Dịch chuyển ngư trường
Dịch chuyển ngư trường khai thác hải sản từ tuyến bờ ra khơi xa, vừa nâng cao hiệu quả đánh bắt, vừa tạo điều kiện phát triển nguồn lợi thủy sản ven bờ. Tuy nhiên, việc dịch chuyển ngư trường phải gắn với từng loại hình, phương tiện và ngư cụ khai thác.
Ngoài số lượng tàu khai thác hải sản tuyến bờ khá lớn (khoảng 1.290 phương tiện), thì rào cản lớn nhất của việc dịch chuyển ngư trường là thói quen, tập quán khai thác hải sản của ngư dân. Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Nguyễn Văn Mười, khai thác tuyến bờ thì mỗi nghề gắn với một loại hải sản, nên ít xảy ra tình trạng xung đột ngư trường giữa các ngư dân. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều phương tiện khai thác tuyến bờ được ngư dân đầu tư ngư cụ và khai thác mang tính hủy diệt, ảnh hưởng đến hệ sinh thái cũng như nguồn lợi hải sản ven bờ.
Ngư dân vận chuyển hải sản lên bờ. Ảnh: T.Phong
Đặc biệt, lượng tàu hành nghề pha xúc, lưới kéo (giã cào)... chiếm số lượng lớn, lại hoạt động sai vùng tuyến, thường xuyên hoạt động ở tuyến bờ, tạo thêm thách thức trong nỗ lực bảo vệ nguồn lợi hải sản.
Từ năm 2014, Bộ NN&PTNT đã hạn chế, tiến đến không phát triển các phương tiện hành nghề khai thác hải sản có tính hủy diệt, gắn với việc khuyến khích ngư dân dịch chuyển ngư trường khai thác từ gần bờ ra khơi xa. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, như Quyết định 48/QĐ-TTg về hỗ trợ cho ngư dân nhiên liệu theo Nghị định 67/NĐ-CP, Nghị định 17/NĐ-CP. Những chính sách này đã giúp nhiều ngư dân vươn khơi khai thác hải sản ở những vùng biển xa. Tuy nhiên, số lượng tàu to, máy lớn tăng cao, nhưng ngành nghề khai thác cũng chỉ xoay quanh nghề lưới kéo, mực khơi, lưới quét, lưới vây... Vì vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, hàng loạt tàu hành nghề chủ lực trên bắt đầu nằm bờ, vì sản lượng khai thác bấp bênh, nguồn lợi hải sản cạn kiệt.
Để đảm bảo hiệu quả khai thác, ngư dân phải kéo dài thời gian mỗi chuyến biển, gắn với đầu tư, trang bị thiết bị và ngư cụ, nhưng cũng không khả thi vì “thu không đủ chi”. Vậy là xảy ra tình trạng, tàu công suất lớn quay lại hoạt động trong khu vực tuyến bờ, khiến hệ sinh thái biển bị tàn phá nghiêm trọng hơn, nguồn lợi hải sản càng bị sụt giảm nhanh hơn.
Thực tế trên cho thấy, dịch chuyển ngư trường nếu không gắn giữa ngư trường với loại hình, phương tiện, ngư cụ và đối tượng khai thác sẽ dẫn đến tình trạng "đụng đâu khai thác đó", cũng như tái diễn tình trạng tàu công suất lớn hoạt động sai vùng, tuyến. Điều này không chỉ tàn phá nguồn lợi hải sản, mà còn gây xung đột ngư trường giữa ngư dân xa bờ với người dân khu vực bãi ngang. Đơn cử như nghề lưới kéo.
Ngư dân Phạm Hồng Thủy, ở xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) cho rằng, nghề lưới kéo có 2 loại là lưới kéo tầng đáy và lưới kéo tôm, tương ứng với 2 ngư trường khai thác khác nhau. Trong khi nghề lưới kéo phù hợp với những ngư trường có địa hình bằng phẳng, dòng chảy ổn định, hải sản sinh sống gần tầng đáy, hoặc di cư qua, thì nghề lưới kéo tôm phù hợp với tuyến bờ. Vì vậy, nghề lưới kéo sẽ không trở thành hiểm họa của biển nếu phương tiện hoạt động đúng vùng, tuyến.
Có thể thấy, nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động tàu cá, gắn với định hướng ngư dân sử dụng ngư lưới cụ đúng quy định; lựa chọn ngư trường khai thác tương ứng với ngành nghề, đối tượng hải sản sẽ từng bước tháo gỡ những vướng mắc của việc dịch chuyển ngư trường vốn đang gặp nhiều nút thắt như hiện nay.
Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2025/202207/dich-chuyen-ngu-truong-3124197/