Dịch bệnh virus Corona: Những gì biết đến lúc này
Số ca nhiễm bệnh từ virus Corona ngày càng tăng cao ở Trung Quốc, đà lây lan của căn bệnh này vượt qua dịch SARS năm 2003.
Trung Quốc đang phải đối mặt với một dịch bệnh chết người, được đánh giá là nguy hiểm hơn cả dịch SARS trong lịch sử. Số ca nhiễm virus Corona xuất phát từ Vũ Hán vượt qua các trường hợp mắc hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng từng lấy đi sinh mạng vài trăm người vào năm 2002-2003, báo South China Morning Post đưa tin.
Trung Quốc đã thực hiện các bước đi chưa từng có trong việc "khóa chặt" Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc và là tâm chấn của vụ dịch. Tuy nhiên, căn bệnh có triệu chứng giống viêm phổi tiếp tục lan rộng, nhiều trường hợp mắc bệnh bên ngoài Trung Quốc tiếp tục tăng.
Mới đây, khu vực duy nhất ở Trung Quốc chưa bị ảnh hưởng là Tây Tạng cũng đã báo cáo một trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Tứ Xuyên đã báo cáo ca tử vong đầu tiên do loại virus mới này, đánh dấu tỉnh thứ bảy ngoài Hồ Bắc có người tử vong. Số ca nhiễm ngoài Trung Quốc mới lần lượt xảy ra ở hàng chục nước khắp năm châu lục.
Bệnh cũng đang lan sang nhiều nước hơn. Các quan chức y tế tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cho biết hôm 29-1 rằng bốn thành viên của một gia đình Trung Quốc đến từ Vũ Hán được chẩn đoán mắc virus Corona. Đây được biết là những trường hợp mắc bệnh đầu tiên ở Trung Đông.
Trong khi đó, hãng hàng không British Airways của Anh và Indonesia Lion Air là hãng hàng không lớn nhất Đông Nam Á cũng tuyên bố họ sẽ tạm dừng tất cả các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc trong bối cảnh lo ngại virus lây lan. Hãng hàng không United Airlines, được biết là hãng lớn nhất của Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc, cũng đã hủy 24 chuyến bay đến Trung Quốc đại lục và Hong Kong. Ủy ban EU hôm 29-1 cũng khuyên nhân viên nên tạm dừng chuyến đi không cần thiết đến Trung Quốc.
Tình trạng lây nhiễm ngày càng lan rộng, gây lo ngại cho nhiều quốc gia khác trên thế giới. Hôm 27-1, có ít nhất một trong bốn người ở bang Bavaria được xác nhận là trường hợp nhiễm virus Corona đầu tiên ở Đức. Người này có biểu hiện mắc bệnh sau khi tiếp một đồng nghiệp từ Trung Quốc đến thăm trụ sở làm việc của họ, hãng tin DPA đưa tin.
Trong khi đó, ít nhất ba người nước ngoài (gồm hai người Úc và một người Pakistan) ở Quảng Đông đã bị nhiễm bệnh, theo chính quyền tỉnh. Phó chủ tịch Ủy ban y tế Quảng Đông Chen Zhusheng không cho biết chi tiết về người Úc nhưng cho biết người Pakistan là một sinh viên sống ở Vũ Hán. Được biết hiện có hơn 500 sinh viên Pakistan tại Vũ Hán.
Tính đến 6 giờ chiều 29-1 tại Bắc Kinh, Trung Quốc đã báo cáo 6.061 trường hợp xác nhận mắc bệnh và 132 trường hợp tử vong. Con số này nhiều hơn tổng số 5.327 ca nhiễm bệnh SARS ở Trung Quốc vào 17 năm trước với 349 ca tử vong ở Trung Quốc đại lục và 299 ca ở Hong Kong.
Tại tỉnh Hồ Bắc, Tỉnh trưởng Wang Xiaodong cho biết dịch bệnh ở các thành phố Hoàng Cương, Hiếu Cảm, Kinh Môn và Hàm Ninh đang lan rộng, đặc biệt là ở Hoàng Cương. Ông Wang nói rằng hiện ở TP này đã có đến 1.000 ca nghi ngờ nhiễm bệnh và đang cố gắng để nơi này không biến thành Vũ Hán thứ hai.
Chính quyền tỉnh Hồ Bắc đã cử một đội để xử lý cuộc khủng hoảng ở TP Hoàng Cương, nơi có dân số 7,5 triệu và nằm cách Vũ Hán là 78 km. Một bệnh viện dã chiến tương tự ở Vũ Hán đã được thiết lập với 1.000 giường bệnh.
Tuy nhiên, một nghiên cứu của ĐH Hong Kong cho thấy rằng nạn dịch sẽ không đạt đến đỉnh điểm cho đến tháng 4 và số trường hợp nhiễm bệnh có thể lên đến 40.000 người, do còn nhiều trường hợp nhiễm bệnh vẫn chưa được phát hiện.
Michael Osterholm, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và chính sách bệnh truyền nhiễm tại ĐH Minnesota, Mỹ, cho biết rất khó để dự đoán đỉnh điểm nhưng ông dự đoán dịch bệnh sẽ tồi tệ hơn SARS. Ông cho biết có vẻ như virus Corona có khả năng lây lan giữa người với người tốt hơn virus SARS và dịch có khả năng lớn hơn về số lượng ca bệnh.
Đáng ngại hơn, một nghiên cứu do chuyên gia về bệnh truyền nhiễm người Anh Neil Ferguson tại trường Imperial College London, Anh đã ước tính rằng có đến 100.000 người đã có thể bị nhiễm bệnh.