Dịch bệnh lạ xuất hiện ở Congo với tỷ lệ tử vong cao, phần lớn nạn nhân là trẻ em dưới 5 tuổi

Dịch bệnh lạ tại Congo khiến ít nhất 31 người tử vong đang trở thành mối quan ngại của cả thế giới vì tỷ lệ tử vong cao.

Một dịch bệnh bí ẩn đang lan rộng tại Cộng hòa Dân chủ Congo từ cuối tháng 10, khiến hàng trăm người mắc bệnh và ít nhất 31 người tử vong. Đáng báo động, phần lớn nạn nhân là trẻ em dưới 5 tuổi. Các chuyên gia y tế vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân cụ thể của dịch bệnh này, dấy lên lo ngại về một mối đe dọa tiềm tàng tương tự như đại dịch COVID-19.

Dịch bệnh bùng phát với tỷ lệ tử vong đáng lo ngại

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đợt bùng phát xảy ra tại tỉnh Kwango, miền Nam Congo, với hơn 400 ca nhiễm và tỷ lệ tử vong lên đến 7,6%. Con số này cao hơn nhiều so với tỷ lệ tử vong trung bình của COVID-19, vốn chỉ khoảng 1%.

Các triệu chứng phổ biến của bệnh bao gồm: sốt cao, đau nhức, ho và sổ mũi. Đặc biệt, tất cả trẻ em tử vong đều trong tình trạng suy dinh dưỡng nghiêm trọng. Mặc dù dịch bệnh có dấu hiệu đạt đỉnh vào đầu tháng 11, nhưng các ca nhiễm mới vẫn tiếp tục gia tăng, gây áp lực lớn lên hệ thống y tế vốn đã thiếu thốn.

Các triệu chứng phổ biến của bệnh bao gồm: sốt cao, đau nhức, ho và sổ mũi. Ảnh Xinhua

Các triệu chứng phổ biến của bệnh bao gồm: sốt cao, đau nhức, ho và sổ mũi. Ảnh Xinhua

Bệnh X hay chỉ là bệnh quen thuộc?

Khái niệm “Bệnh X” được WHO đặt ra năm 2018, nhằm cảnh báo về nguy cơ của một đại dịch toàn cầu chưa xác định. Tuy nhiên, theo WHO, các đợt bùng phát thường do các tác nhân gây bệnh quen thuộc. Trong đợt bùng phát lần này, 10 mẫu xét nghiệm đã dương tính với bệnh sốt rét.

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO, cho biết vẫn có thể tồn tại nhiều nguyên nhân khác và các xét nghiệm đang tiếp tục được thực hiện. Trong khi đó, ông Jean Kaseya, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Châu Phi (Africa CDC), chỉ trích việc chính phủ Congo chậm trễ trong việc cảnh báo với WHO: "Không thể để dịch bệnh bùng phát 5 - 6 tuần rồi mới thông báo."

Khó khăn trong xét nghiệm và chẩn đoán

Vùng dịch cách thủ đô Kinshasa khoảng 48 giờ đi đường và không có phòng thí nghiệm đủ khả năng xét nghiệm. Các mẫu bệnh phẩm phải được chuyển đến thủ đô, làm chậm quá trình chẩn đoán và kiểm soát dịch. Một khảo sát của Africa CDC cũng cho thấy nhiều quốc gia ở châu Phi thiếu cơ sở hạ tầng và vật tư y tế cần thiết để chẩn đoán dịch bệnh kịp thời.

Năm 2023, đã có 180 tình trạng khẩn cấp y tế liên quan đến các bệnh truyền nhiễm như Marburg, mpox, bại liệt. Phần lớn các nước trong khu vực không có nguồn cung cấp vật tư y tế ổn định để đối phó với dịch bệnh.

Nhiều nước thắt chặt an ninh sân bay

Nhiều nước thắt chặt an ninh sân bay

Xung đột và đói nghèo đẩy tỷ lệ tử vong lên cao

Congo là quốc gia bị tàn phá bởi xung đột kéo dài từ năm 1996, khiến khoảng 6 triệu người thiệt mạng. Bạo lực giữa các cộng đồng ở tỉnh Kwango càng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lương thực. Theo Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), đây là một trong những cuộc khủng hoảng đói tồi tệ nhất thế giới với 25,6 triệu người rơi vào cảnh mất an ninh lương thực và 4,5 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng nặng.

Tình trạng tiêm chủng thấp cũng khiến trẻ em dễ bị tổn thương hơn trước các dịch bệnh như sởi và sốt rét. Việc thiếu cơ sở hạ tầng y tế đã làm chậm khả năng ứng phó với dịch bệnh, khiến nhiều người không được chữa trị kịp thời.

Nhiều nước thắt chat kiểm soát sân bay

Trước tình hình dịch bệnh lạ giống cúm đang bùng phát ở phía nam Congo, một số nước bắt đầu thắt chặt kiểm tra tại sân bay để phòng ngừa.

“Chúng tôi đã khởi động các thủ tục để nâng cao cảnh giác tại các cảng và sân bay ngay lập tức. Đừng đánh giá thấp tình hình, nhưng cũng đừng hoảng loạn”, ông Francesco Vaia, một quan chức của Bộ Y tế Ý cho biết.

Trước Ý, Hong Kong (Trung Quốc) đã thắt chặt các biện pháp kiểm tra đối với tất cả các chuyến bay trung chuyển ở châu Phi từ hôm 5-12. Cụ thể, tất cả những hành khách đến Hong Kong từ sân bay Johannesburg (Nam Phi) và Addis Ababa (Ethiopia) đều phải trải qua các đánh giá nghiêm ngặt để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh chưa xác định này.

Tại Nhật Bản, Bộ Ngoại giao nước này cũng khuyến cáo mọi người không nên đi du lịch nếu không cần thiết đến khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

6/12, Bộ Y tế Thái Lan đã phát cảnh báo đến tất cả các đơn vị trực thuộc bộ này và yêu cầu các trạm kiểm tra y tế ở các cửa khẩu, sân bay nâng cao cảnh giác về đợt bùng phát dịch bệnh lạ ở Congo.

Nguồn Góc nhìn pháp lý: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/dich-benh-la-xuat-hien-o-congo-voi-ty-le-tu-vong-cao-phan-lon-nan-nhan-la-tre-em-duoi-5-tuoi-8046.html