Dịch bệnh COVD-19 diễn biến phức tạp ở các nước
Cảnh vắng vẻ trên đường phố tại Seoul, Hàn Quốc ngày 18/7/2021, trong thời gian áp đặt các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại Hàn Quốc khi nước này tiếp tục ghi nhận hơn 1.300 nhiễm mới trong ngày thứ hai liên tiếp.
Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (KDCA) cho biết ngày 27/7, Hàn Quốc ghi nhận thêm 1.365 ca nhiễm, trong đó 1.276 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số bệnh nhân trên cả nước lên 191.531 ca.
Hiện tổng số ca tử vong tại nước này cũng tăng lên 2.079 ca sau khi có thêm 2 người không qua khỏi trong 24 giờ qua. Tỉ lệ tử vong tại Hàn Quốc hiện là 1,09%.
Số ca nhiễm mới tại Hàn Quốc tăng mạnh trong thời gian gần đây không chỉ do số ca bệnh tại khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận tăng vọt mà còn do số ca nhiễm mới tăng nhanh ở những khu vực khác trên cả nước khi người dân đi du lịch vào mùa hè. Số liệu thống kê cho thấy gần 40% số ca nhiễm mới là ở những khu vực ngoài thủ đô Seoul và vùng phụ cận.
Giới chức y tế lo ngại rằng đường cong dịch tễ tại Hàn Quốc hiện chưa thể đạt đỉnh trong bối cảnh biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao đang trở thành biến thể lây lan chính tại nước này trong khi người dân lại di chuyển nhiều hơn vào mùa hè.
Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, Hàn Quốc đã quyết định gia hạn các biện pháp giãn cách xã hội cấp cao nhất - cấp 4 đang được áp đặt tại thủ đô Seoul và vùng phụ cận - thêm 2 tuần, đến ngày 8/8 tới.
Theo quy định này, Hàn Quốc cấm tập trung từ 2 người trở lên sau 18 giờ hằng ngày và áp đặt lệnh giới nghiêm vào lúc 22 giờ hằng ngày đối với nhà hàng và quán cà phê, cùng một lệnh cấm hoạt động đối với các địa điểm giải trí ban đêm và các cơ sở giải trí khác.
Những khu vực còn lại trên cả nước phải thực hiện các biện pháp hạn chế cấp 3 từ ngày 27/7 nhằm ngăn chặn dịch bệnh. Ở mức độ giãn cách cấp 3, các quán càphê và nhà hàng có thể hoạt động đến 22 giờ hằng ngày và sau thời gian này chỉ được bán hàng mang về.
Các cuộc tụ họp cá nhân từ 5 người trở lên bị cấm, trong khi những sự kiện tập trung đông người có thể được tổ chức với quy mô dưới 50 người. Tuy nhiên, riêng hai thành phố Daejeon và Gimhae phải áp đặt các biện pháp cấp 4 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh hiệu quả hơn.
Cùng ngày 27/7, Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) Trung Quốc cho biết trong ngày 26/7, Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 71 ca nhiễm mới, trong đó 31 ca lây nhiễm trong cộng đồng, tất cả đều ở tỉnh Giang Tô, và không có ca tử vong nào.
Một ngày trước đó, Trung Quốc đại lục đã ghi nhận số ca nhiễm mới trong một ngày cao nhất kể từ tháng Một và trong 40 ca lây nhiễm trong cộng đồng có 39 ca ở tỉnh Giang Tô. Do số ca mắc mới tăng vọt, giới chức tỉnh Giang Tô đang phải tiến hành xét nghiệm hàng loạt lần thứ hai cho hàng triệu người ở tỉnh miền đông Trung Quốc này. Tính đến hết ngày 26/7, Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 92.676 ca nhiễm, trong đó 4.636 ca tử vong.
Dịch bệnh cũng đang tiếp tục lây lan tại Ấn Độ khi nước này ngày 27/7 ghi nhận 29.689 ca nhiễm mới. Bộ Y tế Ấn Độ cho biết đây là mức tăng theo ngày thấp nhất kể từ ngày 17/3. Số ca đang dương tính với SARS-CoV-2 tại Ấn Độ đã lần đầu tiên giảm xuống dưới 400.000 ca kể từ ngày 24/3.
Trong một thông tin liên quan, Ấn Độ có khả năng bỏ lỡ mục tiêu tiêm chủng 1,35 tỉ liều vắcxin vào tháng 7 nếu nước này tiếp tục tiêm chủng với tốc độ hiện tại. Tốc độ tiêm chủng COVID-19 đã chậm lại đáng kể vào tháng 7 với 8,7 triệu liều vắcxin được tiêm trong ngày sau khi bắt đầu triển khai tích cực tiêm chủng phổ cập mới vào ngày 21/6.
Riêng tại New Delhi, số ca nhiễm mới trong ngày đã giảm còn 39 ca và một ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Chính quyền New Delhi đã chính thức nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội một cách thận trọng với các cấp độ khác nhau nhằm từng bước kiểm soát được dịch COVID-19 và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Ngày 27/7, Bộ Y tế Lào công bố nước này đã ghi nhận thêm 169 ca mắc mới và một ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua. Như vậy, đến nay Lào đã ghi nhận tổng cộng 5.154 ca mắc. Tất cả các ca mắc mới đều là người nhập cảnh được cách ly ngay.
Trước tình hình người nhập cảnh mắc COVID-19 gia tăng, các tỉnh trung, nam Lào như Sekong, Attapeu và Savannakhet đã phong tỏa các khu vực có nguy cơ cao để ngăn dịch lây lan. Ủy ban chuyên trách Trung ương về phòng chống dịch COVID-19 của Lào cũng đang triển khai nhân viên y tế và vật tư cho các tỉnh gặp khó khăn do có nhiều bệnh nhân mắc COVID-19.
Các trung tâm cách ly và cơ sở điều trị tại các tỉnh miền trung và nam Lào, đặc biệt là Savannakhet và Champasak, luôn trong tình trạng quá tải do chịu áp lực lớn khi tiếp nhận và điều trị nhiều ca mắc COVID-19 là người lao động nhập cảnh về nước từ Thái Lan. Ủy ban chuyên trách Trung ương đã yêu cầu các tỉnh nâng cấp và mở rộng các trung tâm cách ly để có đủ khả năng tiếp nhận công dân trở về.
Chính quyền các tỉnh có nhiều người lao động trở về, đặc biệt là Savannakhet và Champasak được yêu cầu làm việc với các tỉnh giáp biên của Thái Lan để ước lượng số lao động dự kiến có thể tiếp tục trở về Lào để chuẩn bị tốt nhất công tác tiếp nhận.
Liên quan công tác tiêm chủng phòng COVID-19, Bộ Y tế Lào thông báo sẽ triển khai đồng loạt việc tiêm vắcxin của hãng Johnson & Johnson kể từ ngày 2/8 tới trên cả nước. Theo đó, người dân Lào có thể đăng ký tiêm vắcxin trực tuyến thông qua ứng dụng Lao KYC hoặc đăng ký tại các cơ sở y tế địa phương. Dự kiến có khoảng 14% dân số Lào được tiếp cận loại vắcxin tiêm một mũi duy nhất này.
Tại quốc gia láng giềng Campuchia, Bộ Y tế ngày 27/7 xác nhận thêm 39 ca mắc mới biến thể Delta, nâng tổng số ca mắc biến thể có tốc độ lây nhiễm cao này tại Campuchia lên 114 ca. Từ ngày 22-25/7, Viện Pasteur Campuchia qua xét nghiệm đã ghi nhận 39 ca nhiễm mới biến thể 1.617.2 (Delta), trong đó 21 trường hợp là người trở về từ Thái Lan và 18 ca lây nhiễm trong nước, chủ yếu là nhân viên y tế và người dân tại các tỉnh Oddar Meanchey, Kampong Thom và Siem Reap.
Campuchia ngày 27/7 ghi nhận 684 ca mắc mới và 19 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc tại quốc gia Đông Nam Á này lên 74.386 ca, trong đó có 1.324 ca tử vong.
Cùng ngày 27/7, Bộ Y tế Campuchia thông báo Cơ quan Hải quan nước này đã thu giữ 3 container thịt trâu đông lạnh nhập khẩu từ Ấn Độ sau khi phát hiện lô hàng này có virus SARS-CoV-2. Theo thông báo đăng trên truyền thông Campuchia cùng ngày, các mẫu thịt đông lạnh trên đã được Viện Pasteur Campuchia mang đi xét nghiệm và kết quả cho thấy có virus trong mẫu thử.
Theo tờ Khmer Times, lô thịt trâu này sẽ bị tiêu hủy ở quận Oral, Kampong Speu trong 2-3 ngày tới. Thống đốc tỉnh Kampong Speu Vy Samnang nhấn mạnh rằng lô thực phẩm này phải bị tiêu hủy để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, đồng thời kêu gọi người dân tìm hiểu rõ nguồn gốc thực phẩm trước khi mua.
Tại Úc, tình hình dịch bệnh ở bang New South Wales tiếp tục diễn biến phức tạp khi chính quyền bang ngày 27/7 ghi nhận số ca mắc mới trong ngày cao nhất từ trước đến nay với 172 ca trong 24 giờ qua, trong đó hơn 60 ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Thủ hiến bang New South Wales Gladys Berejiklian cho biết phần lớn các ca nhiễm mới xuất hiện tại khu vực phía tây Sydney do lây lan tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thiết yếu vẫn được phép hoạt động và do tiếp xúc giữa các thành viên gia đình chưa được tiêm chủng.
Trước tình hình trên, bà Berejicklian cho hay rủi ro sẽ rất cao nếu chính quyền bang dỡ bỏ lệnh phong tỏa quá sớm, do đó chính quyền sẽ công bố gia hạn lệnh phong tỏa hiện nay, dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 31/7 tới, vào sáng 28/7. Bên cạnh đó, chính quyền cũng sẽ thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng trên toàn bang và xem xét thêm các biện pháp hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Trong một nỗ lực nhằm tăng cường cung cấp các thông tin y tế quan trọng tới các cộng đồng không sử dụng tiếng Anh ở địa phương, chính quyền bang cũng thông báo trong các ngày tới, các buổi họp báo về tình hình dịch COVID-19 hàng ngày sẽ được dịch trực tiếp sang tiếng Việt và tiếng Ả-rập, hai ngôn ngữ được sử dụng khá phổ biến ở các vùng tây nam và tây Sydney, tiếp theo đó là tiếng Assyria và tiếng Trung.
Tại Melbourne - thành phố lớn thứ hai của Úc, sau khi đợt bùng phát dịch do biến thể Delta gây ra đã được kiểm soát, chính quyền thành phố quyết định sẽ dỡ bỏ lệnh phong tỏa từ đêm 27/7. Các trường học, nhà hàng và cửa hàng sẽ được mở cửa trở lại nhưng quy định đeo khẩu trang vẫn được duy trì. Bang láng giềng South Úc cũng sẽ được nới lỏng quy định "phải ở nhà".