Dịch bệnh truyền nhiễm tăng trở lại, Bộ Y tế chỉ đạo tăng cường phòng chống
Trước diễn biến gia tăng của các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng và Covid-19 tại nhiều địa phương, Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ sở y tế trên toàn quốc tăng cường công tác phòng chống dịch, đảm bảo kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tối đa ca nặng và tử vong.
Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), trong những tháng gần đây, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam cơ bản vẫn đang được kiểm soát. Tuy nhiên, một số bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng và Covid-19 đã bắt đầu có xu hướng tăng cục bộ tại một số địa phương, đặc biệt trong bối cảnh thời tiết mưa nhiều, nóng ẩm. Đây là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển và lây lan.

Bộ Y tế khuyến cao người dân đến cơ sở y tế ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.
Trước tình hình đó, Bộ Y tế đã ban hành văn bản gửi đến Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ... yêu cầu tăng cường công tác phòng, chống dịch đối với ba loại bệnh nói trên.
Về công tác truyền thông, các cơ sở y tế cần đẩy mạnh tuyên truyền phòng bệnh bằng nhiều hình thức như phát thanh, loa đài, poster, tờ rơi, website, fanpage... nhằm nâng cao nhận thức cho người bệnh, người nhà, nhân viên y tế, học viên, sinh viên thực tập về đường lây truyền và cách phòng tránh sốt xuất huyết, tay chân miệng và Covid-19.
Đặc biệt, ưu tiên truyền thông đến các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi, phụ nữ có thai và những người chăm sóc họ.
Về công tác chuyên môn, các cơ sở y tế cần đảm bảo tổ chức tốt việc khám, thu dung và điều trị bệnh nhân, cấp cứu kịp thời và hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng hoặc tử vong.
Các đối tượng nguy cơ cao như người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người có bệnh nền, bệnh nhân đang điều trị tại các khoa hồi sức, tim mạch, thận nhân tạo, phẫu thuật... cần được đặc biệt theo dõi và bảo vệ. Việc chỉ định nhập viện cần đúng hướng dẫn chẩn đoán, điều trị. Đồng thời, người bệnh nhẹ cần được tư vấn cách chăm sóc tại nhà an toàn, giảm tải cho bệnh viện.
Về kiểm soát nhiễm khuẩn, Bộ Y tế nhấn mạnh các cơ sở khám chữa bệnh phải thực hiện nghiêm quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, không để xảy ra lây nhiễm chéo hay hình thành ổ dịch trong bệnh viện.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng yêu cầu các đơn vị y tế thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo bệnh truyền nhiễm theo quy định tại Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 29/12/2015.
Nếu có khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, các đơn vị cần kịp thời báo cáo về Cục để tổng hợp và trình Lãnh đạo Bộ Y tế xem xét, giải quyết.
Về diễn biến dịch bệnh, tính từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 32.189 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 5 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2024 (36.276 ca mắc, 6 ca tử vong), số mắc giảm 11,2%, tử vong giảm 1 trường hợp.
Tuy nhiên, hiện nay đang là thời điểm bước vào mùa cao điểm của dịch, với các yếu tố thời tiết thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển mạnh.
Một số địa phương ghi nhận số ca mắc tăng đột biến, cụ thể: Bến Tre tăng 346,5%, Tây Ninh tăng 274,3%, Long An tăng 208,6%, Đồng Nai tăng 191,7%, TP.HCM tăng 151,4% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, khu vực phía Nam hiện chiếm hơn 70% tổng số ca mắc trên toàn quốc.
Tại miền Bắc, số ca rải rác được ghi nhận tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… Các type virus sốt xuất huyết lưu hành chủ yếu vẫn là D1 và D2, chiếm trên 90% các trường hợp mắc.
Đối với bệnh tay chân miệng, từ đầu năm đến nay cả nước đã ghi nhận hơn 30.000 ca mắc, tuy chưa có trường hợp tử vong, nhưng cũng có dấu hiệu tăng nhanh tại nhiều tỉnh, thành.
Trong khi đó, dịch Covid-19 dù đang được kiểm soát tốt, nhưng vẫn ghi nhận sự gia tăng cục bộ tại một số địa phương, đòi hỏi các cơ sở y tế không được lơ là trong công tác phòng chống dịch.
Trước những diễn biến phức tạp này, Bộ Y tế kêu gọi người dân nâng cao ý thức phòng bệnh, chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh như diệt muỗi, vệ sinh môi trường, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang nơi đông người… Đồng thời, khuyến cáo người dân đến cơ sở y tế ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.