Dịch bệnh lan nhanh như cháy rừng, Philippines 'vỡ trận' vì Covid-19
Philippines đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch Covid-19 tại Đông Nam Á với hơn 164.000 ca nhiễm và hơn 2.600 ca tử vong. Chính quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte bị chỉ trích là quá chậm trong việc ứng phó và giờ chỉ biết trông đợi vào vaccine.
Người dân thủ đô Manila được phân phát thuốc men và khẩu trang y tế trong thời gian phong tỏa. (Nguồn: AP)
Hôm 4/8, Philippines đã tái áp đặt lệnh hạn chế di chuyển trong vòng 2 tuần để ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan sau khi các cơ quan y tế của nước này cảnh báo về tình trạng quá tải bệnh nhân. Trước đó, từ 15/3-1/6, Philippines từng là quốc gia áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất thế giới, yêu cầu người dân chỉ được phép ở trong nhà, khiến nền kinh tế bị suy giảm trầm trọng.
Bất chấp những nỗ lực của chính quyền, sau hơn 2 tuần triển khai, các ca lây nhiễm Covid-19 vẫn gia tăng chóng mặt. Mặc dù tổng số ca nhiễm mới ngày 17/8 là 3.134 ca - giảm khá nhiều so với mức đỉnh 6.800 ca hôm 10/8, Đại học Philipines dự đoán, từ nay cho tới cuối tháng 8, số ca nhiễm có thể chạm ngưỡng 220.000 người.
Tình cảnh “rối ren” vì Covid-19 đáng báo động đến mức một tờ báo của Thái Lan tuần trước đã gọi Philippines là “ổ dịch Covid-19”.
Kênh truyền hình quốc gia ABS-CBN dẫn lời Bộ trưởng Nội vụ Philippines Eduardo Anõ - người chỉ đạo công tác ứng phó dịch Covid-19, cho hay Chính phủ vẫn “đang kiểm soát được tình hình và hy vọng số ca nhiễm sẽ giảm dần”. Tuy nhiên, hôm 16/8, ông này đã được chẩn đoán tái dương tính với Covid-19 sau lần đầu mắc bệnh cách đây 5 tháng.
Ông Eduardo Anõ đổ lỗi việc bùng phát nhanh chóng dịch Covid-19 là do người dân nước này đã không thực hiện nghiêm túc lệnh phong tỏa khi được phép tự cách ly tại nhà thay vì tới các cơ sở cách ly.
Thượng nghị sĩ đảng đối lập Risa Hontiveros cho biết, “dịch bệnh không hề được kìm chế và tốc độ lây lan của virus không có dấu hiệu chậm lại”, đồng thời cảnh báo “chiến lược của Chính phủ dường như đang dậm chân tại chỗ”.
Các biện pháp đang được triển khai như áp đặt lệnh cách ly, xét nghiệm trên diện rộng… đều bị chỉ trích là thiếu tính phối hợp và chậm chạp, cồng kềnh. Theo SCMP, tới thời điểm này, khi số ca nhiễm gia tăng theo cấp số nhân, các cơ quan y tế Philippines mới bắt đầu phát khẩu trang miễn phí cho người dân và cải thiện quy trình truy vết bệnh nhân.
Phản ứng của Tổng thống Rodrigo Duterte cũng thay đổi bất ngờ. Hồi tháng 2, ông Duterte cho rằng mọi thứ vẫn “rất ổn, không cần thiết lo lắng về virus” nhưng trong thời gian phong tỏa, ông lại dọa bỏ tù những người không đeo khẩu trang, không giữ khoảng cách an toàn và làm lây lan dịch bệnh.
Trả lời phỏng vấn tờ SCMP, ông Esperanza Cabral, nguyên Bộ trưởng Bộ y tế Philippines, cho rằng sai lầm lớn nhất của Manila nằm ở khâu tuyên truyền phòng chống dịch bệnh. Dù số liệu về dịch bệnh được cập nhật hằng ngày, Chính phủ Philippines vẫn chưa tuyên truyền hiệu quả tầm quan trọng của các biện pháp phòng dịch, đơn giản như rửa tay, giữ khoảng cách và đeo khẩu trang.
Philippines hiện đã bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang tại nơi công cộng, thậm chí bắt giữ hoặc xử phạt người không chấp hành quy định. “Kêu gọi người dân tự cách ly cũng là một vấn đề, vì không phải ai cũng có đủ cơ sở vật chất để tự cách ly. Ví dụ như trong khu ổ chuột, nơi có tới 10 người cùng chung một căn phòng 15m² và dùng chung nhà vệ sinh”, ông Cabra chia sẻ.
Theo Viện Đa khoa Philippines, khi các cửa hàng và cơ sở kinh doanh được phép mở cửa trở lại từ ngày 1/6, hàng nghìn người đã quay trở lại làm việc. Ngoài ra, việc xét nghiệm nhanh những người này chỉ tạo ra cảm giác an toàn giả tạo, vì kết quả xét nghiệm nhanh thường có độ chính xác không cao.
Benjamin Co, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm đến từ Bệnh viện Đại học Santo Tomas (Philippines) nhận định, vấn đề của Manila không phải là dỡ bỏ lệnh phong tỏa sớm hay muộn, mà việc gia tăng các ca lây nhiễm cho thấy các biện pháp của Chính phủ không hề phát huy tác dụng.
Cũng theo chuyên gia này, Philippines dù đưa ra lệnh phong tỏa dài nhất thế giới, nhưng sau đó lại không hề có một kế hoạch trung hạn hay dài hạn nào rõ ràng. Trong khi đó, Chính quyền của ông Duterte lại tập trung đổ lỗi cho người dân và cho rằng giờ đây chỉ còn biết trông chờ vào vaccine.
Ông Ronald Mendoza - Hiệu trưởng Đại học Ateno (Philippines) nhận định, điều Philippines cần lúc này là “một kế hoạch mạnh mẽ, dữ liệu chính xác và chính sách dựa trên ý kiến của các chuyên gia”. “Nhưng kế hoạch đó không thể có một sớm một chiều vì các tác động kinh tế của cuộc khủng hoảng do virus SARS-CoV-2 gây ra đã bắt đầu hiện rõ”, ông nói.
Một chuyên gia khác cho hay, tỷ lệ thất nghiệp của Philippines đang rất cao, khoảng 45,5%, hơn 1/5 - khoảng 21,9% các gia đình tại Philippines không đủ ăn.