Dịch Covid-19 ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh

Hơn một tháng sau khi bùng phát, dịch bệnh Covid-19 đã gây ảnh hưởng đến nhiều ngành, nghề. Trong đó có ngành kinh doanh dịch vụ du lịch, khi lượng khách du lịch sụt giảm, các nhà nghỉ vắng khách do hủy tuor; các cơ sở trông giữ trẻ tư thục phải đóng cửa; giá cả hàng hóa tăng...

Phóng viên tìm hiểu thực tế tại khách sạn Tam Giác Mạch, thành phố Hà Giang.

Phóng viên tìm hiểu thực tế tại khách sạn Tam Giác Mạch, thành phố Hà Giang.

Theo thông lệ, đầu năm được xem là “mùa vàng” của các nhà hàng, khách sạn khi nhu cầu đi tham quan, du lịch, đi đền, chùa… tăng cao; từ đó, giúp mang về thu nhập khá cho các ngành kinh doanh dịch vụ. Tuy nhiên, cùng với sự bùng phát của dịch Covid-19 vào đầu năm đã làm sụt giảm hơn 50% lượng khách của các nhà hàng, khách sạn. Nhiều nhà hàng trong trạng thái vắng khách, với lượng khách “nhỏ giọt”. Anh Phạm Văn Đức, quản lý nhà hàng Đức Giang chia sẻ: “Dịp sau Tết được coi là thời điểm nhộn nhịp nhất của nhà hàng, ngay sau khi kết thúc đợt nghỉ Tết, nhà hàng đã chuẩn bị để phục vụ một lượng khách lớn. Nhưng trái ngược với mọi năm, do dịch Covid-19 bùng phát nên lượng khách đến nhà hàng giảm còn 1/3 so với cùng kỳ năm trước, kéo theo đó là doanh thu giảm. Nhà hàng hiện đang gặp khó khăn trong việc trả lương và duy trì số lượng nhân viên phục vụ. Để phòng tránh dịch bệnh, tạo tâm lý ổn định cho khách hàng, chúng tôi đã triển khai một số giải pháp như: Giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; sử dụng nước rửa tay, khử khuẩn cho khách đến ăn tại nhà hàng”.

Không khí vắng vẻ cũng diễn ra tại các nhà nghỉ. Chị Trần Thị Nhâm, chủ khách sạn Tam Giác Mạch tâm sự: “Thời điểm này hàng năm, là lúc thu lợi nhuận của các nhà nghỉ, khách sạn trên địa bàn. Sau Tết, các phòng của khách sạn đều được đặt kín chỗ, tuy nhiên do dịch Covid-19 nên hầu hết các đoàn khách đều hủy đặt phòng do hủy tuor. Nếu hàng năm khách sạn đón khoảng 50 lượt khách/ngày, thì nay chỉ duy trì từ 2-3 phòng có khách. Hiện, khách sạn phải cắt giảm nhân viên để giảm bớt chi phí. Chúng tôi hy vọng sẽ sớm hết dịch bệnh để các cửa hàng, khách sạn có thể khôi phục lại hoạt động kinh doanh”.

Ở một lĩnh vực khác, theo khảo sát của phóng viên, tại các nhóm trẻ tư thục trên địa bàn thành phố Hà Giang cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch bệnh. Theo chỉ đạo của tỉnh về việc cho học sinh nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, các nhóm trẻ đều phải đóng cửa. Chị Bàn Mai Trang, chủ nhóm trẻ Bông Sen, tổ 4 phường Trần Phú, cho biết: “Nhóm trẻ phải tạm thời đóng cửa, khiến những giáo viên tại đây phải tìm kiếm công việc làm thêm khác. Việc nghỉ lâu cũng ảnh hưởng đến lượng học sinh sau khi đi học. Để chuẩn bị cho việc đón, nhận trẻ ngay sau khi hết dịch, chúng tôi đã tiến hành vệ sinh, phun độc khử trùng và duy trì liên lạc với phụ huynh để nắm tình hình sức khỏe của các cháu”.

Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng tại chợ cũng leo thang và khan hiếm, do nguồn cung từ Trung Quốc bị gián đoạn. Chợ ế ẩm, nhiều quầy hàng không có khách, khiến nhiều hộ kinh doanh mong muốn xin giảm thuế do không có nguồn thu. Hoạt động du lịch, sản xuất kinh doanh của nhiều ngành cũng ngừng trệ, ảnh hưởng tới hoạt động mua bán tại chợ. Dù không có khách nhưng các tiểu thương cũng không thể đóng cửa, bỏ sạp hàng. Ngăn chặn đại dịch là việc hệ trọng song cũng rất cần các giải pháp để hỗ trợ người kinh doanh, sản xuất vượt qua mùa dịch bệnh, khôi phục lại hoạt động.

Bài, ảnh: LÊ HẢI - HOÀNG YẾN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202002/dich-covid-19-anh-huong-den-san-xuat-kinh-doanh-tren-dia-ban-tinh-756116/