Dịch bệnh mùa đông - xuân lại bủa vây
Thời tiết lạnh, ẩm của mùa đông - xuân, cùng với biến đổi khí hậu, môi trường ô nhiễm là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại virus, vi khuẩn phát triển. Không chỉ có các dịch bệnh lây qua đường hô hấp như: cúm mùa, cúm gia cầm H5N1, H7N9 mà dịch sởi, ho gà, tiêu chảy cấp... cũng rất dễ bùng phát và lan rộng nếu không quyết liệt phòng ngừa.
Đây là những cảnh báo được Bộ Y tế chỉ rõ tại hội nghị tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh mùa đông - xuân diễn ra chiều 18-11 tại Hà Nội.
Dịch bệnh truyền nhiễm giảm nhưng vẫn lo
Theo Bộ Y tế tính đến tháng 11-2019, hầu hết các dịch bệnh truyền nhiễm ở nước ta đều có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2018 nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh từ nước ngoài xâm nhập, cùng với đó, một số dịch bệnh vẫn có số người mắc và tử vong ở mức cao.
TS Đặng Quang Tấn - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, chỉ rõ, trong số các dịch bệnh, sốt xuất huyết (SXH) đang có số người mắc nhiều nhất với 250.000 trường hợp và 49 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2018, số người mắc SXH năm nay tăng hơn 300%, tử vong tăng 26 trường hợp.
Cùng với đó, dịch tay chân miệng cũng ghi nhận hơn 43.000 trường hợp (số mắc tăng 4,2%), trong đó có 2 trường hợp tử vong. Đối với dịch sởi ghi nhận trên 6.500 ca mắc trong số hơn 35.000 ca sốt phát ban nghi sởi.
Trong khi đó đối với dịch cúm, cả nước vẫn tiếp tục có nhiều trường hợp mắc cúm mùa H3N1, H1N1 nhưng từ đầu năm tới nay không ghi nhận trường hợp nào mắc cúm gia cầm H5N1 và H7N9. Ngoài ra, các dịch bệnh khác như: viêm màng não, tiêu chảy, Rubella, ho gà, bạch hầu... xuất hiện rải rác ổ dịch tại một số địa phương.
Không chỉ có tình hình dịch bệnh trong nước tiếp tục diễn ra phức tạp, mà theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy nhiều dịch bệnh trên thế giới và một số nước trong khu vực cũng gia tăng số người mắc và tử vong.
Chỉ tính riêng dịch SXH tại nhiều quốc gia trong khu vực đang có số người mắc và tử vong cao hơn nhiều so với Việt Nam, như: Philippines ghi nhận 348.893 trường hợp mắc với 1.342 ca tử vong; Malaysia 104.746 trường hợp mắc và 152 ca tử vong, Lào ghi nhận 33.728 trường hợp mắc với 59 ca tử vong.
Đối với dịch cúm H7N9 tại Trung Quốc trong vài năm qua đã ghi nhận 5 đợt dịch lớn và thường gia tăng mạnh vào giai đoạn đông - xuân. Tính đến nay, Trung Quốc ghi nhận hơn 1.580 trường hợp mắc cúm H7N9, trong đó 616 trường hợp tử vong nên nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm này xâm nhập vào nước ta là rất cao.
Hạn chế lây lan và tử vong
Trước nhiều dịch bệnh ở trong nước và trên thế giới đang diễn biến phức tạp, PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ, trong mùa đông - xuân, nhiều dịch bệnh có nguy cơ bùng phát nhưng lo nhất là cúm và sởi.
Bởi lẽ, cúm là dịch bệnh rất phổ biến trong mùa đông - xuân do điều kiện thời tiết ẩm, lạnh, dễ lây lan qua đường hô hấp và nơi tập trung đông người.
Còn bệnh sởi, ngoài yếu tố thời tiết lạnh và ẩm thì những hạn chế về tỷ lệ tiêm chủng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa cũng làm gia tăng số người mắc và tử vong.
Đại diện Bộ Y tế cũng chỉ rõ, đối với các dịch bệnh khác như: SXH, tay chân miệng, ho gà, thủy đậu... cũng có nguy cơ bùng phát trong mùa đông - xuân tới do đô thị hóa, biến đổi khí hậu, sự giao lưu, đi lại ngày càng gia tăng. Trong khi đó, một số chủng virus nguy hiểm như: cúm, Corona, Ebola... luôn tiềm ẩn sự biến đổi, gây bệnh trên người.
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, để hạn chế dịch bệnh mùa đông - xuân bùng phát, cũng như giảm tối đa số người mắc và tử vong thì các đơn vị y tế và địa phương cần chủ động và quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Đặc biệt nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở, huy động sự tham gia của các ban, ngành đoàn thể trong công tác phòng chống dịch, tập trung vào các hoạt động giám sát, truyền thông, quản lý và kịp thời xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, không để bùng phát, lan rộng…
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/dich-benh-mua-dong-xuan-lai-bua-vay-629386.html