Dịch COVID-19: Ấn Độ giảm ca mắc mới, Mỹ số tử vong thực tế cao hơn

Trong ảnh: Người thân khóc thương bệnh nhân thiệt mạng do COVID-19 tại New Delhi, Ấn Độ ngày 22/4/2021 - Ảnh: Reuters/TTXVN

Số ca mắc mới COVID-19 tại "tâm dịch" Ấn Độ có xu hướng đi xuống khi nước này ngày 10/5 thông báo có hơn 366.000 ca mắc mới, giảm so với ngưỡng 400.000 ca mắc/ngày được ghi nhận trong thời gian gần đây.

Cụ thể, Bộ Y tế Ấn Độ cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 366.161 ca mắc, nâng tổng số ca mắc lên khoảng 22,66 triệu ca. Số ca tử vong mới vì COVID-19 là 3.754 ca, chấm dứt chuỗi 2 ngày liên tiếp số trường hợp không qua khỏi được ghi nhận ở ngưỡng hơn 4.000 ca/ngày.

Hiện tổng số ca tử vong do COVID-19 ở quốc gia Nam Á này là 246.116 ca. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, số liệu thực tế của Ấn Độ có thể cao hơn nhiều so với báo cáo.

Hiện tại Ấn Độ, nhiều bang đã áp dụng các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt trong tháng qua, trong khi các bang khác áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại và đóng cửa rạp chiếu phim, nhà hàng, quán rượu và trung tâm mua sắm.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, chính quyền của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang đối mặt với sức ép kêu gọi áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc.

Tình hình dịch COVID-19 cũng có dấu hiệu cải thiện ở Thái Lan khi nước này ngày 10/5 ghi nhận 1.630 ca mắc mới, giảm so với con số 2.101 của ngày trước đó, nâng tổng số các ca nhiễm lên 85.005 ca. Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, cũng trong ngày 10/5, tổng số ca tử vong vì COVID-19 ở quốc gia Đông Nam Á này đã vượt ngưỡng 400 ca, với 22 bệnh nhân không qua khỏi trong vòng 24 giờ qua. Hiện nước này ghi nhận tổng cộng 421 ca tử vong vì COVID-19.

Làn sóng thứ ba dịch COVID-19 ở Thái Lan cũng đã khiến cho nhiều nhân viên y tế bị nhiễm, chủ yếu là do lây từ các bệnh nhân không thông báo cho các bệnh viện về tình trạng của mình. Theo người phát ngôn Trung tâm xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) Taweesilp Visanuyothin, trong thời gian từ ngày 1/4 đến 7/5, đã có tổng cộng 512 nhân viên y tế mắc COVID-19 tại 57/77 tỉnh trên toàn quốc. Sự lây lan của dịch COVID-19 trong đội ngũ nhân viên y tế đã khiến cho Bộ Y tế lo ngại.

Cùng ngày 10/5, Chính phủ Úc đã đưa ra lộ trình mở cửa trở lại biên giới quốc gia, trong đó có việc thiết lập hành lang đi lại an toàn với các quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19 và nới lỏng hạn chế đi ra nước ngoài đối với những người đã được tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19.

Kế hoạch ba bước nhằm dỡ bỏ các hạn chế biên giới do Bộ trưởng Y tế Greg Hunt công bố. Bước đầu tiên, Úc sẽ mở hành lang đi lại với các quốc gia bảo đảm an toàn dịch bệnh chẳng hạn như một số nước ở Thái Bình Dương và châu Á, giống như vừa thực hiện với New Zealand.

Singapore đang được coi là “ứng cử viên” có khả năng nhất cho việc thiết lập hành lang đi lại với Úc (sau New Zealand). Tuy nhiên, Bộ trưởng Hunt chỉ ra rằng Singapore cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan, những nơi đã kiểm soát tốt đại dịch trong thời gian qua, lại đang đối mặt với các đợt bùng phát mới.

Bước tiếp theo là hoàn thành chiến dịch tiêm chủng trong nước nhằm bảo vệ người dân khỏi dịch bệnh. Bước thứ ba là dỡ bỏ dần các hạn chế đi lại cho những người đã được tiêm chủng đầy đủ.

Mặc dù không nêu các mốc thời gian cụ thể cho việc hoàn thành các giai đoạn của chiến dịch tiêm chủng, nhưng Bộ trưởng Hunt cam kết người dân đã tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19 sẽ có thể đi ra nước ngoài sớm hơn và khi trở về nước sẽ ít bị hạn chế hơn.

Ông cũng khẳng định mục tiêu của chính phủ là bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân và sớm từng bước mở cửa biên giới dựa trên đánh giá của các chuyên gia y tế về khả năng lây truyền COVID-19 ở những người đã được tiêm chủng.

Tại Mỹ, ngày 9/5, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ (NIAID), Tiến sĩ Anthony Fauci, cho rằng số ca tử vong do COVID-19 tại nước này trên thực tế cao hơn số liệu được báo cáo.

Theo hãng tin AFP (Pháp), số liệu do Đại học John Hopkins công bố cùng ngày cho thấy Mỹ ghi nhận 581.752 ca tử vong trong tổng số 32.707.359 ca mắc. Tuy nhiên, một nghiên cứu được Đại học Washington công bố hồi tuần trước ước tính con số thực tế có thể lên tới hơn 900.000 ca.

Trao đổi với hãng NBC, Tiến sĩ Fauci, cố vấn y tế và là chuyên gia dịch tễ học hàng đầu của Mỹ, cho rằng "chắc chắn" nước Mỹ "đang đếm thiếu" số ca tử vong vì COVID-19 và con số thực tế cao hơn nhiều. Ông Fauci cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc tiêm vắcxin ngừa COVID-19.

Số ca nhiễm và tử vong mới vì COVID-19 ở Mỹ đã tăng vọt sau các kỳ nghỉ cuối năm ngoái. Tuy nhiên, kể từ tháng 1 năm nay, số ca nhiễm mới giảm xuống khi nước này đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19.

Điều phối viên COVID-19 của Nhà Trắng, ông Jeffrey Zients, nhận định: "Chúng ta đang vượt qua giai đoạn khó khăn. Có 58% người Mỹ trưởng thành đã được tiêm ít nhất một mũi vắcxin và hơn 110 triệu người Mỹ đã được tiêm đủ liều".

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đặt mục tiêu 70% người trưởng thành ở nước này sẽ được tiêm ít nhất một mũi vắcxin ngừa COVID-19 trước ngày Quốc khánh 4/7 tới.

Trong khi đó, Tunisia ngày 9/5 bắt đầu thực hiện các biện pháp hạn chế kéo dài một tuần mà trong thời gian này có kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr nhân kết thúc tháng Ramadan của tín đồ Hồi giáo. Thủ tướng Hichem Mechichi cuối tuần trước cho rằng Tunisia đang trải qua "cuộc khủng hoảng y tế tồi tệ nhất trong lịch sử" và các cơ sở y tế đứng trước nguy cơ sụp đổ do các ca bệnh COVID-19 tăng cao.

Theo quy định trên, các đền thờ Hồi giáo, chợ và các cửa hàng không thiết yếu phải đóng cửa cho đến ngày 16/5 tới, trong khi đó các sự kiện tập trung đông người và các hoạt động văn hóa cũng như tụ họp gia đình bị cấm. Người dân Tunisia cũng không được đi lại giữa các khu vực.

Lệnh giới nghiêm ban đêm sẽ bắt đầu từ 19h hàng ngày thay vì 22 giờ như trước đây, và kéo dài đến 5 giờ sáng hôm sau. Các trường học đã đóng cửa từ giữa tháng 4 vừa qua.

Đến nay, Tunisia, đất nước có khoảng 12 triệu dân, ghi nhận tổng cộng hơn 319.000 ca nhiễm, trong đó 11.350 ca tử vong do COVID-19. Khoảng 500 người đang phải điều trị trong khu chăm sóc đặc biệt, một lượng bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch chưa từng thấy ở quốc gia Bắc Phi này.

Tunisia đã phải thiết lập các bệnh viện dã chiến nhằm đối phó với số bệnh nhân ngày càng gia tăng. Hệ thống y tế nước này cũng đang gặp khó khăn về nguồn cung oxy và kêu gọi sự hỗ trợ từ các nước châu Âu, thậm chí cả quốc gia láng giềng Algeria - nước cũng đang đối mặt với cuộc khủng khoảng y tế.

Trong khi đó, chiến dịch tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19 tại Tunisia được triển khai từ giữa tháng 3, vốn đã phải lùi hơn một tháng so với kế hoạch, đang diễn ra chậm hơn so với dự kiến.

Cùng ngày 9/5, Ả-rập Xê-út thông báo nước này có kế hoạch tổ chức lễ hành hương Hajj năm nay theo cách đảm bảo sức khỏe và an toàn cho những người tham gia. Theo cơ quan phụ trách lễ hành hương Hajj và Umrah của Ả-rập Xê-út, giới chức y tế nước này tiếp tục đánh giá các điều kiện và thực hiện mọi biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ sức khỏe cho người dân. Chi tiết về việc tổ chức lễ hành hương Hajj sẽ được thông báo sau.

Cơ quan trên cũng không đề cập đến việc người hành hương nước ngoài có được tham gia hay không. Năm ngoái, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, lễ hành hương Hajj diễn ra với số lượng người tham gia hạn chế.

Ngày 9/5, Ả-rập Xê-út ghi nhận 942 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 426.384 ca. Số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng lên 7.072 ca sau khi có thêm 13 ca tử vong.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/255486/dich-covid-19--an-do-giam-ca-mac-moi-my-so-tu-vong-thuc-te-cao-hon.html