Dịch bệnh sốt xuất huyết bắt đầu vào cao điểm, phòng dịch đơn giản từ hộ gia đình

Tại Việt Nam, dịch sốt xuất huyết đã bắt đầu vào mùa cao điểm. Nhằm tăng cường công tác phòng, chống, Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế) đã tổ chức hội nghị trực tuyến 'Tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm năm 2025'.

Hội nghị được kết nối tới 34 tỉnh, thành trong cả nước, đồng thời có sự tham gia của đại diện Cục Y tế ( Bộ Công an), Cục Quân y (Bộ Quốc phòng).

Sốt xuất huyết vẫn nằm trong tầm kiểm soát, tuy nhiên nguy cơ bùng phát rất cao

Tại hội nghị, Ths. Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng bệnh cho biết, Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sốt xuất huyết tiếp tục lưu hành cao ở Đông Nam Á và có xu hướng tăng trong các tuần gần đây. Cụ thể, Malaysia ghi nhận hơn 21.000 ca, Singapore hơn 20.000 ca, và Philippines với hơn 110.000 ca mắc, trong đó có 437 ca tử vong.

TS. Hoàng Minh Đức - Cục trưởng Cục Phòng bệnh Chủ trì hội nghị trực tuyến.

TS. Hoàng Minh Đức - Cục trưởng Cục Phòng bệnh Chủ trì hội nghị trực tuyến.

Số ca mắc đã ghi nhận tăng cục bộ tại một số địa phương, đặc biệt khu vực phía Nam chiếm hơn 70% tổng số ca mắc. Ở phía Bắc, các ca mắc rải rác được ghi nhận tại các đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh. Ths. Võ Hải Sơn cho biết thêm, các type virus sốt xuất huyết lưu hành chủ yếu vẫn là D1 và D2 và chiếm hơn 90% các trường hợp. Phân tích sâu hơn về muỗi Aedes, vật trung gian truyền bệnh, khu vực miền Bắc chủ yếu lưu hành loài Ae. Albopictus, trong khi miền Nam là Ae. Aegypti.

Ths. Võ Hải Sơn - Phó Cục trưởng Cục Phòng bệnh chia sẻ thông tin tại hội nghị.

Ths. Võ Hải Sơn - Phó Cục trưởng Cục Phòng bệnh chia sẻ thông tin tại hội nghị.

"Hiện nay sốt xuất huyết vẫn nằm trong tầm kiểm soát tuy nhiên với điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi phát triển nguy cơ bệnh sốt xuất huyết sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Kinh nghiệm thực tế những năm gần đây cho thấy số trường hợp mắc sốt xuất huyết thường có xu hướng gia tăng từ tháng 6 – 12 hàng năm. Chu kỳ xảy ra các đợt bùng phát dịch sốt xuất huyết giữa các năm có xu hướng ngắn hơn so với trước, từ khoảng 5 năm một đợt bùng phát xuống còn 3-4 năm trong những năm gần đây', Ths Võ Hải Sơn thông tin.

Về tình hình điều trị, TS. Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, cho biết số ca sốt xuất huyết đang điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương chưa đến 100 ca, với số ca nặng thấp. Các viện ở TP. Hồ Chí Minh và Huế cũng ghi nhận số mắc thấp. Đại diện Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh thông tin, xu hướng ca nặng trên tổng số ca mắc đang giảm, tập trung nhiều ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ, TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai.

Theo chuyên gia theo chu kỳ, năm 2022 sốt xuất huyết tăng cao nhưng năm 2023, 2024 giảm mắc, nhận định năm 2025 dự báo số ca sốt xuất có nguy cơ gia tăng cao

Diệt lăng quăng, bọ gậy là biện pháp hữu hiệu cắt đứt nguồn lây

Trước bối cảnh phức tạp của dịch bệnh, TS. Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Phòng bệnh, cho biết: "Cục Phòng bệnh đã ban hành kế hoạch được coi là trọng điểm trong phòng chống bệnh sốt xuất huyết. Cục cũng đề nghị 34 tỉnh, thành dựa trên kế hoạch chung này xây dựng kế hoạch cụ thể phù hợp với đặc thù của từng địa phương.

TS. Hoàng Minh Đức cũng lưu ý các địa phương trong phòng chống sốt xuất huyết đó là nâng cao nhận thức cộng đồng về nguy cơ và biện pháp phòng bệnh; Theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh và các chỉ số muỗi để có hành động kịp thời; Đào tạo chuyên sâu không chỉ cho cán bộ phòng bệnh mà cả khối điều trị, giúp nâng cao năng lực ứng phó và cuối cùng là chủ động triển khai các lớp học, các buổi tập huấn trao đổi kinh nghiệm phòng chống bệnh.

GS.TS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương chia sẻ tại hội nghị.

GS.TS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương chia sẻ tại hội nghị.

Cục trưởng Cục Phòng bệnh cũng chia sẻ thêm về các giải pháp trọng tâm như tổ chức các chiến dịch diệt bọ gậy lồng ghép vào các chiến dịch phun thuốc diệt muỗi. Ts Đức lưu ý, chỉ khi các chỉ số muỗi vượt ngưỡng, cần quyết định thời điểm xử lý ổ dịch một cách triệt để.

Tại cuộc họp, GS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cũng nhấn mạnh về vai trò quan trọng của hộ gia đình trong phòng chống sốt xuất huyết, lấy hộ gia đình làm trọng tâm, mỗi gia đình dành 10 phút mỗi ngày diệt lăng quăng, bọ gậy thì muỗi không có cơ hội phát triển và cắt đứt nguồn lây bệnh.

Bên cạnh sốt xuất huyết, các dịch bệnh truyền nhiễm khác vẫn diễn biến phức tạp. Thống kê mới nhất về bệnh sởi cho thấy, cả nước đã ghi nhận hơn 97.000 ca mắc và 11 trường hợp tử vong. Đối với bệnh tay chân miệng, từ đầu năm đến nay ghi nhận hơn 30.000 ca mắc không có tử vong. Đáng chú ý, trẻ em dưới 10 tuổi chiếm 99% số ca mắc tay chân miệng, trong đó trẻ từ 1-5 tuổi (độ tuổi đi mẫu giáo, mầm non) chiếm hơn 92%.

H.Nguyên

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dich-benh-sot-xuat-huyet-bat-dau-vao-cao-diem-phong-dich-don-gian-tu-ho-gia-dinh-169250711145827538.htm