Dịch chuyển toàn diện trên không gian số

BHG - Chuyển đổi số toàn diện, thực chất là mục tiêu huyện Xín Mần đang thực hiện với quyết tâm cao và giải pháp triển khai đồng bộ, quyết liệt trên tất cả các lĩnh vực. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện nhưng với nhiều nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị từ huyện xuống cơ sở, công tác chuyển đổi số trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực trong năm 2024.

Ngay từ đầu năm 2024, Ban điều hành chuyển đổi số huyện Xín Mần xác định chuyển đổi số là giải pháp đột phá và là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong công tác lãnh chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức doanh nghiệp và người dân, với mục tiêu nhằm thúc đẩy phát triển KT – XH, đảm bảo QP – AN, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Trên cơ sở đó, nhiệm vụ chuyển đổi số được huyện đặc biệt quan tâm và đẩy mạnh thực hiện trên cả ba trụ cột chính quyền số; kinh tế số và xã hội số. Các nền tảng số phát triển như: Cung cấp dịch vụ công trực tuyến; thanh toán không dùng tiền mặt, hóa đơn điện tử; dạy học trực tuyến; định danh người dân và xác thực điện tử; quản lý và liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp; truy xuất nguồn gốc nông sản; phát thanh số (trực tuyến); nền tảng phòng họp không giấy tờ, sử dụng mã Qr code lấy tài liệu...

Chủ tịch UBND huyện Xín Mần Nguyễn Tiến Hùng kiểm tra việc niêm yết thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của huyện.

Chủ tịch UBND huyện Xín Mần Nguyễn Tiến Hùng kiểm tra việc niêm yết thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của huyện.

Công tác xây dựng chính quyền điện tử được thể hiện rõ về chất lượng văn bản được nâng cao; ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh góp phần nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Đặc biệt, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cung ứng dịch vụ công trực tuyến đã góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và chất lượng phục vụ người dân. Công tác cải cách thủ tục hành chính thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông cấp huyện, cấp xã được duy trì tốt, đáp ứng được nhu cầu của tổ chức và cá nhân khi đến giao dịch. Kết quả, bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử của huyện Xín Mần đứng tốp đầu trong 11 huyện, thành phố. 100% các cơ sở giáo dục có internet băng rộng, riêng khu vực thuận lợi là 100% các cơ sở giáo dục có từ 2 đường truyền trở lên. 100% các đơn vị trường học thực hiện nhập cơ sở dữ liệu ngành giáo dục và kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Vnedu. Tỷ lệ khám, chữa bệnh bằng CCCD trên địa bàn huyện đạt 99,97%; liên thông khám chữa bệnh lên hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 98%.

Nhân viên Viettel chi nhánh huyện Xín Mần tư vấn, hỗ trợ người dân thay đổi thiết bị 2G sang thiết bị 4G.

Nhân viên Viettel chi nhánh huyện Xín Mần tư vấn, hỗ trợ người dân thay đổi thiết bị 2G sang thiết bị 4G.

Xác định kinh tế số đóng vai trò quan trọng trong thời đại 4.0 hiện nay, vì vậy để bắt kịp xu hướng phát triển hội nhập, Xín Mần đã tập trung đẩy mạnh nhiều giải pháp hỗ trợ bà con Nhân dân trên địa bàn. Huyện quyết liệt chỉ đạo các ngành chuyên môn, chủ thể, doanh nghiệp, HTX nông sản địa phương triển khai các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 - 4 sao tham gia các Sàn giao dịch thương mại điện tử như: Voso.vn. PostMap.vn, Smartgap.vn,... Huyện có nhiều sản phẩm trên sàn giao dịch điện tử gồm: Miến dong Gia Long, Trà shan tuyết Chế Là, Trà Tuấn Băng, Lộc trà thiên nhiên Tuấn Băng trà, Hồng trà thiên nhiên Tuấn Băng trà, Mật ong hoa thảo quả, Gạo nếp Quảng Nguyên, Gạo tẻ Già Dui, Trà khổ qua rừng... Các HTX, hộ kinh doanh cập nhật đầy đủ thông tin về quá trình trồng và chăm sóc, chế biến sản phẩm, phục vụ cho việc quản lý của HTX và truy xuất nguồn gốc phục vụ cho việc bày bán trên các Sàn giao dịch thương mại điện tử.

Từ kết quả đạt được trong nhiệm vụ chuyển đổi số, trên địa bàn huyện Xín Mần xuất hiện nhiều mô hình điểm hiệu quả được triển khai nhân rộng. Nổi bật như mô hình xã chuyển đổi số, thanh toán số tại xã Nấm Dẩn, Chí Cà, Trung Thịnh... Triển khai cho 100% cán bộ, công chức xã biết và sử dụng phần mềm trợ lý ảo dành cho cán bộ, công chức, viên chức trong việc tìm kiếm, truy xuất thông tin văn bản pháp luật và trong công việc. Tổ chức đào tạo tập huấn và tuyên truyền về nội dung chuyển đổi thanh toán số cho 100% cán bộ xã, đoàn thanh niên, các tổ công nghệ số cộng đồng thôn và cán bộ, giáo viên, nhân viên tại các trường học. Chuyển dịch toàn bộ số thuê bao tại xã, thị trấn đang sử dụng dịch vụ 2G lên 4G theo quy định. Tiến hành rà soát khu vực lõm sóng để có phương án xây dựng bổ sung hạ tầng. Thực hiện cung cấp thuê bao viễn thông công ích cho hộ nghèo, cận nghèo.

Khôi phục và duy trì hoạt động của Câu lạc bộ may trang phục truyền thống dân tộc Phù Lá, xã Nàn Xỉn.

Khôi phục và duy trì hoạt động của Câu lạc bộ may trang phục truyền thống dân tộc Phù Lá, xã Nàn Xỉn.

Các cấp bộ đoàn triển khai nhiều mô hình hỗ trợ đắc lực cho công tác chuyển đổi số. Khuyến khích, tạo cơ hội thu hút tinh thần khởi nghiệp của đoàn viên, thanh niên thông qua sử dụng các phương thức tuyên truyền bằng mã QR Code thông tin sản phẩm, đăng tải trên các nền tảng thương mại điện tử để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Mô hình xây dựng “Infograpfic, video tuyên truyền”; Mô hình ý tưởng thanh niên khởi nghiệp “Búp bê trang phục các dân tộc huyện Xín Mần” qua triển khai ý tưởng đã đạt giải Nhất cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp tỉnh Hà Giang năm 2024. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào thực hiện nhiệm vụ công tác chuyên môn và công tác tuyên truyền (xây dựng báo cáo, video, hình ảnh…), qua ứng dụng các nền tảng trí tuệ nhân tạo.

Chủ tịch UBND huyện Xín Mần Nguyễn Tiến Hùng chia sẻ: Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, huyện đã huy động sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, cùng với sự ủng hộ, đồng hành của người dân và doanh nghiệp. Cấp ủy, chính quyền triển khai đồng bộ các giải pháp chuyển đổi số, tạo hiệu ứng, lan tỏa trong hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, doanh nghiệp và người dân tham gia. Phát huy vai trò của người đứng đầu của cơ quan, đơn vị trong quá trình thực hiện. Mặt khác, phối hợp với các đơn vị chuyên môn tổ chức tập huấn về hạ tầng số, đô thị thông minh và kỹ năng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, an toàn thông tin, từ đó tạo nền tảng vững chắc trên tiến trình phát triển thời đại kỷ nguyên số.

Bài, ảnh: THÀNH NHÂN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202501/dich-chuyen-toan-dien-tren-khong-gian-so-8df37cd/