Dịch COVID-19: Ấn Độ áp đặt lệnh phong tỏa tại thủ đô New Delhi

Nhân viên y tế điều trị cho bện nhân nhiễm COVID-19 tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 13/4/2021. Ảnh:THX/TTXVN

Chính quyền thủ đô New Delhi của Ấn Độ sẽ áp đặt lệnh phong tỏa kéo dài 1 tuần bắt đầu từ tối 19/4, trong bối cảnh đại đô thị này đang chật vật kiểm soát sự gia tăng số ca mắc COVID-19 trong khi các bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải.

Trong ngày 19/4, quốc gia rộng lớn với 1,3 tỉ dân này đã ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục 273.810 ca, đánh dấu ngày thứ năm liên tiếp số ca mắc mới vượt hơn 200.000 ca. Riêng trong ngày 18/4, New Delhi, thành phố bị dịch COVID-19 tàn phá nặng nề nhất, ghi nhận 25.500 ca mắc mới.

Phát biểu trên truyền hình, Thủ hiến New Delhi Arvind Kejriwal cho biết hệ thống y tế của khu vực đang quá tải và tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến nghiêm trọng.

Ông nhấn mạnh: "Nếu không áp đặt lệnh phong tỏa ngay lúc này, chúng ta sẽ chứng kiến một thảm họa còn lớn hơn. Từ tối nay, lệnh phong tỏa sẽ được áp dụng cho tới ngày 26/4 tới".

Theo lệnh phong tỏa mới, các doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa và việc di chuyển xung quanh khu vực phía Bắc thủ đô thành phố với 20 triệu dân sẽ chỉ áp dụng cho các dịch vụ thiết yếu.

Thủ hiến Kejriwal nêu rõ: "Lệnh phong tỏa này không xóa sổ được đại dịch mà chỉ làm chậm tốc độ lây lan của nó. Chúng tôi sẽ tận dụng lệnh phong tỏa kéo dài 1 tuần này để cải thiện dịch vụ chăm sóc y tế". Ông cũng lưu ý hệ thống chăm sóc y tế của New Delhi đang bị quá tải nghiêm trọng và đã "đến giới hạn".

Trước đó, các biện pháp hạn chế chống dịch tương tự cũng được áp đặt tại các khu vực khác của Ấn Độ, trong đó có bang miền Tây Maharashtra, nơi có thủ đô tài chính Mumbai, và bang miền Nam Tamil Nadu.

Tại Nhật Bản, sự gia tăng số ca mắc COVID-19 gần đây có thể khiến chính phủ tái áp đặt tình trạng khẩn cấp tại nhiều khu vực trọng yếu. Theo đó, nhà chức trách thủ đô Tokyo và Osaka đang xem xét việc gia hạn các biện pháp hạn chế nhằm ngăn dịch lây lan.

Làn sóng lây nhiễm mới đang làm phức tạp công tác chuẩn bị cho Olympic Tokyo, dự kiến khởi tranh vào tháng 7 tới. Trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của đại dịch COVID-19, Chính phủ Nhật Bản trong tháng này đã quyết định áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm đối với Tokyo, Osaka và 8 tỉnh khác.

Tuy nhiên, những biện pháp này đã không phát huy hiệu quả để có thể đảo ngược xu hướng gia tăng số ca mắc tới nay, khi Osaka ghi nhận con số kỷ lục 1.220 ca mắc mới trong ngày 18/4, hai tuần sau khi những biện pháp hạn chế trên có hiệu lực.

Trao đổi với báo giới, Thống đốc tỉnh Osaka, Hirofumi Yoshimura cho rằng đáng ra tới thời điểm này, các biện pháp hạn chế đã phát huy hiệu quả. Ông nhấn mạnh: "Các dịch vụ y tế đang trong tình trạng tồi tệ và chúng tôi đã quyết định cần (ban bố) tình trạng khẩn cấp. Chúng ta cần những biện pháp mạnh mẽ hơn, như việc hạn chế ngăn người dân di chuyển".

Ông cũng cho biết tỉnh đông dân thứ ba của Nhật Bản sẽ trình yêu cầu chính thức lên chính phủ trong ngày 20/4. Trong khi đó, Thị trưởng Tokyo, Yuriko Koike cũng cho biết đang xem xét đưa ra kiến nghị áp đặt tình trạng khẩn cấp. Trong ngày 18/4, Tokyo ghi nhận 543 ca mắc mới.

Khi được hỏi về các kiến nghị mà Osaka và Tokyo đang cân nhắc, Chánh Văn phòng Nội các Katsunobu Kato nhấn mạnh mọi yêu cầu như trên sẽ cần được xem xét "nhanh chóng".

Cùng ngày, Vanuatu đã áp đặt lệnh cấm kéo dài 3 ngày đối với hoạt động di chuyển trong và ngoài đảo Efete, nơi có thủ đô Port Vila, sau khi nước này xác nhận một thi thể dạt vào bờ có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

Theo các nguồn tin chính phủ, thi thể trên là một thủy thủ người Philippines - thành viên trên con tàu đã rời Port Vila một ngày trước khi thi thể của anh ta được tìm thấy trôi dạt gần một ngôi làng cách thủ đô 5km vào ngày 11/4.

Toàn bộ thủy thủ đoàn của con tàu trên và các cảnh sát tiếp xúc với thi thể đều có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2. Hiện chưa rõ nguyên nhân thủy thủ trên thiệt mạng.

Nhằm phòng trách lây nhiễm, Vanuatu khuyến cáo người dân giữ bình tĩnh và nâng cao cảnh giác, luôn đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng dịch.

Quốc gia Thái Bình Dương này mới chỉ ghi nhận 3 ca mắc, đều là du khách, cũng như đang nỗ lực đảm bảo không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Tại Thái Lan, tình hình dịch COVID-19 đang có chiều hướng lắng dịu khi số ca mắc mới trong ngày 19/4 đã giảm so với mức cao kỷ lục ghi nhận trong 6 ngày liên tiếp trước đó.

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, với 1.390 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 19/4, tổng số ca mắc ở Thái Lan hiện là 43.742 ca. Số ca tử vong cũng tăng 3 ca lên 104 ca.

Dù số ca mắc mới đã giảm sau chuỗi ngày tăng cao nhất kể từ đầu dịch, Bộ trưởng Giáo dục Thái Lan Treenuch Thienthong cho biết năm học mới dự kiến bắt đầu vào tháng 5 có thể phải hoãn khai giảng cho tới tháng 6.

Trong khi đó, Bộ Nội vụ Thái Lan thông báo 47/77 tỉnh trên toàn quốc đã yêu cầu những người đến từ những khu vực khác phải cách ly trong 14 ngày. Trước đó, ngày 18/4, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận số ca mới mắc COVID-19 ở mức kỷ lục là 1.767 ca cùng 2 ca tử vong.

Cùng ngày, truyền thông Thái Lan đưa tin một bé trai 6 tuổi hiện đang phải tự cách ly một mình trong nhà tại tỉnh Udon Thani ở miền Bắc nước này sau khi mẹ và chị gái phải nhập viện do COVID-19 hồi tuần trước.

Bé trai này là con của một người Lào làm nghề quản gia. Mẹ cậu bé nhập viện hôm 16/4, trong khi chị gái của bé trai nhập viện một ngày sau. Mặc dù có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, cậu bé vẫn phải cách ly trong nhà vì bị coi là trường hợp tiếp xúc gần có nguy cơ cao.

Để đảm bảo an toàn và chăm sóc cho bé trai, các nhân viên y tế tại Bệnh viện Klingkahm và các tình nguyện viên đã tổ chức túc trực trước nhà, hỏi thăm tình trạng của cậu bé và giao tiếp qua hàng rào. Dự kiến, cậu bé sẽ được xét nghiệm COVID-19 lần thứ hai vào ngày 20/4 tới.

L.H (tổng hợp từ TTXVN/ Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/254702/dich-covid-19--an-do-ap-dat-lenh-phong-toa-tai-thu-do-new-delhi.html