DIC Corp (DIG): Lợi nhuận đi lùi trong năm 2024 và quay lại mô hình thâm hụt dòng tiền tới 2.194,2 tỷ đồng
Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, mã DIG – sàn HOSE) ghi nhận lãi 87,23 tỷ đồng trong quý IV, lũy kế năm 2024 ghi nhận lãi 102,42 tỷ đồng, giảm tới 38,1% so với cùng kỳ năm trước và mới hoàn thành 16,3% so với kế hoạch năm.
Trong quý IV/2024, DIC Corp ghi nhận doanh thu đạt 445,5 tỷ đồng, tăng 2,7% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 87,23 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 70,7% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 72,57 tỷ đồng lên 175,21 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 240,2%, tương ứng tăng thêm 46,19 tỷ đồng lên 65,42 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 109,8%, tương ứng tăng thêm 25,79 tỷ đồng lên 49,27 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 10,1%, tương ứng giảm 6,56 tỷ đồng về 58,41 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Lũy kế trong năm 2024, DIC Corp ghi nhận doanh thu đạt 1.314,52 tỷ đồng, tăng 27,9% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 102,42 tỷ đồng, giảm tới 38,1% so với cùng kỳ năm trước.
Một điểm đáng lưu ý trong năm 2024, DIC Corp bất ngờ ghi nhận hàng bán bị trả lại tới 228,7 tỷ đồng so với cùng kỳ chỉ 11,97 tỷ đồng, tăng thêm 216,76 tỷ đồng.
Trong năm 2024, DIC Corp đặt kế hoạch lãi trước thuế 1.010 tỷ đồng.
Như vậy, kết thúc năm 2024 với lãi trước thuế chỉ đạt 164,89 tỷ đồng, DIC Corp mới hoàn thành 16,3% so với kế hoạch lãi tham vọng 1.010 tỷ đồng trong năm 2024.
Bên cạnh kinh doanh đi lùi trong năm 2024, dòng tiền kinh doanh chính của DIC Corp còn ghi nhận âm 2.194,2 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 1.724,8 tỷ đồng. Ngoài ra, cũng trong kỳ, dòng tiền đầu tư âm 37,6 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 819,7 tỷ đồng, chủ yếu tăng thêm nợ vay để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh.
Được biết, theo dữ liệu trên iBoard của Chứng khoán SSI, từ năm 2019 đến năm 2022, DIC Corp duy trì mô hình thâm hụt vốn kéo dài và mới dương trở lại năm 2023, Công ty tiếp tục quay trở lại mô hình thâm hụt dòng tiền trong năm 2024.
Về quy mô tài sản, tính tới ngày 31/12/2024, tổng tài sản của DIC Corp tăng 10,1% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 1.707,38 tỷ đồng lên 18.534,98 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tồn kho ghi nhận 8.154,3 tỷ đồng, chiếm 44% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 5.858,1 tỷ đồng, chiếm 31,6% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận 1.681,1 tỷ đồng, chiếm 9,1% tổng tài sản và các khoản mục khác.
Trong kỳ, tài sản biến động mạnh chủ yếu do tồn kho tăng 24,5% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 1.603 tỷ đồng lên 8.154,3 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn cũng tăng 24,5%, tương ứng tăng thêm 1.153,6 tỷ đồng lên 5.858,1 tỷ đồng…
Như vậy, việc tăng tồn kho và tăng các khoản phải thu ngắn hạn trong năm 2024, đây là nguyên nhân chính dẫn tới dòng tiền kinh doanh chính của DIC Corp thâm hụt trở lại sau 1 năm dương.
Về phần nguồn vốn, tính tới cuối năm 2024, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của DIC Corp tăng 23,7% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 737,9 tỷ đồng lên 3.849,6 tỷ đồng, bằng 47,7% vốn chủ sở hữu (đầu năm dư nợ vay 3.111,7 tỷ đồng và bằng 39,4% vốn chủ sở hữu). Trong đó, nợ vay ngắn hạn là 1.292,9 tỷ đồng và nợ vay dài hạn là 2.556,7 tỷ đồng.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/1, cổ phiếu DIG giảm 500 đồng về 17.700 đồng/cổ phiếu.