Dịch bệnh Covid-19 làm đảo lộn các kịch bản kinh tế
Rất nhiều kịch bản tăng trưởng kinh tế 2020 đã được đưa ra, nhưng 'ẩn số' Covid-19 khiến không kịch bản nào chắc chắn.
Nhiều tổ chức đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2020 do tác động từ đại dịch Covid-19. Các kịch bản tăng trưởng liên tục biến thiên vì "ẩn số" Covid-19.
Trong Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới vừa được công bố, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng âm 3% trong năm 2020. IMF cũng giảm dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay xuống còn 2,7% từ mức 7% đưa ra hồi tháng 1/2020. Mức tăng trưởng rất thấp, chỉ 2,7% này, thậm chí còn được IMF nhận định là "trạng thái tích cực", trong bối cảnh nhiều nền kinh tế trên toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng âm.
Trong bản báo cáo gần nhất được IMF gửi tới Chính phủ Việt Nam, con số được đưa ra là 3,6%. Trước đó, con số được dự báo hồi đầu tháng 3 là khoảng 4,8%. Những tác động của dịch Covid-19 tới kinh tế toàn cầu và Việt Nam ngày càng nặng nề, nhất là khi các biện pháp giãn cách xã hội vẫn đang được nhiều nước thực hiện.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 sẽ đạt mức 4,8% do tác động của dịch Covid-19 và sự suy giảm thương mại toàn cầu.
Trong báo cáo Nghiên cứu toàn cầu - Triển vọng Kinh tế quý II mới công bố, Ngân hàng Standard Chartered dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm 2020, chỉ đạt 3,3% do ảnh hưởng của các thách thức bên ngoài.
Trong khi đó, Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VERP) vừa đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế cho Việt Nam. Cụ thể, trong kịch bản 1, với giả định bệnh dịch trong nước được khống chế hoàn toàn vào giữa tháng 5 và hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường, trong khi thế giới cũng bắt đầu nới dần các biện pháp phong tỏa, thì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay sẽ khoảng 4,2%. Đây là kịch bản lạc quan nhất.
Ở kịch bản thứ 2, với giả định là bệnh dịch trong nước kéo dài và chỉ được khống chế hoàn toàn vào nửa sau quý III/2020, thế giới tiếp tục các biện pháp giãn cách xã hội do sự tái phát của bệnh dịch ở nhiều trung tâm kinh tế tài chính quan trọng và các hoạt động kinh tế trên thế giới chỉ dần trở lại bình thường bắt đầu vào cuối quý III/2020, thì tăng trưởng kinh tế sẽ là 1,5%.
Kịch bản thứ 3, bi quan nhất, với giả định bệnh dịch trong nước kéo dài và chỉ được khống chế hoàn toàn vào nửa sau quý IV/2020, thế giới tiếp tục các biện pháp giãn cách xã hội do sự tái phát của bệnh dịch ở nhiều trung tâm kinh tế tài chính quan trọng và các hoạt động kinh tế trên thế giới chỉ dần trở lại bình thường bắt đầu vào cuối quý IV/2020, thì kinh tế sẽ tăng trưởng âm 1%.
Rõ ràng, các kịch bản tăng trưởng kinh tế được đưa ra ngày càng kém lạc quan hơn. Điều này liên quan rất lớn đến "ẩn số" Covid-19, không phải chỉ ở riêng Việt Nam, mà còn ở toàn cầu.
Các dự báo cho thấy trong năm 2020, nền kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng thấp nhất tính từ giữa thập niên 1980 trước khi phục hồi vào năm 2021. Nhiều chuyên gia kinh tế nhìn nhận, nền kinh tế thế giới đang bất ổn, tình hình kinh tế vĩ mô sẽ được quyết định bởi các phản ứng chính sách trong ba lĩnh vực chính: y tế, tiền tệ và tài khóa.
Theo TS. Phạm Thế Anh, chuyên gia kinh tế trưởng của VEPR, triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2020 và xa hơn phụ thuộc vào khả năng khống chế bệnh dịch không chỉ trong nước mà còn ở cả trên thế giới.
Kịch bản lạc quan nhất được xây dựng dựa trên giả định dịch bệnh trong nước được khống chế hoàn toàn vào giữa tháng 5 và hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường. Trong khi đó, thế giới cũng bắt đầu nới dần các biện pháp phong tỏa.
Tuy nhiên, TS. Phạm Thế Anh cho rằng, trong bất kỳ kịch bản nào, trong thời kỳ hậu Covid-19, sự phục hồi hoàn toàn của nhiều ngành như hàng không, du lịch hay thời trang xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn và kéo dài, một khi thế giới chưa khống chế hoàn toàn được bệnh dịch.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, mức tăng trưởng kinh tế trong quý I/2020 của Việt Nam chỉ đạt 3,82%, đây là mức tăng thấp nhất nếu so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn từ 2011-2020.
TS. Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhận định, dù đại dịch này làm cho sức lực của nền kinh tế nói chung và của doanh nghiệp, người dân nói riêng có phần suy giảm, nhưng may mắn là kinh tế vĩ mô vẫn tiếp tục ổn định. An ninh và an toàn hệ thống tài chính vẫn được duy trì.
"Chúng ta đã thấy rằng đất nước và nền kinh tế đã chống chịu tốt trong đại dịch. Với những giải pháp Chính phủ đã quyết liệt triển khai, chúng ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh, kịp thời hỗ trợ để sản xuất kinh doanh không bị đứt gãy", ông Cung nói.
TS. Nguyễn Đình Cung tin tưởng: Sức chống chịu của nền kinh tế và những bài học trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, đặc biệt là trong những năm gần đây, sẽ là những yếu tố thuận lợi thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch.
"Phục hồi nhanh và bền vững nền kinh tế sẽ là ưu tiên số một. Chúng ta cần thực hiện một số giải pháp khôi phục kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng để đất nước ta trở nên mạnh hơn, mới hơn... Trong quá trình đó, không chỉ phải khắc phục triệt để các yếu kém nội tại của nền kinh tế mà còn phải giải quyết hàng loạt các vấn đề mới phát sinh do những thay đổi từ bên ngoài sau đại dịch", TS. Cung lưu ý./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/dich-benh-covid19-lam-dao-lon-cac-kich-ban-kinh-te-1042839.vov