong 63 tỉnh, thành của cả nước, có 8 địa phương đạt kim ngạch xuất khẩu từ 10 tỷ USD trở lên gồm: TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bình Dương, Thái Nguyên, Hải Phòng, Bắc Giang, Đồng Nai, Hà Nội.
Hết tháng 8, TP. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh và Bình Dương vẫn duy trì 3 vị trí dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu của cả nước với kết quả lần lượt là: 27,7 tỷ USD, 24,5 tỷ USD, 20,18 tỷ USD, nhưng các kết quả này đều giảm mạnh so với cùng kỳ 2022.
Trong 8 địa phương trọng điểm về xuất khẩu nêu trên, ngoài Bắc Giang có tăng trưởng (6%), các địa phương còn lại đều bị sụt giảm kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.
Thời gian qua, tỉnh Bắc Giang đã triển khai nhiều hoạt động đẩy mạnh giao thương, hội chợ quảng bá và giới thiệu sản phẩm, giúp doanh nghiệp kết nối với các đối tác trong và ngoài nước.
Thị trường xuất khẩu chủ yếu của Bắc Giang là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và các loại linh kiện; hàng dệt may, da giày; thiết bị điện; các sản phẩm chất dẻo…
Giữ vững đà tăng trưởng, Bắc Giang đang thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa tỉnh đến năm 2030. Trong đó, mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 tăng trưởng xuất khẩu bình quân 25-27%/năm; giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng bình quân 12-13%/năm. Để đạt mục tiêu này, Bắc Giang tập trung vào một số giải pháp trọng tâm. Mấu chốt là phát triển sản xuất, tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu.
TP.Hồ Chí Minh giữ vững vị trí là địa phương có kim ngạch xuất khẩu đứng đầu cả nước, không chỉ trong 8 tháng đầu năm nay mà trong suốt nhiều năm qua. Theo báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2022, TP.Hồ Chí Minh dẫn đầu 10 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu cao nhất cả nước với 47,5 tỷ USD.
Mặc dù tiếp tục giữ vững vị trí là địa phương đi đầu cả nước về xuất nhập khẩu, song giống như nhiều địa phương khác trên cả nước, xuất nhập khẩu của TP. Hồ Chí Minh từ đầu năm đến nay gặp rất nhiều khó khăn và bị suy giảm. Nguyên nhân chính là do kinh tế thế giới đang phải chịu tác động mạnh mẽ từ các xung đột địa chính trị, lạm phát toàn cầu tăng cao khiến người tiêu dùng "thắt chặt hầu bao" gây tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của cả nước, trong đó có TP. Hồ Chí Minh.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh, dù kinh tế năm 2023 được nhận định tiếp tục bất lợi với một số ngành nhưng vẫn có cơ hội cho những ngành khác. Ví dụ như giai đoạn hiện nay, dệt may, da giày, đồ gỗ đang khan hiếm đơn hàng nhưng cũng có rất nhiều doanh nghiệp đang tăng ca sản xuất nhờ có những thị trường truyền thống, sản phẩm có uy tín trên thị trường.
Có thể thấy, dù kinh tế khó khăn đến đâu thì những sản phẩm dân dụng, bình dân phục vụ các nhu cầu cơ bản của cuộc sống vẫn có thị trường tiêu thụ. Những sản phẩm này không mang lại giá trị lợi nhuận cao nhưng vẫn có thể giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, giữ được nguồn lao động để tái đầu tư sản xuất cho các chu kỳ phát triển tiếp theo. Điều quan trọng là các doanh nghiệp phải nhạy bén, nắm được nhu cầu thực tế của thị trường để đáp ứng kịp thời.