Dịch bệnh COVID-19 nghiêm trọng, SEA Games 31 bị hoãn đến năm 2022
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 nghiêm trọng tại ASEAN, ngày 8/7, Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á thông báo SEA Games 31 sẽ bị hoãn lại sang năm 2022.
Hàng trăm người dân Thái Lan đã mang bìa các tông, chăn chiếu và ô để ngủ qua đêm bên ngoài đền Wat Phra Si Rattana Mahathat ở Bangkok, chờ cơ hội xét nghiệm COVID-19. Ảnh: The Standard
Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 8/7, tại chín quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận 62.145 ca mắc COVID-19 và 1.280 ca tử vong. Tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch đã là 5.323.686 ca, trong đó 102.339 người tử vong.
Trong ngày 8/7, quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc nhất vẫn là Indonesia với 38.319 ca. Đứng số 2 ASEAN về ca mắc hàng ngày là Malaysia với 8.868 ca. Tiếp đó là Thái Lan với 7.058 ca, Philippines với 5.484 ca, Việt Nam với 1.314 ca, Campuchia với 954 ca, Lào với 69 ca, Timor-Lester với 63 ca và Singapore với 16 ca.
Về số ca tử vong, có 6 quốc gia ghi nhận ca tử vong mới: Indonesia (852 ca), Philippines (191 ca), Malaysia (135 ca), Thái Lan (75 ca) và Campuchia (27 ca) và Việt Nam (3 ca).
Tình hình dịch bệnh tại ASEAN nghiêm trọng tới mức ngày 8/7, Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á thông báo Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) sẽ bị hoãn lại. Thông cáo nêu rõ: “Vì đại dịch COVID-19, sự kiện thể thao SEA Games 31, vốn được lên kế hoạch diễn ra tại Việt Nam từ ngày 21/11-2/12, sẽ được lùi sang năm 2022". Thời điểm mới để tổ chức sự kiện này sẽ được Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á quyết định trong thời gian tới.
Với 38.391 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 được xác nhận trong 24 giờ qua, hiện Indonesia đang đứng thứ hai thế giới về số ca mắc mới COVID-19 trong 1 ngày, chỉ sau Brazil. Trong những ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 ở Indonesia liên tiếp phá vỡ kỷ lục ngày trước đó.
Không chỉ vậy, quốc gia Đông Nam Á này còn ghi nhận thêm 852 ca tử vong do mắc COVID-19. Đây là con số tử vong cao thứ 2 ở nước này kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào hồi năm 2020. Tính đến nay, Indonesia ghi nhận hơn 2,4 triệu ca nhiễm, trong đó có 63.760 trường hợp không qua khỏi.
Ngày 8/7, Malaysia ghi nhận thêm 8.868 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 - mức cao thứ 2 kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này, đưa tổng số ca nhiễm ở quốc gia Đông Nam Á này lên 808.658 ca.
Trong số các địa phương, bang Selangor tiếp tục đứng đầu cả nước về số ca nhiễm mới, với 4.152 ca - mức cao nhất từ trước tới nay. Tiếp đó, là lãnh thổ liên bang Kuala Lumpur, với 1.133 ca và bang Nigeri Sembilan, với 897 ca.
Như vậy, trong nửa tháng trở lại đây, số ca nhiễm mới SARS-CoV-2 hằng ngày tại Malaysia liên tục tăng, từ các mốc trên 5.000 ca lên 6.000 ca, rồi 7.000 ca và 8.000 ca. Đáng chú ý là thời gian chuyển qua cột mốc mới dần ngắn lại, ví dụ từ mức 6.000 ca lên 7.000 ca mất 7 ngày, nhưng chỉ cần 2 ngày số ca nhiễm mới đã vượt lên mốc 8.000 ca.
Kỷ lục về số ca nhiễm mới trong ngày tại Malaysia được ghi nhận vào hôm 29/5, với 9.020 ca. Sau đó, để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, Malaysia đã quyết định đóng cửa toàn diện từ ngày 1/6 và đưa ra Kế hoạch Hồi phục quốc gia gồm 4 giai đoạn. Hiện nay, Malaysia đang ở giai đoạn 1. Để có thể chuyển sang giai đoạn 2, cần đáp ứng 3 yêu cầu: số ca nhiễm mới hằng ngày dưới 4.000 ca, công suất sử dụng giường điều trị tích cực về mức trung bình và 10% dân số hoàn thành tiêm chủng.
Tại Campuchia, số ca mắc mới COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt, với mức tăng gần 1.000 ca/ngày trong nhiều ngày qua, gây khó khăn rất lớn cho hệ thống y tế nước này.
Thông cáo của Bộ Y tế Campuchia ra ngày 8/7 cho biết trong 24 giờ qua, có thêm 954 ca mắc mới, trong đó có 136 ca nhập cảnh, đưa tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này kể từ đầu dịch đến nay lên 58.057 ca, trong đó 50.020 người đã khỏi bệnh và 825 người tử vong.
Thái Lan ngày 8/7 ghi nhận thêm 75 ca tử vong do COVID-19 và là ngày có số ca tử vong theo ngày cao nhất từ khi dịch bùng phát. Bộ Y tế Thái Lan cho biết đây là lần thứ 2 trong tháng này, số ca tử vong lập mốc mới, vượt mốc 61 ca được thiết lập cuối tuần trước.
Như vậy cho đến nay, Thái Lan đã có 2.462 ca tử vong kể từ khi dịch bùng phát, trong đó có tới 2.368 ca trong làn sóng dịch thứ 3 bùng phát từ đầu tháng 4 đến nay. Cũng trong 24 giờ qua, Thái Lan có thêm 7.058 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca lên 308.230 ca.
Biến thể Delta đang là nguyên nhân chính khiến số ca mắc mới COVID-19 tại Thái Lan tăng nhanh. Theo Bộ Y tế Thái Lan, 52% số ca mới hiện nay tại Bangkok là do biến thể Delta và biến thể này cũng được ghi nhận tại gần 50 tỉnh thành khác. Với tốc độ lây nhiễm như hiện nay, giới chức Thái Lan không loại trừ khả năng số ca mắc mới ở nước này có thể sẽ tăng lên 10.000 ca mỗi ngày trong tuần tới.
Trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 tiếp tục gia tăng, Tổng Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Thái Lan (NSC) Natthapol Nakpanich cho biết nước này đang cân nhắc áp đặt lệnh phong tỏa để ngăn chặn dịch bệnh.
Đại tướng Natthapol Nakpanich, người phụ trách hoạt động hằng ngày của Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) của Thái Lan nêu rõ, CCSA sẵn sàng xem xét bất kỳ đề xuất nào của Bộ Y tế về việc phong tỏa để phòng dịch lây lan. Tuy nhiên, ông Natthapol cho biết đến nay vẫn chưa có đề xuất chính thức.
Khi được truyền thông sở tại hỏi liệu lệnh phong tỏa sẽ được áp dụng trên toàn quốc hay chỉ ở những khu vực mà biến thể Delta là nguyên nhân gây lây nhiễm, ông Natthapol cho biết các biện pháp phong tỏa sẽ tập trung ở Bangkok và các tỉnh lân cận cùng với 4 tỉnh biên giới ở miền Nam. Các khu vực khác của đất nước có thể được đặt trong tình trạng nửa phong tỏa từng phần.