Dịch bệnh và văn chương
Nếu bất chợt thấy một con chuột, loại chuột cống bẩn thỉu và 'to đùng bằng bắp tay của một người cường tráng', đang giương mắt nhìn mình, người ta sẽ phản ứng như thế nào? Chắc là sẽ có người thấy ghê tởm, nhưng vẫn thản nhiên bỏ qua.
Chắc là sẽ có người giật bắn mình, rồi co rúm lại trong những tiếng la hét thất thanh. Dĩ nhiên, cũng chắc là sẽ có người ngay lập tức lao đến tấn công con chuột bằng bất cứ thứ gì đang sẵn có trong tay. Nhà văn Hàn Quốc Pyun Hye Young (sinh năm 1972) đã cho nhân vật của mình chọn cách cuối cùng: vớ lấy cái túi xách hàng hiệu của một nữ đồng nghiệp để quật cho con chuột một cú khiến nó nát bét ruột gan. Người giết chuột.
Cái chi tiết tưởng như vặt vãnh tầm phào ấy lại chính là chi tiết mà Pyun Hye Young dùng để khởi động toàn bộ cốt truyện cuốn tiểu thuyết “Tro tàn sắc đỏ”, một tác phẩm đặc dị, đầy bất ngờ của văn xuôi Hàn Quốc đương đại (Kim Ngân dịch, NXB Hà Nội & Công ty Nhã Nam, 2017).
Nhờ chiến tích giết chuột mà Anh, nhân vật chính của “Tro tàn sắc đỏ”, đã gây được ấn tượng tốt với giám đốc công ty chi nhánh, và được tin tưởng cử sang công tác tại công ty mẹ ở nước C trong sự ghen tỵ của không ít đồng nghiệp. Không ai có thể ngờ được rằng sự điều chuyển ấy chính là trò chơi ác của số phận đối với Anh: không phải cơ hội thăng tiến, mà là vực thẳm mở ra, và Anh cứ thế bước rồi rơi xuống, theo chiều thẳng đứng, mỗi lần một thấp hơn.
Lần thứ nhất, Anh rơi từ cửa sổ phòng khách sạn xuống mặt đất ngập những bãi rác hôi thối, một cú rơi do bản năng thúc đẩy, rơi để trốn chạy sự nguy hiểm đang rập rình đe dọa từ một nghi án giết người, rơi và sống đời của một kẻ bới rác vô gia cư, vô lai lịch. Lần thứ hai, Anh bị ném cho rơi, từ mặt đất xuống cống ngầm, một cú rơi của con bệnh bị đồng loại thẳng tay chối bỏ, rơi và buộc phải học theo cách của loài chuột để tồn tại, như một con chuột giữa một bầy chuột-người đang nhờ nhờ sống trong bóng tối.
Sự chuyển dịch nhân vật theo cách “rơi xuống” như vậy – xuống bãi rác, xuống cống ngầm - đương nhiên, nhuộm không gian của “Tro tàn sắc đỏ” vào những sắc màu kinh khủng, như không phải của dương thế, mà của địa ngục. Ngay cả khi người kể chuyện tả bãi rác vào thời điểm “đẹp nhất”, tức lúc đốt rác, thì vẫn là một cái đẹp mang đầy vẻ rùng rợn: “Khi đó, giữa không gian bị lớp sương mỏng buổi sớm hay khói thuốc khử độc lờ mờ che phủ, ánh lửa bập bùng cháy trên rác đẹp như buổi hoàng hôn của một ngày trời trong. Ánh lửa đỏ sẫm bốc lên từ rác hòa cùng với không khí trong lành của buổi sớm. Ánh lửa ban đầu còn leo lét, sau dần màu sắc nổi rõ hơn, cuối cùng tỏa ra khói đen rồi bắt đầu bốc lên ngùn ngụt. Đó là thứ khói từ đủ thứ trên đời này đang bốc cháy. Các loại rác thải sinh hoạt mà người dân bỏ đi, cùng với lũ chuột lẫn lút trong đống rác chưa kịp chạy ra khỏi nơi thiêu rác, và những thi thể bị lén vứt giữa đêm khuya do bệnh viện không còn chứa nổi, cùng với những người bị bệnh còn chưa chết mà đã bị đem đi vứt vì tưởng rằng đã chết (người ta cũng đồn là có cả những thứ rác như thế)… tất cả cùng bốc cháy và tỏa khói. Lửa yếu dần, đám than hồng cứ rực lên rồi lại rụi xuống theo chiều gió thổi, tàn tro đen thui theo gió bay tản mác khắp không trung tựa như những cánh hoa” (tr 128).
Dĩ nhiên, thế giới “Tro tàn sắc đỏ” là một thế giới giả định, một thế giới do Pyun Hye Young tưởng tượng. Nhưng chỉ cần bằng một thao tác quy chiếu đơn giản về thực tại, người đọc cũng có thể nhận ra, đó chính là viễn cảnh không xa của thế-giới-này. Nếu như, khi con người đánh mất hoàn toàn kiểm soát về sự khai thác các nguồn lực tự nhiên, về mức gia tăng dân số và dịch bệnh truyền nhiễm, về sản xuất và mức độ tiêu thụ sản phẩm… thì ở những thành phố hiện đại nào đó, như thủ đô của nước C trong cuốn tiểu thuyết, nơi rác ngập lên khắp mọi chốn, nơi luôn mờ mờ trong màn sương của thuốc khử độc, nơi người ta thường xuyên phải mặc những bộ quần áo phòng dịch cồng kềnh, nơi chuột và bệnh truyền nhiễm tuyên bố chủ quyền, sẽ không còn là chuyện lạ. Trên phương diện ấy, có thể coi cuốn tiểu thuyết của Pyun Hye Young là tác phẩm thuộc vào dòng (nếu không muốn “dòng” thì “bộ phận”, hiểu thế nào cũng được, điều này không quan trọng lắm) văn chương về thảm họa thế giới.
Văn chương về thảm họa thế giới ư (như phim về thảm họa thế giới mà Hollywood đã khai thác đến sờn mòn)? Nó có không? Câu trả lời là có. Và có lẽ chỉ cần lấy một ví dụ là đủ: tiểu thuyết “Khi loài vật lên ngôi” của nhà văn người Sec Karel Capek (1890 – 1938). Đăng Thư dịch, NXB Hội nhà văn & Công ty Tao Đàn, 2016). Luôn tự hành hạ mình trong nỗi băn khoăn về cái gì đang đe dọa thế giới loài người, Karel Capek rốt cuộc đã nghĩ ra câu chuyện đáng sợ về một loại động vật lưỡng cư xấu xí được gọi là “sa giông”.
Thoạt tiên, chúng bị con người nô dịch tàn bạo, bị biến thành công cụ và bị sử dụng đến vô hạn độ cho vô hạn độ lòng tham của con người. Nhưng rồi đến một lúc, nhờ khả năng sinh sản nhanh và nhiều khủng khiếp cùng tố chất trí tuệ không thua con người, loài sa giông đã tuyên chiến và thực sự đẩy loài người đến bờ vực của sự bại vong và bị nô dịch tàn bạo. Lẽ dĩ nhiên, cho đến tận bây giờ, trên đời này vẫn chưa có một loài động vật lưỡng cư oanh liệt nào như con sa giông, cũng chưa từng có một cuộc chiến bi thảm nào như Karel Capek đã kể.
Bởi thế mà người ta (buộc phải) xem “Khi loài vật lên ngôi” là tác phẩm tiểu thuyết viễn tưởng. Nhưng, như chính tác giả trả lời vào năm 1936, hai năm trước khi ông qua đời: “Đây không phải là viễn tưởng, mà là hiện thực. Đây không phải là suy đoán về những gì trong tương lai, mà là tấm gương phản chiếu cái đang tồn tại và chúng ta đang sống chung với nó. Đây không phải truyện hoang đường, thứ mà tôi có thể cho không và còn tặng thêm bất cứ lúc nào, bao nhiêu tùy thích và cho bất cứ ai. Đây chính là hiện thực”.
Sự đoán quyết này, nếu muốn, có thể được gắn tên Pyun Hye Young với tiểu thuyết “Tro tàn sắc đỏ”. Bởi cái thành phố thủ đô nước C ngập ngụa rác ấy và những con người-chuột hôi thối của nó, chẳng gì khác, chính là “tấm gương phản chiếu cái đang tồn tại và chúng ta đang sống chung với nó”.
Ở cuối sách, nhà văn Pyun Hye Young cho biết, khi viết tác phẩm này, tác giả có tham khảo tác phẩm “Chuột và người” của Francesco Santoianni, và tác phẩm “Chuột” của Robert Sullivan. Nhưng dù vậy, “Tro tàn sắc đỏ” vẫn là cuốn tiểu thuyết có thể gợi cho người đọc nghĩ đến nhiều hơn nữa những nguồn dẫn chiếu văn chương.
“Khi loài vật lên ngôi” của Karel Capek, chắc chắn rồi. Nhưng chưa hết, còn là “Dịch hạch” của Albert Camus. Còn là “Lâu đài” của Franz Kafka. (Thậm chí, khá kỳ quặc, có thể còn là “Người khổng lồ ngủ quên”, cuốn tiểu thuyết mới nhất của Kazuo Ishiguro, nhà văn vừa giành giải Nobel Văn chương năm 2017). Hãy thử nói về mối tương quan giữa “Lâu đài” với “Tro tàn sắc đỏ”. Dấu ấn của Kafka trên Pyun Hye Young là không thể phủ nhận được khi K, nhân vật chính trong “Lâu đài”, đã hóa thân thành Anh trong “Tro tàn sắc đỏ”.
Thay vì tòa lâu đài bí hiểm và không sao thâm nhập nổi, Anh đứng trước trụ sở công ty mẹ, bất lực với những thủ tục khai báo và liên lạc rắc rối đến bất tận. Thay vì ngài Klamm, chủ nhân tòa lâu đài, người mà ai cũng nhắc đến với đầy vẻ sợ sệt dù chẳng ai được nhìn thấy ngài bao giờ, Anh phải gặp Mol - một đồng nghiệp ở công ty mẹ, cái dây nối liền giữa Anh với đất nước C xa lạ - nhưng lại không bao giờ gặp được, vì Mol có thể là bất cứ ai và cũng không là ai cả giữa dòng công chức lũ lượt đi ra đi vào kia. Một thế kỷ đã trôi qua kể từ Kafka đến Pyun Hye Young, nhưng tình thế thì vẫn vậy: con người cứ hỏi, thế giới cứ câm lặng, và xa lạ vẫn mãi là xa lạ.
Chỉ có một chi tiết hơi khác, ấy là K đột ngột hiện ra trước tòa lâu đài, không lý do gì hết, trần trụi, như người từ trên trời rơi xuống, còn Anh thì đến trụ sở công ty mẹ với cả một quá khứ và những mối liên hệ xã hội đã được xác lập sau lưng (những đồng nghiệp quen thói soi mói, người vợ đã li dị, gã tình địch đáng ghét…). Do đó, với Anh, sự bất khả thâm nhập của trụ sở công ty mẹ và sự câm lặng của Mol đồng nghĩa với sự tước đoạt lai lịch cá nhân, cái mà ít nhiều Anh có thể nói rằng nó thuộc quyền sở hữu của mình. Thế giới không chỉ xa lạ nữa, nó còn là thù địch.
Một thế giới thù địch, theo nghĩa nào đó, là một thế giới mà con người vừa là nạn nhân lại vừa là kẻ gây ra tội ác, và không sao thoát ra khỏi nó. Trong “Tro tàn sắc đỏ”, nếu như Anh là nạn nhân ngẫu nhiên trong vòng xoay đui mù của số phận – tất cả chỉ bởi một con chuột bị ném chết mà ra – thì cũng vẫn Anh, là thủ phạm của hai vụ giết người. Vụ giết người thứ nhất là nghi án, nó chập chờn có có không không đầy bất quyết giữa cơn say mụ mị với cái trí nhớ suy tàn của đương sự. Nhưng vụ giết người thứ hai là thực án.
Không những nó làm sáng tỏ vụ thứ nhất, mà còn làm sáng tỏ mớ ý nghĩ rối mù của nhân vật: “Như thể mùi máu xa lạ này chính là cách mở dấu niêm phong, bây giờ anh mới nhớ ra rằng vào một lúc nào đó, chuyện này đã từng xảy ra. Cảm giác truyền tới khi nắm thứ vũ khí bằng kim loại trong tay hay cảm giác khi máu bắn lên hoàn toàn khác với cảm giác khi anh cầm dao chặt đuôi chuột hay lúc anh quật con chuột liên hồi không thương tiếc. Nhờ cảm giác quen thuộc đó mà anh nhanh chóng hiểu ra hành động nhảy xuống đống rác của mình cách đây đã lâu. Ý nghĩ đầu tiên xuất hiện trong anh, đó là cảm giác nhẹ nhõm kỳ quái mà chính bản thân anh cũng không thể lý giải.
Dường như chính vì để có được cảm giác nhẹ nhõm này mà anh đã tiêu phí cả một quãng thời gian dài như vậy ở nước C” (tr 236). Như vậy, tội ác đã được biện minh. Mà khi tội ác đã được biện minh, bất kể lý do là gì, rất có thể, chính là lúc chuông báo về thảm họa đang sắp sửa rung lên…
Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/so-tay/dich-benh-va-van-chuong-625484/