Địa Trung Hải lại nổi sóng

Nga sẽ tiến hành hai cuộc diễn tập hải quân ở đông Địa Trung Hải trong tuần tới, một động thái có thể làm gia tăng căng thẳng tại vùng biển giàu nguồn lợi năng lượng này.

Nga sẽ tiến hành hai cuộc diễn tập hải quân ở đông Địa Trung Hải trong tuần tới, một động thái có thể làm gia tăng căng thẳng tại vùng biển giàu nguồn lợi năng lượng này.

Các tàu của Hy Lạp và Pháp trong cuộc tập trận chung trên biển Địa Trung Hải hồi giữa tháng 8. Ảnh: Reuters

Các tàu của Hy Lạp và Pháp trong cuộc tập trận chung trên biển Địa Trung Hải hồi giữa tháng 8. Ảnh: Reuters

Thổ Nhĩ Kỳ thông báo Nga sẽ tổ chức tập trận hải quân bắn đạn thật ở Đông Địa Trung Hải trong bối cảnh leo thang căng thẳng giữa Ankara và các nước láng giềng ven biển là Hy Lạp và Cyprus liên quan tới các quyền tìm kiếm nguồn năng lượng trong khu vực này. Theo thông báo, các cuộc tập trận của Nga sẽ diễn ra từ ngày 8 đến 22-9 và từ 17 đến 25-9 ở những khu vực của Địa Trung Hải, nơi các tàu nghiên cứu địa chất của Thổ Nhĩ Kỳ đang hoạt động.

Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi Nga không can thiệp vào hoạt động nghiên cứu địa chấn của các tàu khảo sát nước này ở khu vực ngoài khơi phía nam đảo Kastellorizo, Hy Lạp và bán đảo Karpas của Cyprus. Phát ngôn viên hải quân Nga Igor Dygalo chưa trả lời yêu cầu bình luận về thông tin này.

Cuộc cạnh tranh đa phương, phức tạp

Các cuộc tập trận sắp tới của Nga tổ chức tại đông Địa Trung Hải trong bối cảnh căng thẳng Hy Lạp - Thổ Nhĩ Kỳ leo thang, khi Ankara triển khai thăm dò khí đốt tại khu vực mà Hy Lạp và Cộng hòa Cyprus coi là vùng đặc quyền kinh tế. Hoạt động thăm dò dầu khí của Thổ Nhĩ Kỳ ở đông Địa Trung Hải gây ra căng thẳng với Hy Lạp và Cyprus, xuất phát từ mâu thuẫn trong cách giải thích ranh giới trên biển.

Diễn biến này xuất hiện sau khi Mỹ cho hay sẽ dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí vốn đã áp đặt 33 năm với Cộng hòa Cyprus bị chia rẽ sắc tộc. Thổ Nhĩ Kỳ lên án động thái này của Mỹ, cho rằng bước đi này của Washington làm gia tăng căng thẳng đối với tranh chấp chủ quyền giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Cyprus. Ankara hối thúc Mỹ đảo ngược quyết định, cảnh báo sẽ thực hiện "các bước tương ứng" để bảo vệ người Cyprus nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ.

Ankara cũng đang mâu thuẫn với Washington và các đồng minh NATO khác liên quan đến phi vụ mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga. Vào cuối tháng 8, Giám đốc điều hành của Tổng công ty xuất khẩu vũ khí nhà nước Nga Alexander Mikheyev cho biết thương vụ chuyển giao lô thứ hai hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga cho Thổ Nhĩ Kỳ đã được ký kết.

Một cường quốc EU là Pháp gần đây tăng hiện diện quân sự trong khu vực đông Địa Trung Hải để hỗ trợ Hy Lạp và Cyprus. "Những kẻ kéo đến từ cách đây hàng nghìn kilô-mét đang cố gắng bắt nạt, đòi quyền lợi và đóng vai thiên thần hộ mệnh", Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar viết trên Twitter hôm 3-9, ám chỉ Pháp. "Không thể chấp nhận điều này, họ phải quay trở lại như cách họ kéo đến".

Ẩn ý của Nga?

Hiện chưa rõ lý do Thổ Nhĩ Kỳ thay Nga thông báo về những cuộc tập trận trên cũng như chưa rõ liệu hoạt động diễn tập này của Nga có nhằm phát đi thông điệp ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ hay không. Cả hai nước này gần đây đã tăng cường đáng kể quan hệ quân sự, chính trị và kinh tế. Hai nước cũng phối hợp chặt chẽ về sự hiện diện quân sự ở Syria, trong khi Ankara đã mua các tên lửa S-400 tối tân của Moscow và cho phép xây dựng một nhà máy điện hạt nhân do Nga thực hiện ở bờ biển miền Nam nước này.

Ông Igor Korotchenko, giám đốc Trung tâm phân tích Hoạt động buôn bán vũ khí toàn cầu tại Moscow, nhận định Nga muốn phô diễn sức mạnh nhằm vào NATO trong các cuộc tập trận sắp tới, thay vì thể hiện thái độ hậu thuẫn cho Thổ Nhĩ Kỳ. "Nga có quan hệ kinh tế và quốc phòng chặt chẽ với Thổ Nhĩ Kỳ, song chính sách của chúng tôi là tránh hậu thuẫn cho bất cứ bên nào trong tranh chấp này", ông Korotchenko nói. "Thổ Nhĩ Kỳ đủ khả năng tự bảo vệ lợi ích của riêng mình".

Nhưng nhìn rộng ra, Nga được cho là đang có bước điều chỉnh về chính sách liên quan đến lợi ích và xung đột địa chính trị tại đông Địa Trung Hải trong thời gian gần đây.

Trên thực địa, Nga chỉ có đường tiếp cận duy nhất với Địa Trung Hải thông căn cứ hải quân Tartus tại Syria. Nhưng cơ sở quân sự này quá nhỏ, không đủ sức giúp Nga bước vào cuộc chơi địa chính trị dài hơi. Vì vậy, Nga có khả năng sẽ mở rộng căn cứ Tartus. Công việc này sẽ bao gồm việc điều một hạm đội tàu chiến của Nga sang Syria, khởi động việc thăm dò ở vùng thềm lục địa, thiết lập hệ thống phòng không dọc bờ biển Syria.

Ngoài ra, Điện Kremlin sẵn sàng bắt tay vào vạch “giới hạn đỏ” gắn với tình hình ở Địa Trung Hải. Vạch “giới hạn đỏ” là việc làm cần thiết để Nga bảo vệ lợi ích kinh tế ở Syria, cụ thể là thềm lục địa Syria nằm trên Địa Trung Hải, khởi động việc khai phá địa chất tại vùng biển này. Về phần mình, Syria có quyền tự do sử dụng, khai thác thềm lục địa của mình. Như một lẽ tất yếu, lợi ích của Nga tại Syria vươn dài ra cả các dự án ngoài khơi. Thêm nữa, lợi ích này cần phải được bảo vệ, chủ yếu là do liên quan lợi ích từ phía Thổ Nhĩ Kỳ và Israel.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_231042_dia-trung-hai-lai-noi-song.aspx