Dịch bệnh COVID-19 tại ASEAN có dấu hiệu giảm nhiệt

Số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19 tại khu vực ASEAN đã giảm khá mạnh so với thời kỳ đỉnh dịch khi trong ngày 10/9, toàn khu vực ghi nhận thêm 54.083 ca mắc COVID-19 và 1.048 ca tử vong.

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính đến hết ngày 10/9, các nước thuộc khu vực ASEAN ghi nhận thêm 54.083 ca mắc COVID-19, đưa tổng số ca bệnh tăng vượt ngưỡng 10,8 triệu ca.

Toàn khối cũng ghi nhận 1.048 ca tử vong, như vậy, tới nay virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 237.925 người dân ở khu vực. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến trên 9,6 triệu trường hợp bệnh nhân được điều trị thành công.

Người dân đeo khẩu trang và tấm chắn giọt bắn để phòng dịch COVID-19 tại Manila, Philippines, ngày 24/8/2021. Ảnh: THX

Trong 24 giờ qua, 8/10 nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới và có 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Philippines, Myanmar, Brunei và Việt Nam. Brunei lần đầu tiên có ca tử vong đầu tiên sau nhiều tháng.

Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiêm trọng nhất Đông Nam Á tiếp tục là Indonesia. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, dịch bệnh tại điểm nóng này tiếp tục cho thấy tín hiệu hiệu hạ nhiệt, khi số ca mắc và tử vong đã giảm nhanh.

Trước tình hình dịch bệnh lắng dịu, ngày 10/9, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã kêu gọi dân chúng bắt đầu học cách sống chung với COVID-19 khi căn bệnh này không còn được coi là đại dịch nữa.

Phát biểu trong chuyến thị sát tại Đặc khu hành chính Yogyakarta, Tổng thống Widodo nhấn mạnh, Indonesia phải bắt đầu chuẩn bị cho quá trình chuyển tiếp từ đại dịch sang bệnh đặc hữu và cũng bắt đầu học cách sống chung với COVID-19, đồng thời vẫn cần tuân thủ nghiêm các quy định y tế, đặc biệt là việc đeo khẩu trang.

Động thái thay đổi nhận thức về COVID-19 của Chính phủ Indonesia như một loại bệnh đặc hữu xuất phát từ nhận định rằng căn bệnh này sẽ không thể biến mất trong tương lai gần.

Cùng ngày, phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho hay trong giai đoạn chuyển tiếp này, cộng đồng đã có thể bắt đầu các hoạt động phù hợp với mức độ áp dụng lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng tại khu vực sinh sống.

Trong những tuần gần đây, Indonesia đã dần nới lỏng các hạn chế xã hội, theo đó cho phép các trung tâm thương mại, địa điểm cầu nguyện và nhà hàng nâng công suất và thời gian hoạt động, đồng thời thí điểm mở cửa trở lại một số điểm du lịch tại các khu vực có nguy cơ lây lan dịch ở mức trung bình.

Tại Thái Lan, ngày 10/9, các quan chức nước này cho biết đang lên kế hoạch mở cửa trở lại thủ đô Bangkok và một số tỉnh du lịch nổi tiếng đối với người đã tiêm phòng đủ liều vaccine ngừa COVID-19.

Tổng cục Du lịch Thái Lan thông báo từ ngày 1/10/2021, tất cả du khách nước ngoài đã tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19 sẽ có thể đến thăm Bangkok và bốn tỉnh khác mà không phải cách ly 2 tuần.

Theo đó, Bangkok và các tỉnh Chiang Mai, Chon Buri, hai tỉnh Phetchaburi và Prachuap Khiri Khan dự kiến sẽ áp dụng mô hình du lịch "Hộp cát" (Sandbox) được thí điểm từ tháng 7 năm nay tại đảo nghỉ dưỡng Phuket. Theo mô hình này, khách du lịch phải ở trong một khu vực nhất định trong vòng 7 ngày sau khi đến nơi và phải làm các xét nghiệm sàng lọc COVID-19.

Theo kế hoạch trên, đến cuối tháng 10, sẽ có thêm 21 điểm đến khác sẽ được bổ sung vào danh sách mở cửa đón du khách quốc tế trở lại, trong đó có Chiang Rai, Sukhothai và khu nghỉ dưỡng nổi tiếng ở Rayong.

Trong bối cảnh làn sóng dịch COVID-19 thứ ba và nguy hiểm nhất tại Thái Lan vẫn chưa hoàn toàn lắng xuống, Tổng cục Du lịch Thái Lan cho biết không loại trừ khả năng có thể thay đổi các kế hoạch đã định. Một trong những khó khăn hiện tại trong phục hồi số lượng du khách là các khuyến cáo hạn chế đi lại mà một số nước như Anh, Mỹ đang áp dụng đối với Thái Lan.

Kể từ tháng 7/2021, theo mô hình du lịch “Hộp cát”, hòn đảo du lịch Phuket đã đón hơn 29.000 du khách quốc tế được tiêm phòng đầy đủ, tạo doanh thu gần 50 triệu USD. Ba hòn đảo khác của Thái Lan- Samui, Tao và Phangan - cũng đã mở cửa trở lại, với các biện pháp hạn chế chặt chẽ hơn so với Phuket.

Thái Lan thông báo có thêm 14.403 ca nhiễm mới COVID-19 cùng 189 trường hợp tử vong trong ngày hôm qua, nâng tổng số các ca nhiễm từ đầu dịch lên 1.352.953 ca, trong đó có 13.920 người không qua khỏi.

Số người tử vong vì COVID-19 hằng ngày tại Thái Lan đã giảm xuống dưới ngưỡng 200 so với mức kỷ lục 312 trường hợp được ghi nhận hôm 18/8. Tuy nhiên, Bộ Y tế Thái Lan vẫn dự kiến đề nghị Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 duy trì lệnh giới nghiêm ban đêm hiện nay tại các tỉnh trong vùng đỏ sẫm thuộc diện kiểm soát đặc biệt và tối đa cho tới cuối tháng này.

Tại Campuchia, Bộ Y tế nước này cho biết từ ngày 31/3 đến ngày 9/9, Viện Pasteur Campuchia đã phát hiện 3.731 trường hợp nhiễm biến thể Delta tại 24/25 tỉnh thành phố trên cả nước, chỉ duy nhất tỉnh Kep chưa phát hiện ca nhiễm biến thể này.

Bộ Y tế Campuchia kêu gọi người dân không lơ là cảnh giác, thay đổi lối sống và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19, đồng thời kêu gọi công dân và trẻ em trên 12 tuổi đi tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Tuy nhiên, dựa trên tỷ lệ lây nhiễm có xu hướng giảm ổn định và tỷ lệ tiêm chủng tại thủ đô Phnom Penh, chính quyền thủ đô ngày 10/9 thông báo toàn bộ các trường trung học công lập và tư thục ở thành phố sẽ được mở cửa trở lại từ ngày 15/9 tới.

Bộ Y tế Lào ngày 10/9 ghi nhận 194 ca mắc mới COVID-19, trong đó 108 ca nhập cảnh được cách ly ngay và 86 ca lây nhiễm cộng đồng. Như vậy, đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 16.936 ca mắc COVID-19, trong đó có 16 người tử vong.

Bộ Y tế Lào đang lo ngại nguy cơ dịch bùng phát mạnh khi tiếp tục ghi nhận nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng tại một số tỉnh như Champasak, Khammuan, Savannakhet, Bokeo.

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dich-benh-covid-19-tai-asean-co-dau-hieu-giam-nhiet-post155406.html