Dịch COVID-19 ảnh hưởng đến kế hoạch di dời thủ đô của Indonesia
Hiện không có cuộc thảo luận nào về ngân sách dành cho dự án di dời thủ đô từ Jakarta tới tỉnh Đông Kalimantan do Indonesia đang phải tập trung các nỗ lực chống COVID-19.
Một quan chức Chính phủ Indonesia ngày 6/4 khẳng định dự án di dời thủ đô từ Jakarta tới tỉnh Đông Kalimantan có thể bị trì hoãn do chính phủ đang dồn ngân sách để ứng phó với các tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Người phát ngôn Bộ Điều phối Biển và Đầu tư, ông Jodi Mahardi, cho hay hiện không có cuộc thảo luận nào về ngân sách dành cho dự án trên do Bộ này vẫn đang tập trung các nỗ lực chống COVID-19 theo mệnh lệnh của Tổng thống Joko Widodo.
Lời khẳng định nói trên đánh dấu sự thay đổi quyết tâm của các quan chức hàng đầu Indonesia.
Cách đây gần 3 tuần, những người này từng tuyên bố rằng dự án sẽ tiếp tục bất chấp dịch bệnh, vốn đã lây nhiễm cho gần 2.500 người ở Indonesia, trong đó có hơn 200 người thiệt mạng tính đến ngày 6/4.
Theo ông Jodi, trọng tâm hiện nay của Bộ Điều phối Biển và Đầu tư là tìm các biện pháp phù hợp nhằm ứng phó với dịch bệnh theo yêu cầu của Tổng thống.
Chính phủ đã tái phân bổ ngân sách dành cho các hạng mục chi không quan trọng và không cấp bách để ưu tiên cho các chương trình ứng phó với COVID-19.
Theo đó, một số dự án phát triển, bao gồm dự án xây dựng thành phố thủ đô mới, có thể sẽ bị hoãn lại cho tới khi tình hình trở lại bình thường.
Dù phần lớn chi phí phát triển thủ đô mới dự kiến được huy động từ các nhà đầu tư tư nhân, Chính phủ Indonesia đã chuẩn chi khoảng 6,3 tỷ USD từ ngân sách nhà nước cho dự án này trong vòng 5 năm tới.
Hầu hết số tiền này dự kiến được dành cho giải phóng mặt bằng và xây dựng các công trình hạ tầng cơ bản vào cuối năm nay.
Theo ông Jodi, Tổng thống Widodo đã chỉ thị cho Bộ Điều phối Biển và Đầu tư truyền đạt thông điệp tới các nhà đầu tư tiềm năng, theo đó Indonesia tiếp tục cam kết và triển khai dự án một khi dịch bệnh chấm dứt.
Chính phủ Indonesia cũng tiếp cận các nhà đầu tư nhằm tìm kiếm nguồn tài trợ ứng phó với dịch bệnh.
Hồi tuần trước, Tổng thống Widodo đã ký ban hành một sắc luật bổ sung hơn 405.000 tỷ rupiah (24,7 tỷ USD) vào ngân sách nhà nước năm 2020.
Theo Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani, khoản ngân sách này sẽ được dành cho ba lĩnh vực gồm y tế, mạng lưới bảo trợ xã hội và cứu trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ./.