Dịch bệnh COVID-19: Vắcxin của Sinopharm đạt hiệu quả hơn 79%
Trong tuyên bố của mình, Viện Sản phẩm sinh học Bắc Kinh thuộc CNGB cho biết mức độ hiệu quả được đánh giá dựa trên các phân tích sơ bộ từ các cuộc thử nghiệm giai đoạn 3.
Ngày 30/12, Tập đoàn Biotec quốc gia Trung Quốc (CNBG) thông báo vắcxin phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do một đơn vị của công ty này phát triển có hiệu quả phòng bệnh đạt 79,34% và hãng đang nộp đơn đăng ký lưu hành tại Trung Quốc.
Đây là một trong 5 ứng cử viên vắcxin tiềm năng nhất được các công ty Trung Quốc phát triển.
Trong tuyên bố của mình, Viện Sản phẩm sinh học Bắc Kinh thuộc CNGB cho biết mức độ hiệu quả được đánh giá dựa trên các phân tích sơ bộ từ các cuộc thử nghiệm giai đoạn 3. Đơn vị này đã nộp đơn xin đăng ký lưu hành có điều kiện lên Cơ quan quản lý các sản phẩm y tế quốc gia.
CNBG, công ty con thuộc Tập đoàn Dược phẩm quốc gia Trung Quốc (Sinopharm), hiện cũng đang thử nghiệm giai đoạn cuối một vắcxin khác. Cả hai loại vắcxin này đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại Trung Quốc ngay cả khi các nghiên cứu chưa hoàn tất.
Trong khi đó, ngày 29/12, Thứ trưởng Y tế Mexico Hugo Lopez-Gatell cho biết công ty dược phẩm sinh học CanSino của Trung Quốc sẽ nộp kết quả thử nghiệm lâm sàng vắcxin phòng COVID-19 của hãng này cho nhà chức trách Mexico vào tuần tới, đánh dấu bước tiến mới hướng tới việc chế phẩm này được cấp phép tại quốc gia Bắc Trung Mỹ.
Tuần trước, Mexico bắt đầu nhập khẩu vắcxin do các công ty Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) hợp tác phát triển và tới nay đã tiêm chủng cho 18.529 nhân viên y tế. Mexico cũng đã đạt thỏa thuận mua vắcxin của CanSino, một khi vắcxin của công ty này được cấp phép.
Thứ trưởng Lopez-Gatell cho biết có 9.000 tình nguyện viên tham gia cuộc thử nghiệm lâm sàng của CanSino tại Mexico. Nếu vắcxin của CanSino được phê duyệt, Mexico sẽ tiếp nhận 2 triệu liều vắcxin này trong tháng 1/2021.
Trong ngày 29/12, Mexico ghi nhận thêm 900 ca tử vong, nâng số trường hợp không qua khỏi do COVID-19 lên 123.845 ca. Quốc gia Bắc Trung Mỹ này cũng ghi nhận thêm 12.099 ca mắc, nâng tổng số ca mắc lên 1.401.529 ca.
Cùng ngày, Cơ quan quản lý y tế Brazil (Anvisa) cho biết đã nhận được yêu cầu phê duyệt để tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3 đối với vắcxin Sputnik V do Nga sản xuất tại quốc gia Nam Mỹ này.
Theo thông báo của Anvisa, hãng dược phẩm Uniao Quimica của Brazil đã đưa ra yêu cầu tiến hành thử nghiệm với Sputnik V, do Viện nghiên cứu Gamaleya của Nga phát triển và được Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) tiếp thị. Cơ quan này cho biết sẽ xem xét yêu cầu trong vòng 72 giờ.
Bang Parana ở miền Nam Brazil đã đồng ý thử nghiệm và sản xuất loại vắcxin này của Nga, trong khi bang Bahia ở Đông Bắc đất nước có kế hoạch tham gia thử nghiệm và mua vắcxin Sputnik V. Thử nghiệm giai đoạn 3 được coi là "tiêu chuẩn vàng," trong đó các bệnh nhân được tiêm vắcxin Sputnik V hoặc giả dược được lựa chọn ngẫu nhiên./.