Dịch bệnh bùng phát, phật tử 'chăm' đi lễ chùa online, công đức bằng ví điện tử
Trong dịp Tết Tân Sửu 2021, nhiều ngôi chùa lớn tại Việt Nam thông báo sẽ nhận công đức, cúng dường tam bảo thông qua ví điện tử. Hành động 'lạ' tại nhiều ngôi chùa lớn đã nhận được nhiều sự tán đồng của người dân.
Trong những ngày đầu năm Tân Sửu 2021, du khách thập phương, cùng phật tử tại Tổ đình Phúc Khánh (Đống Đa, Hà Nội) đã bất ngờ, khi nhà chùa thông báo sẽ nhận công đức, cúng dường tam bảo thông qua ví điện tử.
Trong dịp Tết Tân Sửu 2021, nhiều ngôi chùa lớn tại Việt Nam thông báo sẽ nhận công đức, cúng dường tam bảo thông qua ví điện tử.
Theo giải thích của nhà chùa, trong bối cảnh dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp, việc ứng dụng ví điện tử trong các hành động công đức, quyên góp, hoặc mở lễ cúng dường tam bảo là một giải pháp hạn chế tụ tập đông người, chung tay cùng xã hội để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Các phật tử không cần đến chùa, có thể ngồi ở nhà nhận lễ cầu an.
Không chỉ Tổ đình Phúc Khánh, nhiều ngôi chùa lớn tại Việt Nam, như chùa Yên Tử (Quảng Ninh), chùa Phật Tích (Bắc Ninh), chùa Bút Tháp (Bắc Ninh);... cũng khuyến cáo du khách thập phương cúng dường tam bảo, hoặc nhận công đức thông qua ví điện tử.
Cách làm “lạ” tại nhiều ngôi chùa lớn đã nhận được nhiều sự tán đồng của người dân.
Anh Hoàng Kiên, một phật tử đi lễ tại Tổ đình Phúc Khánh chia sẻ: Những ngày đầu xuân, năm mới, người dân đi lễ chùa xin lộc cầu may rất nhiều. Tuy nhiên, năm nay, do tình hình dịch bệnh có diễn biến phức tạp, có nguy cơ cao bùng phát ra công động.
“Do đó, việc các nhà chùa mở lễ cúng dường tam bảo trực tuyến là một giải pháp hay. Người đi lễ hoặc các phật tử vừa thể hiện lòng thành, vừa hạn chế tiếp xúc nơi đông người”, anh Kiên nói.
Thông báo ở chùa Phúc Khánh, một trong những ngôi chùa thu hút được rất đông phật tử những ngày đầu năm mới.
Dù vậy, theo quan sát của phóng viên vào chiều mùng 3 Tết, tại Tổ đình Phúc Khánh, rất ít người dân công đức bằng ví điện tử. Thay vào đó, nhiều người vẫn lựa chọn cách truyền thống, là đưa tiền mặt vào các hòm công đức.
Chị Nguyễn Yến (Hoàng Mai, Hà Nội) đặt nghi vấn về sự hiệu quả của chương trình đi lễ chùa online, thời 4.0 này: “Người đi viếng chùa ngày Tết, đa phần là trung niên, người trung tuổi. Hầu hết họ đều không biết sử dụng ví điện tử. Ngay cả mẹ tôi, năm nay 58 tuổi chỉ dùng được điện thoại “cục gạch” nghe gọi, không dùng được điện thoại thông minh. Do đó, rất khó để phổ biến công đức online cho toàn thể người dân”.
Có cùng quan điểm này, anh Hoàng Hưng (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi cho rằng, việc cúng dường, công đức thông qua ví điện tử là một sáng kiến hay, nhưng chỉ dành cho giới trẻ, hiểu biết về công nghệ”.
Bên cạnh đó, anh Hưng nhận xét: Nhiều người đi chùa, công đức bằng tiền lẻ, từ vài nghìn, cho tới vài chục nghìn. Họ chỉ cần rút ví và đưa vào hòm công đức là xong. Trong khi đó, việc sử dụng ví điện tử trong cúng dường, công đức quá phức tạp, trải qua ít nhất 4 - 5 bước.
“Với số tiền nhỏ, việc công đức theo kiểu truyền thống vẫn tốt hơn, còn việc cúng dường online vẫn cần được giới thiệu hơn nữa, để người dân hiểu và nắm rõ thao tác, nhất là phải có giải pháp để người trung tuổi biết cách sử dụng”, anh Hưng nói thêm.